Bảo vệ trẻ em trước mạng xã hội

05/12/2024 04:02 GMT+7

Úc đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới không cho phép người dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội. Tuy vẫn còn tranh cãi xung quanh quyết định này nhưng rõ ràng, xu thế chung của thế giới đều lo ngại các rủi ro khi trẻ em sử dụng mạng xã hội.

Ví dụ sau khi Úc thông qua luật trên, kết quả khảo sát mới đây cho thấy khoảng 77% người Đức được hỏi đã ủng hộ hoàn toàn hoặc một phần biện pháp giới hạn độ tuổi người sử dụng mạng xã hội (MXH).

Thực tế, song hành với sự phát triển bùng nổ, "thế giới ảo" trên MXH cũng ẩn chứa vô số tệ nạn và hậu quả không hề "ảo". Đó là nội dung đồi trụy, lạm dụng tình dục, lừa đảo, truyền bá tư tưởng sai lệch… đã gây ra không ít hậu lụy nghiêm trọng cho cả người lớn, trưởng thành. Trong khi đó, nhiều trẻ lại được tiếp cận với MXH quá sớm và gần như không bị giới hạn, nên rủi ro rất lớn.

Không riêng gì Úc, nhiều chính quyền trên thế giới đã áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt nhằm kiểm soát việc trẻ em dùng MXH. Điển hình, Pháp thông qua luật yêu cầu trẻ em dưới 15 tuổi phải được cha mẹ đồng ý nếu muốn mở tài khoản MXH. Ở Mỹ, bang Florida đã ban hành luật cấm trẻ dưới 14 tuổi truy cập MXH, còn trẻ từ 14 - 15 tuổi thì dùng MXH phải có sự kiểm soát của cha mẹ.

Tại VN, Nghị định 147/2024/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 25.12 sắp tới, quy định chỉ những tài khoản đã được xác thực mới được đăng tải thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin trên MXH. Và trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng MXH phải được cha mẹ hoặc người giám hộ đăng ký bằng thông tin của mình và phải giám sát, quản lý nội dung trẻ em đăng tải, chia sẻ.

Theo nghị định này, trách nhiệm cao nhất nằm ở chính các đơn vị vận hành MXH. Chỉ cần các MXH kiểm soát hiệu quả theo quy định thì sẽ dễ dàng giảm thiểu rủi ro cho trẻ em khi sử dụng. Tuy nhiên, một vấn đề quan trọng đặt ra chính là kiểm soát sự tuân thủ của các đơn vị vận hành MXH. Thời gian qua, dù cơ sở pháp lý liên quan đến việc quản lý nội dung trên MXH và trách nhiệm vận hành được quy định rất rõ ràng nhưng nhiều đơn vị vẫn để tồn tại nhiều sai sót, rồi viện dẫn những khó khăn thiếu thuyết phục, thậm chí là vô trách nhiệm như lý do "không đủ nhân lực".

Cho nên, để áp dụng hiệu quả quy định nói trên, cơ quan chức năng cần siết chặt kiểm soát sự tuân thủ của chính các đơn vị, doanh nghiệp quản lý, vận hành MXH. Việc tăng cường chế tài, xử lý nghiêm vi phạm là rất cần thiết.

Bên cạnh đó, một vấn đề quan trọng khác để kiểm soát rủi ro khi trẻ dùng MXH là ý thức của các bậc phụ huynh. Một thực tế không thể chối bỏ là không ít bậc cha mẹ mặc sức cho con cái sử dụng điện thoại di động thông minh hay máy tính bảng, vốn là những phương tiện phổ biến mà trẻ dùng để tiếp cận MXH. Nếu chính phụ huynh thiếu ý thức trong việc bảo vệ con cái thì các quy định nói trên khó đạt hiệu quả. Việc bảo vệ trẻ trên mạng MXH đòi hỏi cả sự quyết liệt của nhiều bên, bao gồm gia đình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.