Bị lạm dụng tình dục sẽ khiến trẻ em chấn thương tinh thần và thể chất suốt đời. Do vậy hãy lắng nghe, chia sẻ và tạo một môi trường sống an toàn cho trẻ.
Trẻ bị xâm hại tình dục thường ám ảnh sợ hãi lâu dài - Ảnh: Shutterstock |
Chấn thương suốt đời
Một bác sĩ tại Khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết bệnh viện từng tiếp nhận nhiều ca sang chấn về tinh thần của học sinh, như một em học lớp 1 bị thiếu niên 17 tuổi trong xóm lạm dụng tình dục gây tổn thương cơ thể hay một số trẻ em dưới 10 tuổi bị chính cha ruột, hay họ hàng có hành động sàm sỡ, động chạm vào phần nhạy cảm trên cơ thể...
|
Chuyên viên xã hội học Nguyễn Thị Thanh Thúy, Hội trưởng Hội quán Các bà mẹ, chỉ ra rằng chính những đứa trẻ có vẻ bạo dạn, quảng giao lại đáng lo hơn. Đôi khi các bé bị lạm dụng mà không biết, bởi vốn dạn dĩ nên trẻ không đề phòng khi được người lạ ôm hôn và bị lạm dụng lúc nào không hay.
Bà Thúy cho biết dấu hiệu trẻ bị xâm hại tình dục là trẻ em đột nhiên co mình lại, lo lắng, sợ hãi và có thái độ tiêu cực đối với một số người lớn xung quanh. Đặc biệt, khi nhắc đến chuyện tình dục, giới tính trẻ thường lẩn tránh và có sự gây hấn, không muốn nhắc tới.
Ở góc độ y học, vị bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 nói trên phân tích: “Chấn thương vì bị lạm dụng tình dục được coi là chấn thương suốt đời và cần được chăm sóc tốt. Do vậy, các bậc cha mẹ đừng nên chần chừ, phải dạy con biết bảo vệ mình ngay từ khi còn nhỏ”.
Dạy con tự bảo vệ mình
Theo thạc sĩ tâm lý lâm sàng Nguyễn Thị Diệu Anh, Bệnh viện Nhi đồng 1, trong sự phát triển bình thường, trẻ lên 3 chắc chắn phải biết về giới tính của mình là nam hay nữ. “Từ 2 tuổi, hãy cho trẻ biết cái gì của mình, cái gì của người khác thông qua đồ chơi. Đến 3 tuổi, sau khi trẻ đã biết được sở hữu, hãy dạy cho trẻ biết nơi nào trong cơ thể ai có thể chạm vào, ai không được phép. Khi bị người khác chạm vào thì phải biết phản ứng như thế nào?”, bà Anh hướng dẫn.
Cũng theo bà Anh, để trẻ dễ hiểu, dễ tiếp nhận thông tin, phụ huynh có thể dùng búp bê hoặc hình vẽ, những tình huống giả định để thể hiện điều mình muốn nói, hình thành phản xạ cho trẻ.
Do đối tượng lạm dụng tình dục trẻ em thường là những người quen, bà Anh nêu ra những lưu ý để phòng chống hành vi lạm dụng. Đó là quyền riêng tư, tức là không ai được chạm vào hay thấy vùng kín của con. Kể cả bố mẹ hay bác sĩ cũng cần phải nói rõ lý do và được con cho phép. Sở dĩ như vậy vì cơ thể con thuộc về con, không ai có quyền làm bất cứ điều gì với cơ thể khiến con khó chịu. Phụ huynh cũng hãy lưu ý với trẻ rằng những kẻ xấu lạm dụng sẽ luôn nói với bé: “Đây là bí mật của hai chú/bác/ông cháu mình, không được nói với ai”, khiến con sợ hãi, lo lắng không kể cho người khác. Bố mẹ hãy giúp bé phân biệt “bí mật tốt” với “bí mật xấu” - là những bí mật khiến con buồn, lo sợ thì nên nói với bố mẹ.
Còn chuyên viên tâm lý Phan Thanh Tùng nhấn mạnh: “Đừng nên đổ lỗi cho công việc nên không còn thời gian để chăm sóc gia đình, con cái. Không nhiều, chỉ cần mỗi ngày 15 phút trò chuyện sẽ tạo cho trẻ sự tin tưởng chia sẻ và người lớn cũng sẽ có cơ hội can thiệp kịp thời khi trẻ không đủ sức chống đỡ lúc gặp khó khăn”.
Nếu không được giải tỏa, những ký ức hãi hùng đó không bao giờ mất đi. Trẻ cần phải nói ra, cần chia sẻ và đối mặt với sự việc để thoát ra khỏi ảnh hưởng của nó. Vì vậy, thay vì né tránh, phụ huynh nên giúp con giải tỏa với sự giúp đỡ của các chuyên gia tâm lý. Qua trị liệu, trẻ sẽ chấp nhận thực tế rằng tai nạn đã xảy ra, nhưng điều đó không có nghĩa là ngày tận thế, và trẻ có thể vượt qua để sống tiếp. Trẻ sẽ biết rằng nhân phẩm của mình không vì thế mà trở nên nhơ bẩn.
Bình luận (0)