|
Sống nhờ… vỏ bom!
Đến Phonesavanh – tỉnh lỵ của Xiêng Khoảng, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi thấy hàng loạt nhà hàng, khách sạn, quán cà phê mang tên các loại vũ khí hay di họa của chiến tranh như Bombie (bom bi), Craters (những hố bom, đạn)...
Bombie có bảng hiệu cực hot vì dùng luôn vỏ quả bom lớn và đen trũi để khắc tên nhà hàng và quán bar của mình. Mảng tường sau quầy bar là nơi trưng bày bộ sưu tập gồm hàng chục loại súng, vỏ quả đạn, tên lửa loại nhỏ… và ở giữa là hình vẽ cái đầu lâu trắng hếu.
Bức vách ngăn phòng cũng dán hàng chục trang tài liệu và hình ảnh về sự hủy diệt tàn khốc của bom đạn quân đội Mỹ đã rải xuống mảnh đất này. “Trông giống bảo tàng chiến tranh hơn là nơi ăn uống, xả stress”- tôi và người bạn đồng hành cùng chung ý nghĩ.
Nhà hàng Craters cũng trang trí mặt tiền ngôi nhà rất bắt mắt với cả chục vỏ bom cực lớn, trong đó quả to nhất cao trên 2m và rộng hơn một vòng tay ôm người lớn.
Cậu bé khoảng 7-8 tuổi áng chừng là con cháu của chủ nhà vừa đu trái bom này vừa hóng chuyện trông như con mèo leo cột đình. Thấy khách trầm trồ khen ngợi kiểu trang trí độc đáo, chủ nhà hàng nở nụ cười thân thiện rất đặc trưng của người Lào.
Sau khi niềm nở rót nước mời khách, ông thành thật cho biết ở địa phương này, chuyện dùng vỏ bom đạn để trang trí cho nhà hàng, khách sạn hay nhà riêng là rất phổ biến.
Tò mò, chúng tôi quyết định ghé thăm một số ngôi nhà ở Phonesavanh và vài vùng lân cận. Đúng như lời ông chủ của Craters, hầu như nhà nào cũng có một số đồ dùng và vật trang trí làm từ vỏ bom, đạn.
Nơi này người ta ken dày những vỏ bom lớn dựng đứng tạo thành tường rào kiên cố lạ mắt, nơi khác sử dụng vỏ bom làm cột nhà, trụ đỡ nhà sàn… Nhiều người xẻ đôi vỏ quả bom làm bồn trồng hoa; dùng các loại vỏ bom bi, bom ổi, bom dứa, bom lựu... làm chân nến, gạt tàn thuốc; treo tòng teng những quả bom bi trên nhành cây như trang trí cho cây thông Noel.
Tỉnh Xiêng Khoảng này có cả một làng nghề (làng Naphia) chuyên tái chế mảnh bom hoặc mảnh nhôm máy bay thành những cái muỗng và vòng đeo tay xinh xắn.
Chị Ma Ni Vanh - người đã gắn bó với nghề hơn 10 năm cho biết: Việc tái chế hoàn toàn bằng thủ công nên khách nước ngoài rất ưa chuộng. Nhiều du khách từ châu u, châu Mỹ tìm đến tận làng tham quan; thấy bà con mình còn nghèo và làm việc vất vả nên mua nhiều sản phẩm để ủng hộ.
|
Người Lào vốn rất lạc quan (có câu châm ngôn dịch ra là Người Lào thích vui); mặt khác người già ở xứ sở này từng sống với mưa bom bão đạn, còn lớp trẻ nhìn thấy vỏ bom đạn nhan nhản khắp nơi từ khi mới chào đời nên có lẽ đã quá quen mắt và cảm thấy bình thường. Còn với những người chưa từng sống một ngày qua chiến tranh, chưa từng nhìn thấy nhiều bom đạn thế này như chúng tôi, khi chạm tay vào những vật trang trí bằng vỏ đạn lạnh lẽo, đen trũi không khỏi có cảm giác sờ sợ, lành lạnh nơi sống lưng.
Điểm du lịch nguy hiểm bậc nhất thế giới
Là một trong những chiến trường khốc liệt nhất trong kháng chiến chống Mỹ, từ năm 1964- 1973, di tích Cánh đồng Chum nổi tiếng thế giới với gần 2.000 cái chum đá khổng lồ, kỳ bí phân bố rải rác tại 52 địa điểm cũng phải hứng chịu hàng triệu tấn bom đạn các loại.
Những năm gần đây, được sự hỗ trợ của UNESCO và nguồn quỹ tài trợ của một số nước, Lào đã tiến hành rà phá bom mìn ở 3 địa điểm để du khách có thể tham quan những cái chum độc nhất vô nhị.
Cánh đồng chum rộng 25ha ở bản Hảy Hỉn là địa điểm tham quan lý tưởng nhất bởi có tới 334 cái chum. Thoạt trông nơi đây thật nên thơ, thanh bình, thế nhưng trước khi bán vé tham quan, anh Tha Phou vẫn một mực yêu cầu chúng tôi phải đọc nội dung bảng cảnh báo viết bằng tiếng Anh và tiếng Lào ở ngay lối ra vào.
Theo đó, vào năm 2004, New Zilan đã tài trợ phá hủy 127 bom mìn và thu gom 31.814 mảnh bom đạn nhưng hiện vẫn còn nhiều vị trí chưa được rà soát và gỡ bỏ hết bom mìn.
|
Bởi thế du khách phải lưu ý: Nơi nào cắm cột mốc bê tông sơn màu đỏ nghĩa là mới rà phá bom mìn ở lớp đất mặt nên không an toàn, còn cột bê tông sơn màu trắng đánh dấu khu vực đã rà phá xong.
Theo chỉ dẫn trên, chúng tôi cẩn trọng đi giữa hai cột mốc màu trắng để tránh bị sát thương. Băng qua triền cỏ lau trắng muốt trên cao nguyên lộng gió, ai nấy sững sờ trước hàng trăm cái chum đá khổng lồ rêu phong cổ kính sừng sững giữa đồng cỏ xanh mượt trong mọi tư thế khác nhau, thách thức nắng mưa.
Đa số được chế tác từ đá cứng tự nhiên liền khối, chủ yếu là đá granit; một số chum được tạo hình từ sa thạch, đá tổ ong...; hình dạng và kích cỡ chum rất khác nhau, chẳng cái nào giống cái nào: chum hình vuông, hình tròn hoặc hình trụ; chum miệng lồi hoặc miệng tròn; khối lượng và kích thước lớn chưa từng có: Chiều cao và đường kính từ 1 – 3m, đa phần nặng trên một tấn, đặc biệt chum lớn nhất nặng tới 6 tấn.
Nhiều lúc du khách phải công kênh nhau, tay bám vào thành chum sần sùi, lạnh lẽo mới có thể quan sát phía trong lòng chum.
Tiếp tục lần theo những cột mốc chỉ dẫn tránh bom, chúng tôi tìm đến hang đá tên gọi là Thăm Hảy.
Cố tiến sĩ khảo cổ học người Pháp Madeleine Colani cho rằng đó là lò thiêu xác vào thời Đồng Thau: Người ta đã đốt xác người chết trong hang rồi bỏ tro cốt vào chum đá. Lòng hang có hình cái chum úp ngược khổng lồ cao gần 20m; hai lỗ thông hơi hình tròn trên vòm hang có lẽ là hai ống khói của lò hỏa thiêu mà bà đã đề cập.
Trong hang có am thờ mà theo lời đồn là rất linh thiêng; lòng hang vẫn còn ám khói đen ngòm. Anh Tha Phou cho biết trong chiến tranh chống Mỹ, bộ đội Lào và Việt Nam đã đục đá khoét cho lòng hang to thêm để đưa cả xe Jeep vào tránh bom.
Khoảng 30 - 40 năm nữa mới gỡ hết bom
|
Lãnh trọn 270 triệu quả bom (chủ yếu là bom chùm) của quân đội Mỹ, Lào trở thành quốc gia bị ném bom nhiều nhất trong lịch sử. Ngay cả những máy bay mang bom định ném vào Bắc Việt nam, khi gặp thời tiết xấu không thể bay đến đích liền thả hết xuống Xiêng Khoảng để quay về vì sợ hết xăng.
Khoảng 30% số bom đó vẫn chưa phát nổ và hiện còn lẩn khuất ở nhiều vùng, đặc biệt là Xiêng Khoảng, gây chết chóc, thương tật cho hơn 50 người mỗi năm.
Một em bé Lào 10 tuổi chết tức tưởi và chị của em bị thương nặng vì giẫm phải quả bom trên đường đi học về vào giữa tháng 11-2010- thời điểm mà hàng trăm đại biểu khắp thế giới đang tham dự Hội nghị lần thứ nhất các bên ký kết Hiệp ước cấm bom chùm tổ chức ngay tại Lào đã khiến dư luận thế giới quan tâm hơn về vấn đề này. Nhiều nước như Anh, Đức, Australia, Ba Lan... đã hỗ trợ Lào rà phá bom mìn.
Các cơ quan tháo gỡ mìn quốc tế như UXO và MAG ước tính khoảng 30 – 40 năm tới mới cơ bản xóa xong bom mìn chưa nổ ở Lào.
Đến lúc đó các nhà khảo cổ mới có điều kiện tiếp cận nghiên cứu toàn diện Cánh đồng Chum để giải mã những bí ẩn của một nền văn hoá, một thế giới tâm linh mà cho đến bây giờ vẫn còn nhiều tranh cãi: Ai đã đẽo gần 2.000 chiếc chum cổ? Làm khi nào? Và để làm gì?...
Theo Kim Anh / Tiền Phong
>> Cần 10 tỉ USD để dọn sạch bom mìn
Bình luận (0)