Kể từ khi European Cup được tái cơ cấu trở thành UEFA Champions League vào mùa 1992-1993, chưa từng có một đội bóng nào bảo vệ thành công danh hiệu vô địch, dù đó là 'Dream Team' của Johan Cruyff, hay AC Milan với Don Fabio, hay Liverpool cùng 'chuyên gia đấu cúp' Rafa Benitez. Tất cả chia sẻ chung một số phận: Thất bại.
Messi và Neymar đã không thể cùng Barcelona bước qua "lời nguyền" Champions League - Ảnh: AFP
|
Việc bảo vệ vương miện vô địch luôn tạo ra một bầu không khí siêu việt trong phòng thay đồ của đội bóng, và một cách tự nhiên, nó giới hạn khát vọng và sự tập trung của các cầu thủ. Dù các HLV và cầu thủ luôn biết rõ rằng họ đang sống và làm việc ở một trong những nghề đòi hỏi tính chuyên nghiệp nhất thế giới, sự thật là, nếu chiến thắng là một thói quen, vậy những đội bóng chuyên chiến thắng sẽ có xu hướng ngủ quên trên đống chiến lợi phẩm.
Trước khi UEFA Champions League ra đời, người ta chứng nhiều nhà vô địch European Cup đã thành công, nhiều lần chứ không riêng một. Chuỗi chiến thắng nổi tiếng nhất thuộc về “những kẻ chinh phục” Real Madrid trong thập niên 1950. Tuy nhiên, Champions League là sân chơi được thiết kế theo cấu trúc thách thức hơn, dù vẫn bị chỉ trích là tạo điều kiện cho các đội bóng nhà giàu, có truyền thống dễ chiến thắng.
Thành công ở giải đấu đỉnh cao châu Âu và áp lực chiến thắng ở giải trong nước trở thành 2 nhiệm vụ song hành, không bao giờ có chung lợi ích. Chỉ khi nào được giải thoát khỏi một mục tiêu, các đội bóng mới có cơ hội giành vinh quang ở mặt trận còn lại.
Real Madrid (áo trắng) luôn phải thi đấu rất nhiều trận - Ảnh: AFP
|
Hãy thử hình dung, Real hay Barca phải đối mặt với một mùa thi đấu, gồm: 38 trận La Liga, 2 trận Siêu Cúp Tây Ban Nha, 1 trận Siêu Cúp châu Âu, 2 trận FIFA Club World Cup, 9 trận Cúp Nhà vua, 12 trận Champions League. Tổng cộng: 64 trận. Tức là trung bình mỗi cầu thủ sẽ chơi với tần suất 4,5 ngày/trận, chưa kể còn phải tham dự các trận giao hữu quốc tế, vòng loại World Cup và Euro, hay các trận đấu giao hữu đầu mùa giải…
Nếu không dính chấn thương, các cầu thủ Anh, Tây Ban Nha, Đức cũng sẽ không thể bảo đảm thể lực luôn sung mãn từ tháng 8 năm nay tới tháng 5 năm sau.
Chelsea vào 2012 hay Real vào 2014 là ví dụ điển hình. Họ chẳng có cơ hội vô địch Anh hay Tây Ban Nha, bởi vậy, coi Champions League là mặt trận chính để tác chiến. Điều này xuất phát từ thực tế, không có đội bóng nào đủ chiều sâu lực lượng cần thiết để cùng lúc thành công. Và không nhiều người may mắn như Enrique hay Guardiola, Jose Mourinho hay Heynckes để giành cú ăn ba: vô địch quốc gia, cúp Quốc gia, Champions League.
Chelsea giành chiến thắng vào năm 2012 khi không còn hy vọng gì tại Premier League - Ảnh: AFP
|
Juventus là một ví dụ khác. Từng thắng 4 danh hiệu Serie A gần đây, nhưng trận chung kết Champions League mùa trước mới là lần đầu tiên họ tiến tới, sau hơn 1 thập kỷ. Chưa hết, danh hiệu nhà đương kim vô địch dường như gia tăng gánh nặng lên một số đội bóng, dễ thấy nhất là trường hợp của Bayern Munich bị loại trước vòng bán kết vào 2014, hay Barca mùa này.
Việc phải chơi một trận chung kết Champions League trên sân nhà cũng có thể là trở ngại, hơn là thuận lợi về mặt tâm lý. Duy nhất Bayern 2012 từng tiến vào chơi trận chung kết tại Allianz Arena, và hóa ra cơ hội chơi trên sân nhà lại trở thành gánh nặng quá lớn cho những người Bavaria.
Nhưng trên tất cả, yếu tố quan trọng nhất ngăn cản các nhà ĐKVĐ bảo vệ vương miện chính là khát vọng của những đối thủ muốn trở thành “tân vương”. Inter Milan và Chelsea cho chúng ta những ví dụ sống động về nhận định đó: chỉ với 10 người trên sân, họ kiên cường, bền bỉ, ngoan cố và anh dũng chống lại Barcelona năm 2010 và 2012.
Inter Milan đăng quang năm 2010 với một lối chơi quả cảm - Ảnh: Reuters
|
Năm nay, ngoài yếu tố may mắn khi trọng tài Rizzoli không thổi penalty ở pha Gabi để bóng chạm tay trong vòng cấm, Atletico xứng đáng thắng Barca, bởi trình diễn lối chơi phá phong cách đối thủ hiệu quả tuyệt đối. Giống như vòng tròn của trò chơi oẳn tù tì – với lá, kéo và búa – Simeone triển khai một lối chơi khiến chính các cầu thủ Barca phải run sợ khi cầm bóng bên phần sân nhà. Và sau Ronaldo, Drogba và Lewandowski, có lẽ Pique sẽ phải thừa nhận Griezmann là chân sút thứ 4 trên thế giới khó đối phó nhất.
Thực tế, nếu có đội bóng nào xứng đáng “bước qua lời nguyền”, đầu tiên và chắc chắn phải là Barca của Pep trong giai đoạn 2008 đến 2012. Họ vô địch vào 2009 và 2011, nhưng không thể vượt qua những trở ngại cuối cùng để làm nên lịch sử. Hay trường hợp của M.U, vô địch 2008 và vào tới chung kết 2009 trước khi thua Barca, cũng rất đáng tiếc. Và đối nghịch với M.U, Bayern liên tiếp có mặt ở 2 trận chung kết, thất bại lần đầu trước khi tận hưởng vinh quang ngọt ngào ở lần sau.
Có một sự thật khó lý giải nhưng dễ nhận thấy: các đội bóng vô địch Champions League mùa này sẽ luôn có xu hướng chơi tồi hơn ở mùa sau, dù đó là Barca, Real, Bayern hay M.U…
Chelsea đến nay là nhà vô địch Champions League có chiến dịch bảo vệ vương miện của mình tệ hại nhất trong lịch sử giải đấu khi bị loại ngay từ vòng bảng mùa 2012-2013. Trong khi đó, Porto, Liverpool và AC Milan cũng chẳng thể tự hào về những màn trình diễn của mình, sau khi trở thành vương châu Âu.
Cuối cùng, bởi những số liệu thống kê cũng không thể trình bày rõ ràng sự thật về “lời nguyền Champions League”, người ta chỉ còn biết đổ cho số phận. Có lẽ, đúng là số phận đã định đoạt không có đội bóng nào vô địch giải đấu đỉnh cao cấp CLB châu Âu 2 mùa liên tiếp.
Bình luận (0)