Bất an với karaoke, 'loa kẹo kéo': Người trẻ cho rằng nên xử phạt nghiêm

10/07/2020 17:29 GMT+7

Từ kiến nghị của đại biểu HĐND TP.HCM về các biện pháp chấn chỉnh các hoạt động karaoke , ca nhạc đường phố, nhiều người trẻ cho rằng chính quyền nên xây dựng một quy định cụ thể để xử lý và xử phạt thật nghiêm.

Như Báo Thanh Niên đã thông tin, tại kỳ họp thứ 12 của HĐND TP.HCM khóa IX ngày 9.7, bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP.HCM, đã báo cáo 3 kiến nghị của cử tri về các vấn đề dân sinh, pháp luật và góp ý, phản biện trong đó có hoạt động liên quan đến karaoke.
Bà Châu cho biết tại kỳ họp thứ 6 và kỳ họp thứ 9, Ủy ban MTTQVN TP.HCM đã có kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo các ngành chức năng, UBND các cấp cần có biện pháp chấn chỉnh các hoạt động karaoke, ca nhạc đường phố tại các buổi liên hoan, tiệc tùng ở các khu dân cư với dàn âm thanh công suất lớn, ảnh hưởng sinh hoạt và sức khỏe của người dân.
Tuy nhiên, UBND các phường, xã, thị trấn và các cơ quan chức năng thiếu kiên quyết trong việc xử lý những trường hợp hát karaoke với tiếng ồn quá lớn, nên nhiều hộ dân vẫn liên tục bị “tra tấn” vì loa karaoke kéo, xảy ra bất hòa. Thậm chí còn xảy ra án mạng như vụ án mạng do nhắc nhở việc mở loa kẹo kéo hát karaoke với âm lượng lớn tại H.Bình Chánh hồi tháng 4.2020. 

Khi trụ sở phường trở thành nơi chứa... loa kẹo kéo - Video thực hiện tháng 5.2018

Phải chịu trận vì karaoke

Phạm Khánh Hiệp (33 tuổi, ngụ P.27, đường Bình Quới, Q.Bình Thạnh, TP.HCM), chia sẻ: " Khi nhắc đến vấn nạn karaoke, loa kẹo kéo, mình cũng là một trong nhiều nạn nhân bị ảnh hưởng".
Anh Hiệp kể khu vực phòng trọ của anh khá đông đúc, một người hàng xóm có sở thích hát karaoke suốt ngày. Không kể thời gian, cuối tuần hay ngày nghỉ, cứ thích thì người hàng xóm của anh Hiệp hát. Điều đó gây phiền hà đến những người xung quanh và khiến anh Hiệp không thể nào nghỉ ngơi mỗi khi về nhà.
Mặc dù có nhắc nhở, báo cáo với chủ nhà trọ nhưng được vài ngày lại đâu vào đó. Thậm chí người này còn hát nhiều hơn. Anh Hiệp cho biết có khi  bị "tra tấn" từ 3 đến 4 lần một ngày.

Vấn nạn karaoke, loa kẹo kéo gây ức chế cho nhiều người dân

Ngọc Thắng

“Dù rất phiền nhưng tôi nghĩ đó cũng là quyền của họ không thể buộc họ theo ý mình. Chỉ biết  chịu đựng rồi cho qua. Tôi cũng mong pháp luật sẽ có một hình thức hoặc quy định nào đó chặt chẽ hơn về trường hợp này”, anh Khánh nói.
Đồng tình về việc phải có biện pháp chế tài người gây ồn ào bằng hát karaoke, anh Đặng Giang Anh (32 tuổi, ngụ đường Trần Não, Q.2, TP.HCM), cho biết chính quyền phải có quy định cụ thể với từng trường hợp.
Anh Giang Anh lấy ví dụ  có người liên tục hát karoke trong khu dân cư, chung cư, nhất là buổi tối hoặc những ngày cuối tuần gây phiền người sống xung quanh. Loa kẹo kéo với âm thanh lớn  ở các quán nhậu ven đường cũng gây lộn xộn, bức xúc cho nhiều người. Tại TP.HCM,  khá nhiều quán nhậu, không chỉ người bán kẹo kéo hát mà khách cũng hát, góp phần làm ồn ào thêm.  Chủ quán, nhân viên phục vụ không dám nói vì sợ phiền lòng khách. Điều đó khiến người sống dân xung quanh bị ảnh hưởng.
“Dù có phản ứng và góp ý cũng không ai nghe và thấy nhiều trường hợp xô xát nên thực tế tôi và nhiều người khác đành nhịn vì không muốn phiền phức. Vì vậy  tôi kiến nghị cần đặt ra khung thời gian trong việc hát karaoke ở khu dân cư hoặc nơi công cộng. Có thể ban đầu sẽ nhắc nhở, sau đó phải có chế tài như xử phạt hành chính với mức cụ thể hơn” anh Giang Anh cho biết.

Nên có quy chuẩn tiếng ồn để xử phạt

Là một người trong cuộc, thường hay hát karaoke tại nhà, anh Nguyễn Như Sinh (27 tuổi, ngụ chung cư An Bình, Thị xã Dĩ An, Bình Dương),  cho rằng việc chấn chỉnh và cấm hát karaoke hoặc hát loa kẹo kéo cần phải có cách xử lý. Thực sự cấm loa kẹo kéo hoặc các hoạt động karaoke sẽ làm mất đi niềm vui của nhiều người.
Anh Sinh nói: “Tôi làm công nhân và rất thích hát. Do thu nhập không cao nên không có đủ điều kiện để cùng bạn bè vào những quán karaoke hát vì tốn chi phí rất nhiều. Do vậy, tôi dành tiền mấy trăm nghìn mua một chiếc loa để thỏa đam mê ca hát. Thường vào tối cuối tuần tôi mở hát trong một khoảng thời gian ngắn và mở nhạc vừa phải. Khi hát thì cũng đóng chặt cửa vàcó rất nhiều người trong xóm trọ cũng đến góp vui”. 
Do đó, theo anh Sinh, thay vì cấm, cơ quan chức năng cần có giải pháp hợp lý hơn như đưa ra quy chuẩn tiếng ồn như thế nào để làm căn cứ xử phạt. Đối với những trường hợp lạm dụng, sử dụng thái quá dụng loa gây ảnh hưởng đến người khác thì nên xử phạt  hành chính thật nặng.
Lương Xú Kiên (25 tuổi, ngụ đường Ung Văn Khiêm, Q.Bình Thạnh), cho rằng chúng ta nên phân định rõ những nơi nào được phép và hạn chế tiếng ồn. Nếu ở khu vui chơi có quy định về việc tổ chức hát thì có thể cho sử dụng  âm thanh lớn . Việc hạn chế nên ở khu dân cư và có quy định cụ thể. Có thể sẽ để biển cấm hoặc hạn chế giờ hát karaoke ở các khu phố .Trên biển báo, có thể sẽ ghi mức xử phạt hành chính giúp mọi người  ý thức hơn trong việc hát karaoke để không gây ồn ào.
 

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.