(TNO) Gần như chắc chắn, không ai thấy lạ với kết quả Barcelona đánh bại AC Milan để vào bán kết Champions League. Suy cho cùng, đội hay hơn đã thắng. Vấn đề là Barcelona thắng như thế nào?
>> Messi ghi bàn số 1 trong năm 2012
>> Không dám đá, làm sao ghi bàn?
>> HLV Guardiola chê mặt sân San Siro
|
Có không ít chi tiết lạ. Hai trong 3 bàn của đội chủ sân Nou Camp chỉ đến từ chấm phạt đền. Và có lẽ bàn gỡ 1-1 của Nocerino cho Milan mới là bàn thắng “giống Barcelona” nhất. Ở thời điểm Nocerino san bằng cách biệt, chiếc vé dự vòng bán kết đã tạm chuyển từ Barcelona sang Milan.
Đấy không phải là một Barcelona hoàn hảo. Thậm chí đấy là một Barcelona… dở hơn thường lệ (nhưng dĩ nhiên, họ vẫn hay hơn Milan). Điều quan trọng nhất trong cặp đấu này chỉ là: một Milan già nua hoàn toàn không thể làm gì, trong cả hai lượt, để tự cứu họ thoát khỏi thất bại trước Barcelona.
Có vẻ như Milan tấn công không đến nỗi tồi. Số lần đội khách khai thác hai nách của hàng phòng ngự Barcelona để tấn công kể cũng không ít. (“Nách của hàng thủ”? Đấy là khoảng trống giữa trung vệ và hậu vệ biên, nơi thường được xem là địa điểm lý tưởng để tấn công).
Thật ra, đấy là vì Barcelona bỏ luôn hai nách hàng thủ. Họ đâu có dùng hậu vệ biên khi tiếp Milan!
Với Alves bên phải và Cuenca bên trái luôn chơi thật cao trong khi các hậu vệ Mascherano, Pique, Puyol chơi khá gần nhau ở phía dưới, đội hình Barcelona ở trận thắng Milan vừa qua là 3-3-4.
Bộ ba tiền vệ Busquets, Xavi, Iniesta quán xuyến phu vực giữa sân. Alves và Cuenca ở hai biên thì đứng ngang với Fabregas - tiền vệ công đảm trách một vai trò tự do trong trận này. Messi là “số 9 giả”, tức đảm nhận một vai trò tiền đạo không rõ rệt. Anh chỉ đứng cao hơn một chút so với Fabregas.
Tóm lại, có thể xem cả 4 cầu thủ Alves (chạy cánh bên phải), Fabregas (tiền vệ công dâng cao), Messi (tiền đạo lùi, hoạt động rộng) và Cuenca (chạy cánh bên trái) là tiền đạo trong đội hình Barcelona.
Ở La Liga, Barcelona cũng thỉnh thoảng chơi như vậy. Nhưng đấy chỉ là khi họ gặp các đối thủ yếu tại sân nhà Nou Camp. Sơ đồ này cho phép hàng công Barcelona tấn công bằng số đông (một yêu cầu bắt buộc trong lối chơi tiqui-taca) và có thể tấn công từ mọi vị trí, trước một đối phương được dự đoán là sẽ cố thủ. Nhược điểm là sức phòng ngự ở hai biên không cao do không có hậu vệ biên.
Barcelona chơi như thế vì họ cho rằng Milan sẽ chỉ lo phòng ngự? Vì Milan thuộc loại đội bóng thường không hay tấn công biên, đội hình cũng hầu như không có tiền vệ biên? Hay chẳng qua là vì Barcelona… xem thường Milan?
Tùy bạn. Nhưng đấy có lẽ là lần hiếm hoi Barcelona chơi theo sơ đồ 3-3-4 trong một trận đấu đỉnh cao. Đừng chờ đợi sơ đồ này xuất hiện lại ở vòng bán kết!
Nguyễn Minh
Bình luận (0)