Bảo vệ người dân

07/12/2012 03:15 GMT+7

Thời gian qua, Thanh Niên đã có nhiều bài viết phản ánh nạn bảo kê, cướp giật, trộm cắp... với thủ đoạn ngày càng trắng trợn, thú tính. Đó là một nỗi lo không mới nhưng ngày một lớn dần khiến người dân vô cùng bức xúc.

Đà Nẵng được coi là một thành phố yên bình, một “thành phố đáng sống” và thực tế đã được mọi người kiểm chứng.

Tuy nhiên, tại kỳ họp HĐND TP lần này, nhiều đại biểu cũng đã tỏ ra lo lắng, thậm chí bức xúc trước tình trạng tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Nhiều loại tội phạm mới xuất hiện trên địa bàn. Nói chung, theo con số thống kê thì các loại tội phạm đều có chiều hướng gia tăng, nhất là tội phạm về ma túy. Đây được coi là nguy cơ tiềm ẩn phát sinh nhiều loại tội phạm khác. Đặc biệt, loại tội phạm này ngày càng “trẻ hóa”, không chỉ xuất hiện trong nhóm người vô công rỗi nghề mà cả học sinh, sinh viên... tức là những người có học.

Lo lắng trước thực trạng trên, đại biểu Võ Văn Thương (Q.Cẩm Lệ) cho rằng nếu chỉ để ngành công an thì không thể giải quyết được mà cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Đây là cách nói khá quen thuộc, nên nghe xong ai cũng thấy không đúng mà cũng chẳng sai, đâm nhàm. Sống trong xã hội với thể chế chính trị nào đi nữa thì tất cả mọi chuyện đều có liên quan, ràng buộc lẫn nhau, không thể tách rời. Cả hệ thống chính trị đương nhiên đều phải vận động tùy theo chức năng của mình trong từng vấn đề cụ thể. Tuy nhiên, cần phải xác định việc gì thuộc về trách nhiệm chính của ngành nào, ngành đó là người nào? Nếu không thì rất khó phân định.

Tại kỳ họp, ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng thừa nhận, trách nhiệm của chính quyền là làm cho người dân có cuộc sống bình yên. Nhưng ông cũng cụ thể hóa, nhiệm vụ là của chính quyền, mà công an là công cụ đắc lực của chính quyền, vì thế ngành công an phải làm chứ không thể chờ ai cả.

Về ý kiến của đại biểu Võ Văn Thương đề nghị cả hệ thống chính trị vào cuộc, ông Thanh nói: "Nói là toàn Đảng, toàn quân, toàn dân nhưng thực ra trách nhiệm chính vẫn là công an”. Ông nói: “Ở Hàn Quốc, Singapore đâu có hô "toàn Đảng, toàn quân, toàn dân" mà họ vẫn làm rất tốt... Công an phải quản lý chứ không thể bắt cả xã hội phải ngó chừng”.

Nhắc đến một vụ cướp man rợ ở TP.HCM diễn ra giữa ban ngày, ông Thanh nói bằng một ngữ điệu dân dã vốn rất quen thuộc với người Đà Nẵng: "Tội cỡ đó chưa đến mức tử hình nhưng cái gan của tôi là quất cái án chung thân, kiếm hòn đảo cho ra vĩnh viễn ngoài đó. Tôi mà có quyền để làm thì tôi đảm bảo những loại đó đừng hòng lởn vởn ở xã hội này".

Rồi, vẫn cách nói vừa dân dã, khôi hài nhưng ngữ điệu mạnh hơn: "Vấn đề là phải có người chịu trách nhiệm cá nhân chứ không thể cuối cùng rồi hòa cả làng. Ở các nước nếu xảy ra cướp giật nhiều như thế thì tư lệnh cảnh sát phải từ chức…Không có chuyện đổ lung tung, cứ từ họ Nguyễn, họ Lê chuyển sang... họ Đỗ hết!" (Từ đỗ ở đây ý ông dùng từ đồng âm khác nghĩa với đổ - đổ thừa, đổ lỗi).

Một trong các nguyên nhân đưa ra ngoài chuyện không ai chịu trách nhiệm chính mà khi có việc xảy ra thì “hòa cả làng”, ông Thanh cũng phân tích nguyên nhân dẫn đến tội phạm gia tăng còn do lẫn lộn giữa cái này và cái khác. Ví dụ như vũ trường thì phải ra vũ trường, quán bar phải ra quán bar không thể cái này cũng là cái kia. Và ông kết luận, “chỉ tại mình làm không quyết liệt!”.

Để minh chứng cho việc quyết liệt, ông nói: "Tại sao Đà Nẵng không có đua xe, trong khi các nơi đua ầm ầm. Bởi vì đua là tịch thu, bán lấy tiền xây nhà cho người nghèo ngay. Tui còn nhớ mãi, có lần ra Quốc hội có người hỏi tịch thu xe đua là phạm pháp. Tui cũng nói đâu có luật nào cho phép đua, nên áp dụng "luật thu xe" để bảo vệ quyền sống của người dân, chứ không nó đua gây chết người thì ai chịu”?

Để xử lý tội phạm, ông Thanh đề xuất: "Tui nói thiệt, cướp mà có vũ khí chống trả người thi hành công vụ phải bắn hạ. Như hồi trước, lập các đội săn bắt cướp, đội này mạnh tay thì cướp giật chùn ngay”.

Ông nói: "Làm gì thì phải mạnh mẽ lên, đừng như mấy ông đá banh, đá chi mà ì ạch, cà rù như thế sao ăn được. Hôm đá với Thái Lan, tui nói giỏi lắm thì huề, còn thua là cái chắc. Y chang...".

Rồi ông chia sẻ: "Thật quá xấu hổ nếu cả hệ thống, cả một lực lượng hùng hậu như thế này mà không bảo vệ được người dân. Chính quyền phải có trách nhiệm về chuyện này, không thể thoái thác".

Theo dõi kỳ họp, người lớn thì suy nghĩ, bàn luận rất nhiều, giới trẻ thì chỉ nói nguyên một câu bằng ngôn ngữ mạng: “Like mạnh ông Nguyễn Bá Thanh!”.

Cá nhân tôi lại thích câu "Thật quá xấu hổ nếu cả hệ thống, cả một lực lượng hùng hậu như thế này mà không bảo vệ được người dân". Tôi like câu này!

Nguyễn Thế Thịnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.