Khi Quốc hội bàn về “an dân” thì xin đừng quên tình trạng quá bất an đang xảy ra hiện nay, từ nông thôn tới thành phố.
Điều cần nói trước hết đó là nạn trộm cướp, nó hoành hành đến nỗi cả đất nước phải sống với môi trường “rào và khóa”. Nhà thường phải hai lớp cửa, rẫy vườn phải rào, thậm chí còn căng dây điện chống trộm, xe dừng chạy phải thêm vòng xích... dân có đất không dám nuôi trồng nhiều vì lo ngại bị trộm. Trộm cá, trộm nghêu, trộm gà trộm vịt, trộm cà phê hạt trên cây, trộm mủ cao su, cho đến trộm cả người để bán qua biên giới... phổ biến đến nỗi nhiều người đã nguyền “không làm gì còn hơn”. Từ chuyện trộm chó, đánh chết người trộm chó làm xáo trộn cả vùng quê, tới những vụ cướp giật thường xuyên xảy ra trên các địa bàn thành phố giữa ban ngày gây bất an cho nhân dân. Nạn trộm cướp không chỉ nhắm tới tài sản riêng mà còn trực tiếp đe dọa tới tính mạng của người dân. Tâm lý bất an trong xã hội, đó là điều cần được xem xét một cách nghiêm túc.
Nếu tham nhũng được ví như “lưới quét”, thâu tóm tài nguyên quốc gia và tài sản nhân dân, thì nạn trộm cướp được ví như những “cái vợt lưới chích điện” mà những kẻ trộm cướp dùng để “vợt” tài sản người dân. Dùng “lưới” hay dùng “vợt” đều gây nguy hại cho nhân dân.
Một chính quyền nếu muốn ổn định thì không thể để nạn trộm cướp tràn lan. Khi Quốc hội bàn chuyện phòng chống tội phạm thì cần bàn luôn chuyện bảo vệ người dân khỏi thảm cảnh trộm cướp.
Tôi có người em làm giáo viên, bao năm tích cóp xây được một ngôi nhà khá vững chắc. Vậy mà vừa qua, trong khi cả nhà đang ngủ, trộm đột nhập. Sáng ra, khi phát hiện đêm qua có kẻ trộm vào nhà, cả nhà đã kinh hoàng. Không phải kinh hoàng vì tiếc những thứ đã mất, dù mất tài sản thì ai cũng tiếc. Nhưng vợ chồng em tôi kinh hoàng vì những thứ còn quý hơn tiền bạc cả triệu lần có thể mất nếu vô tình để xảy ra tình huống khi trộm đang ở trong nhà. Đó là những đứa trẻ nhỏ đang ngủ. Nếu bỗng chốc chúng thức dậy đúng khi kẻ trộm đang ở bên cạnh, thì điều gì sẽ xảy ra?
Đã có bao nhiêu tình huống nguy hiểm ngay trên đường phố khi bọn cướp giật ra tay. Nếu nhẹ thì nạn nhân bị té ngã; nặng hơn, nếu nạn nhân phản ứng hoặc giằng co chống lại, bọn cướp có hung khí sẽ ra tay tàn độc. Lúc ấy, ngay tính mạng của nạn nhân cũng có thể bị cướp đi cùng với tài sản.
Nạn trộm cướp hoành hành làm giảm đáng kể ý chí và năng lực sản xuất, đặc biệt trên lĩnh vực nông nghiệp.
Khi nghe chính quyền kêu gọi người dân phải cảnh giác hay phải đoàn kết để chống nạn trộm cướp, đã có những “hiệp sĩ” là những người dân tình nguyện tham gia. Nhưng dù sao họ chỉ là những người tình nguyện, kỹ năng và nghiệp vụ chống trộm cướp còn giới hạn nên dễ hứng chịu nhiều rủi ro. Trách nhiệm chính về việc phòng chống trộm cướp vẫn là của chính quyền, của các lực lượng chức năng. Người dân cần được thấy một môi trường sống an toàn hơn.
Thanh Thảo
Bình luận (0)