Bảo vệ di sản từ những điều nhỏ nhất

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
29/07/2018 06:21 GMT+7

Khi những người dân Hội An cùng nhau không sử dụng túi ni lông ở Cù Lao Chàm, họ cũng không ngờ món quà mà khu dự trữ sinh quyển thế giới này tặng lại họ lớn lao đến thế.

Sau này ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An, nhớ lại: “Lúc đầu chúng tôi chỉ nghĩ đến bảo vệ môi trường. Nhưng sau đó một thời gian, những rạn san hô, khi không bị túi ni lông bám vào đã sinh sôi trở lại”.
Ông Nguyễn Đức Bình, sáng lập viên nhóm yêu văn hóa cổ Đình làng Việt lại rất tâm đắc với việc không dâng hương trong nhà tại các di tích kiến trúc, vì đốt hương có thể khiến kiến trúc gỗ, các mảng chạm bị ám khói và hư hỏng mau hơn. Trong các hoạt động của mình, nhóm của ông cũng chủ động thực hành điều này bên cạnh việc cùng nhau mặc lại trang phục xưa là áo dài nam và nữ.
Nhiều chuyên gia địa chất khoáng sản lại khuyến cáo không nên sử dụng nhiều đèn chiếu từ điện thoại trong các hang có thạch nhũ. Ánh sáng từ điện thoại có thể kích thích rêu mọc nhanh, thạch nhũ mau hỏng cũng như khiến các động vật ưa tối trong hang hoảng sợ.
Những di sản có thể được bảo vệ từ những điều rất đơn giản, những hành động rất nhỏ bé nhưng bền bỉ của người dân như không xả rác, không dâng hương tại các không gian có thể bị khói hương ảnh hưởng...
Di sản có thể được cứu từ những chiến dịch liên kết người dân. Chẳng hạn, Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) có chiến dịch vận động sử dụng bình nước thân thiện vì môi trường. Người dân có thể mua những bình nước này để đựng nước uống thay vì các chai nước nhựa. Hoặc mới đây tại Lý Sơn (Quảng Ngãi), IUCN đã cùng thực hiện chương trình Giảm một chai cứu tương lai. Đây cũng là một chương trình thay đổi hành vi, giảm sử dụng chai nhựa một lần của khách du lịch.
Tuy nhiên, ở quy mô toàn quốc, những cam kết bảo vệ di sản như thế này hiện vẫn còn rất lỏng lẻo. Nó cho thấy cần những cú hích, những nhóm tiên phong thực hiện triệt để thay đổi, như ở Cù Lao Chàm trước đó.
Những cú hích này cần được lan tỏa trong dân, qua giáo dục và đối thoại. Chẳng hạn, ở Hội An hiện nay, những buổi học về di sản, về hệ sinh thái tự nhiên vẫn tiếp tục được thực hiện. Mới đây, một chương trình học như thế về hệ sinh thái rừng dừa nước Cẩm Thanh, Hội An đã được thực hiện. “Bảo tồn để phát triển dài lâu”, ông Chu Mạnh Trinh, Ban Quản lý tài nguyên và môi trường biển Cù Lao Chàm, chia sẻ về dự án rừng dừa này.
Tất nhiên, nhà nước vẫn cần có cú hích lớn. Chẳng hạn, dù người dân giảm ném chai nhựa, túi ni lông xuống biển, Hạ Long (Quảng Ninh) vẫn cần đầu tư lớn để có một hệ thống xử lý nước thải. Với số vốn đầu tư hàng triệu đô la Mỹ, chuyên gia IUCN cho rằng nhà nước đầu tư sau đó thu lại qua thu phí môi trường các tàu trên vịnh sẽ rất phù hợp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.