Hôm 8.3, người phát ngôn của Vatican, linh mục Federico Lombardi xác nhận mật nghị sẽ được khai mạc vào ngày 12.3.
Ông Lombardi cho hay các thiết bị phá sóng đặc biệt sẽ được triển khai xung quanh Nhà nguyện Sistine và nhà khách Santa Marta, nơi các hồng y sẽ bị cô lập trong suốt thời gian diễn ra Mật nghị.
Phóng viên chuyên viết về Vatican của hãng Religion News Service Alessandro Speciale nhận xét dí dỏm rằng, hàng rào phòng thủ công nghệ của Tòa thánh ấn tượng đến nỗi sẽ là một phép lạ nếu "Chúa Thánh thần lọt vào được Nhà nguyện Sistine".
|
Các thiết bị phá sóng không chỉ ngăn chặn việc nghe lén các buổi thảo luận bí mật mà còn ngăn cản các hồng y liên lạc với thế giới bên ngoài qua điện thoại hoặc máy tính.
Quy định của Giáo hội cấm các hồng y liên lạc qua thư từ, điện thoại hoặc bất kỳ phương tiện nào khác trong thời gian diễn ra Mật nghị.
Theo tờ báo Ý La Repubblica, trong thời gian diễn ra Mật nghị năm 2005, một hồng y người Đức đã tiết lộ với một kênh truyền hình Đức về kết quả hồng y Joseph Ratzinger được bầu làm Giáo hoàng trước cả thông báo chính thức từ ban công Đại thánh đường Thánh Peter.
Toàn thể các nhân viên hỗ trợ các hồng y trong Mật nghị, từ các linh mục nghe giải tội cho đến các nữ tu phục vụ các bữa ăn ở nhà khách Santa Marta, sẽ phải tuyên thệ giữ bí mật, theo ông Lombardi.
Nếu họ phá vỡ lời thề giữ bí mật, họ sẽ bị vạ tuyệt thông ngay tức khắc. Đây là hình phạt nặng nề nhất đối với một người Công giáo.
Các xe hơi trang bị thiết bị phá sóng cũng sẽ theo đuôi những chiếc xe chuyên chở các hồng y từ nhà khách Santa Marta đến Nhà nguyện Sistine.
Dưới triều đại của Giáo hoàng Benedict, người thoái vị vào tháng trước, Vatican bị phủ bóng bởi những cáo buộc về các vụ đấu đá nội bộ và rò rỉ thông tin, với đỉnh điểm là vụ Vatileaks, trong đó một người quản gia của Giáo hoàng bị kết tội đánh cắp hồ sơ mật và tuồn ra cho báo giới.
Sau khi Giáo hoàng Benedict bất ngờ thông báo thoái vị vào ngày 11.2, tờ tuần san Panorama ở Ý khẳng định Vatican đã tiến hành chiến dịch do thám và nghe lén quy mô lớn trong một phần cuộc điều tra vụ Vatileaks của cảnh sát Vatican.
Vatican đã bác bỏ việc thu thập một lượng lớn dữ liệu về thói quen cá nhân của các hồng y và các quan chức khác, song thừa nhận đã nghe lén một số đường dây điện thoại nội bộ trong cuộc điều tra.
Tính cấp thiết của những nguy cơ an ninh lại được đề cao bởi những vụ tiết lộ bí mật về các cuộc họp khoáng đại của các hồng y trước thềm ngày khai mạc bầu cử vào tuần tới.
Trong những ngày gần đây, báo chí Ý đã đăng tải các bài tường thuật chi tiết về bài phát biểu và thảo luận của các hồng y trong những buổi họp thường nhật.
Mật nghị Hồng y khai mạc vào ngày 12.3 Các hồng y của Giáo hội Công giáo sẽ bắt đầu Mật nghị bầu tân Giáo hoàng vào ngày 12.3, tức thứ ba tuần tới, theo thông báo của Vatican hôm 8.3.
Giáo hoàng danh dự Benedict XVI đã thoái vị vào tháng trước sau gần 8 năm lãnh đạo Giáo hội, trở thành vị chủ chăn đầu tiên của người Công giáo thoái vị trong 600 năm qua. Theo quy định, các hồng y sẽ bỏ phiếu cho đến khi có người đạt được tỉ lệ đa số phiếu 2/3. Hãng BBC cho biết hiện chưa có ứng cử viên nổi trội nào chắc chắn sẽ trở thành người kế vị của Giáo hoàng danh dự Benedict XVI. Văn phòng truyền thông của Vatican thông báo một buổi lễ sẽ diễn ra vào buổi sáng ngày 12.3 và vòng bỏ phiếu đầu tiên sẽ diễn ra vào buổi chiều ngày hôm ấy. Các nhân viên của Vatican đã bắt đầu chuẩn bị tại nhà nguyện Sistine, nơi Mật nghị diễn ra. Họ đặt hai bếp lò vốn sẽ sinh ra khói trắng từ các lá phiếu, khi một giáo hoàng mới được bầu ra.
|
Sơn Duân
>> Mật nghị Hồng y khai mạc vào ngày 12.3
>> Thách thức cho tân giáo hoàng
>> Các ứng viên triển vọng cho ngôi Giáo hoàng
>> Các hồng y tề tựu về Rome chuẩn bị bầu Giáo hoàng mới
>> Cá cược về giáo hoàng mới
>> 6 điều về Mật nghị Hồng y bầu tân giáo hoàng
>> Giáo hoàng Benedict XVI từ biệt trong lặng lẽ
>> Giáo hoàng chính thức thoái vị
>> Biển người tiễn biệt Giáo hoàng Benedict XVI
>> Giáo hoàng cho phép tổ chức sớm mật nghị
Bình luận (0)