Trước việc khai thác quá mức như hiện nay, nguồn lợi hải sản ở vùng biển Cà Mau đang ngày càng cạn kiệt.
Khai thác theo kiểu tận diệt
Theo số liệu của Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Cà Mau, hiện toàn tỉnh có 4.661 phương tiện khai thác hải sản, với tổng công suất gần 451.000 CV, trong đó có 991 tàu khai thác xa bờ, số còn lại là phương tiện có công suất từ 20 - 90 CV. Do ngư trường rộng lớn, vùng biển Cà Mau thường xuyên có trên 10.000 tàu khai thác hải sản ngoài tỉnh, hàng ngàn tàu công suất nhỏ hoạt động đánh bắt ven bờ. Áp lực khai thác như vậy đã làm nguồn lợi thủy sản bị suy giảm đáng kể, đặc biệt là các loại thủy sản chưa trưởng thành, tập trung ở gần bờ. Nguy cơ cạn kiệt nguồn tài nguyên biển càng tăng lên khi tại các vùng cửa sông, cửa biển hiện nay có hàng ngàn miệng đáy, trong đó có hàng trăm miệng đáy cạn, khai thác ở độ sâu 5 m trở vào, chủ yếu bắt các loài thủy sản còn nhỏ.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do nhiều hộ dân đổ xô về các vùng cửa biển sinh sống, trong số đó phần lớn là hộ nghèo, có trình độ dân trí thấp, nên việc tiếp thu kiến thức pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản còn rất hạn chế. Ông Nguyễn Văn Tình, một ngư dân quê ở Sóc Trăng đến mưu sinh tại cửa biển Khánh Hội (H.U Minh) đã 20 năm, cho biết 6 người trong gia đình ông chỉ trông chờ vào chiếc ghe đánh bắt hải sản. Một đêm đi biển, tiền lãi bán tôm, cá tạp cũng thu được vài trăm ngàn đồng. Nghề này đã nuôi sống gia đình ông ngần ấy năm qua. Dù biết là vi phạm quy định của Nhà nước, nhưng ông Tình và nhiều ngư dân khác vẫn lén lút làm. Bởi suy cho cùng, khi trong tay không có vốn, việc làm, đất sản xuất… ngư dân buộc phải bám vào nghề này để mưu sinh. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân dù cuộc sống không đến mức khó khăn, nhưng vẫn tham gia khai thác ven bờ, do chỉ thấy cái lợi trước mắt mà quên đi lợi ích lâu dài.
Ông Ðỗ Chí Sỹ, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Cà Mau, cho biết UBND tỉnh đã nghiêm cấm khai thác thủy sản ven bờ, làm tận diệt nguồn tôm, cá. Quyết định này được triển khai ở vùng biển có độ sâu từ 5 - 7 m, nhằm bảo vệ bãi sinh sản, vùng sinh trưởng của các loài thủy sản. Thời gian qua, việc giáo dục, tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi hải sản cho ngư dân đã được ngành chức năng đặc biệt quan tâm.
|
Ưu tiên chuyển đổi nghề
Thực tế cho thấy, nguồn lợi hải sản ven bờ bị khai thác bằng hình thức tận diệt đã diễn ra từ nhiều năm nay. Ông Phạm Thế Tài, Chánh thanh tra Sở NN-PTNT Cà Mau, cho biết để bảo vệ nguồn lợi hải sản, tỉnh đã tăng cường hoạt động kiểm tra; khẩn trương xây dựng, thiết lập trạm kiểm ngư tại các cửa biển trọng điểm như: Sông Ðốc, Khánh Hội, Cái Ðôi Vàm, Rạch Gốc, Hố Gùi; đồng thời xử lý kiên quyết những trường hợp vi phạm, nhất là các đối tượng xâm phạm bãi sinh sản ở tuyến ven bờ mới được khôi phục... Tuy nhiên, đó mới chỉ là giải pháp tình thế nhằm lập lại trật tự khai thác, chứ chưa phải là biện pháp mang lại hiệu quả cao. Do đó, về lâu dài, cần có sự phối hợp giữa chính quyền các địa phương để thực hiện đồng bộ các biện pháp; đề ra chính sách, cách làm thiết thực để giúp đỡ ngư dân và chủ các phương tiện công suất nhỏ cải thiện cuộc sống.
Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Cà Mau đang triển khai thực hiện dự án “Quy hoạch và xây dựng các mô hình chuyển đổi nghề khai thác thủy sản vùng biển ven bờ, giai đoạn 2007 - 2010 và định hướng đến năm 2020”. Dự án sẽ xây dựng một số mô hình chuyển đổi nghề khai thác hợp lý, mô hình nuôi trồng thủy sản…; vận động và hỗ trợ chuyển nghề cho các hộ đang khai thác theo kiểu tận diệt nguồn lợi hải sản ven bờ, đồng thời quy hoạch nghề khai thác hải sản phù hợp với trữ lượng, nguồn lợi và khả năng cho phép. Đây có thể xem như lối ra cho ngư dân hiện nay, đồng thời giải quyết cơ bản áp lực khai thác hải sản ven bờ, giúp ngư dân ổn định cuộc sống một cách căn cơ và bền vững.
Chí Tín
Bình luận (0)