Bảo vệ học sinh khỏi bị xâm hại tình dục

Thu Hằng
Thu Hằng
08/12/2018 09:02 GMT+7

Học sinh, sinh viên là 2 trong 3 đối tượng bị quấy rối, xâm hại tình dục nhiều nhất. Đáng chú ý, có nhiều học sinh tiểu học từng bị chính thầy giáo mình xâm hại.

Đây là thông tin được các chuyên gia chia sẻ tại tọa đàm "Bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái: Khoảng trống pháp luật và dịch vụ hỗ trợ" do Bộ LĐ-TB-XH và Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) đã diễn ra trong tuần này.
Nhiều thầy giáo quan hệ với học sinh tiểu học
Theo bà Trần Thị Bích Loan, Phó vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐ-TB-XH), tại VN đã ghi nhận có trên 1.100 vụ xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em. Những vụ việc này chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Khảo sát mới đây của UNFPA tại Hà Nội và TP.HCM cho thấy 11% học sinh (HS) nữ, 27% nữ nhà báo, 31% nữ sinh viên bị quấy rối tình dục hoặc XHTD.

Tiến sĩ luật Trần Thị Lịch, thẩm tra viên chính TAND tối cao, nghi ngờ về con số 11% HS nữ bị xâm hại và quấy rối tình dục. Bà Lịch chia sẻ: “Trước đây, từng có thời gian dài làm tư vấn tại các trung tâm dịch vụ tư vấn pháp lý, tôi nghe nhiều cuộc điện thoại của các thầy giáo nam chia sẻ rằng họ đã quan hệ với các em HS lớp 5, 6, 7, chứng tỏ mức độ nguy hiểm thế nào. Điều hết sức đau lòng là các em không dám tố cáo. Trách nhiệm của chúng ta phải làm thế nào để chấm dứt tình trạng XHTD đối với trẻ em”.
Mặc dù các em đã chịu nỗi đau về thể xác, nhưng khi tố cáo vụ việc với cơ quan chức năng, thêm một lần nữa lại chịu tổn thương về tinh thần. Luật sư Nguyễn Văn Tú, Chủ tịch Công ty luật TNHH Fanci, bức xúc: “Có nhiều vụ án, nạn nhân trẻ em phải khai đến 35 lần về nỗi đau chỉ xảy ra trong 5 phút với nhiều đối tượng khác nhau, tạo ra nét hằn trong tâm lý phát triển của trẻ em”.
Là người từng hỗ trợ pháp lý cho các nạn nhân trong các vụ án xâm hại trẻ em, bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và vị thành niên (CSAGA), cho hay: “Việc thực nghiệm lại hiện trường vụ án là một hình thức tàn bạo đối với trẻ em. Có những em 8 - 9 tuổi phải kể lại chi tiết mình bị xâm hại trong nhiều năm. Có những vụ việc cuối cùng kết luận không điều tra nữa. Tôi ao ước VN có phòng xét xử thân thiện, có thể sử dụng búp bê làm vật đóng thế để điều tra trong các vụ án XHTD trẻ em. Bằng cách đấy trẻ em không phải khai đi khai lại nhiều lần”.
Bà Đỗ Thị Thu Hà, đại diện Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc tại VN, bày tỏ: “Bạo lực và quấy rối tình dục thường được coi là chủ đề nhạy cảm, khó chia sẻ, thảo luận trước công chúng. Hơn nữa, những định kiến chống lại nạn nhân bạo lực tình dục khiến cho họ không được bảo vệ một cách đầy đủ, mà còn phải đối mặt với những hậu quả tiêu cực khi lên tiếng và đi tìm công lý”.
Cần cung cấp dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bị XHTD
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Thị Hà thừa nhận so với dạng bạo lực khác, việc xử lý, can thiệp kịp thời các vụ việc bạo lực tình dục đối với phụ nữ, trẻ em gái còn gặp những khó khăn nhất định như: nạn nhân khó tố cáo các vụ việc bị bạo lực tình dục và tìm kiếm sự hỗ trợ, tư vấn kịp thời so với những vấn đề về bạo lực thể xác. Việc xử lý, can thiệp đôi lúc chưa kịp thời, chưa thỏa đáng đã gây ra sự bất bình trong xã hội.
Theo bà Nguyễn Vân Anh, độ phủ sóng của các dịch vụ công hỗ trợ trẻ em bị xâm hại ở VN còn hạn chế. Mặc dù chúng ta đã đưa vào hoạt động đường dây nóng 111 hỗ trợ trẻ em. Tuy nhiên, theo phản ánh, gọi điện đến đường dây nóng rất lâu. Trong khi, các dịch vụ của các tổ chức khác không phải ai cũng biết đến, nguồn lực còn hạn chế. Vì vậy, Bộ LĐ-TB-XH cần nâng cơ sở hạ tầng để đường dây nóng không bị “tắc”; đồng thời cần có nơi trị liệu cho các nạn nhân bị XHTD.
Để giải quyết nạn bạo hành và XHTD, luật sư Nguyễn Anh Tú cho rằng nên có những hệ thống từ T.Ư đến địa phương chuyên về ghi nhận, ghi chép tổn thương về mặt tâm lý của nạn nhân như: bác sĩ tâm lý, bác sĩ tâm thần, cán bộ phụ nữ…
“Hiện chúng ta mới chỉ khám tổn thương về mặt thể xác của nạn nhân mà không khám về tổn thương tâm lý. Chúng ta cần có đầu tư tương xứng để có thêm nhiều chứng cứ về hành vi quấy rối tình dục, xâm hại trẻ em. Nếu thấy có dấu hiệu xâm phạm thì họ có trách nhiệm chuyển hồ sơ cho cơ quan liên quan. Như vậy các vụ việc không còn nằm trong dân chúng”, ông Tú nói.
Bà Hà Quỳnh Anh, chuyên gia nhân quyền và giới (UNFPA), khuyến nghị: “XHTD đối với trẻ em là vấn đề toàn cầu. Ngoài tuyên truyền nâng cao nhận thức hành vi XHTD, VN cần có những mô hình cung cấp dịch vụ cho nạn nhân nhằm hướng tới một xã hội tiến bộ và phát triển bền vững”.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng kiến nghị nâng mức xử phạt hành chính đối với tội danh quấy rối tình dục (hiện mức xử phạt cao nhất với hành vi này là 300.000 đồng) và chi trả BHYT khi nạn nhân bạo lực tình dục bị sang chấn tâm lý.
Yêu cầu tăng cường công tác phòng chống bạo lực trẻ em
Ủy ban Quốc gia về trẻ em vừa có công văn yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư về việc thực hiện các nhiệm vụ nhằm tăng cường công tác bảo vệ trẻ em và phòng chống bạo lực trẻ em.
Công văn nêu rõ, trong những ngày qua, tại tỉnh Quảng Bình và tỉnh Nam Định, các vụ bạo lực trẻ em ở trường học đã gây bất bình, bức xúc trong dư luận xã hội. Để thực hiện công tác bảo vệ trẻ em, phòng ngừa trẻ em bị bạo lực, xâm hại, Ủy ban Quốc gia về trẻ em yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư có giải pháp phù hợp để thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về trẻ em, đặc biệt quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường tại Nghị định 80 của Chính phủ.
Bên cạnh đó, cần chỉ đạo Sở GD-ĐT, các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các quy định về quy tắc ứng xử tới cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người lao động, nâng cao đạo đức nhà giáo.
Mỹ Quyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.