Như Thanh Niên đã có loạt bài phản ánh, thời gian gần đây, những fanpage, hội nhóm được lập ra trên mạng xã hội để bàn chuyện showbiz, nói về đời tư nghệ sĩ… lại thu hút một lượng lớn thành viên. Dễ nhận ra, mỗi khi xuất hiện thông tin nghệ sĩ dính “phốt”, hầu hết các fanpage, hội nhóm này đều đăng tải nội dung na ná nhau, rồi nhanh chóng lan truyền như một “xu hướng”.
Đa số bạn đọc (BĐ) Báo Thanh Niên bày tỏ nỗi bất an trước trào lưu “hóng hớt” này của một bộ phận cư dân mạng.
Trào lưu đáng lên án
Ban đầu, các fanpage ra đời từ những nhóm hâm mộ, ủng hộ nghệ sĩ mình yêu quý. Dần dà, các nhóm trên mạng xã hội này bắt đầu “gây chiến” với những nhóm khác “không cùng tiếng nói”. Cho đến lúc trào lưu này biến tướng thành những hội nhóm “hóng hớt”, coi chuyện săm soi, đồn đoán những thông tin mơ hồ, thiếu kiểm chứng về đời tư các nghệ sĩ… là thứ để thu hút thành viên, là lý do để “kích hoạt chức năng kiếm tiền từ mạng xã hội”.
Bất an với một bộ phận dân mạng có thói quen “hóng hớt” đời tư nghệ sĩ |
T.L |
BĐ Phan Phương Phương chia sẻ: “Bạn bè tôi nhiều người chỉ mải mê hóng phốt của nghệ sĩ. Khi ăn uống cũng không chịu rời điện thoại, phải dán mắt xem các bình luận, coi đó là nghệ sĩ nào, rồi phải bình luận xôm tụ với những thành viên khác. Ai không biết, sẽ bị chê là... người tối cổ”.
Cùng cảnh ngộ, BĐ Minh Nghĩa ngạc nhiên: “Không hiểu sao nhiều người xung quanh tôi lại xem việc úp mở những câu chuyện về đời tư các nghệ sĩ hóng hớt được từ các trang mạng là yếu tố sành điệu. Khi tôi bày tỏ ý định lên án thói quen ấy, nhiều người nhìn tôi với ánh mắt rất lạ. Thật là một trào lưu đáng lên án”. “Chẳng hay ho gì việc xem, nghe những thông tin tiêu cực của người khác. Chưa kể những thông tin tiêu cực ấy không rõ thực hư, có thể bị nhào nặn, đơm đặt”, BĐ Dương Huyền Ly nêu ý kiến.
Vì sao nhiều người lại dễ bị thu hút vào những thông tin đời tư “chấp chới đúng sai” như vậy? Trả lời câu hỏi này, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Đào Lưu, giảng viên Khoa Xã hội và nhân văn - Trường ĐH Văn Lang (TP.HCM), phát biểu trên Thanh Niên: “Không chỉ riêng chuyện của người nổi tiếng, chuyện cá nhân riêng tư của bất kỳ ai lúc nào cũng gây cho người ta cảm giác tò mò, thích thú, muốn được biết cho tỏ tường. Tuy nhiên với nghệ sĩ, người của công chúng, thường được nhiều người quan niệm đó là hình mẫu lý tưởng, nên chuyện riêng tư của người nổi tiếng cũng nhận được nhiều quan tâm hơn”.
Nghệ sĩ phải giữ mình
Chính vì được nhiều người “xem là hình mẫu lý tưởng” nên các nghệ sĩ dù muốn hay không vẫn phải chấp nhận “sự săm soi đáng kể” mọi phát ngôn, cử chỉ, hành xử. BĐ Tuyết Mai chia sẻ quan điểm: “Không chỉ ở Việt Nam, mà bất kỳ nơi nào trên thế giới, các nghệ sĩ luôn được quan tâm đặc biệt. Điều đó sẽ chẳng bao giờ thay đổi. Nên nếu các nghệ sĩ không chịu giữ mình, thì nguyên liệu cho món ăn hóng hớt vẫn sẽ tiếp tục bày đầy trên mạng”. Tán thành với suy nghĩ này, BĐ Trương Minh nhận xét thêm: “Liệu có hay không những nghệ sĩ chủ động dùng các hội nhóm để phục vụ cho việc đánh bóng tên tuổi, thậm chí không ngại sử dụng chiêu trò?”.
Bên cạnh việc lên án trào lưu “hóng hớt đời tư nghệ sĩ”, nhiều BĐ tin rằng nghệ sĩ và người hâm mộ cũng cần dành cho nhau nhiều sự tôn trọng hơn. “Khi cả hai phía thực sự tôn trọng nhau, sẽ chẳng còn hội nhóm hóng hớt nào có thể lôi kéo bạn được”, BĐ Tuan An nêu ý kiến.
Có một bộ phận cư dân mạng lại cho mình cái quyền xâm phạm đời tư, quyền tỏ ra thanh cao rồi lăng nhục người khác. Họ chẳng cần biết chuyện đúng sai, lời tốt đẹp thì ít mà tiếng lăng mạ lại nhiều. Không biết trước khi soi mói lối sống của người khác, phán xét nhân cách của người khác, những người ấy có nhìn lại nội tâm của mình không?
npink989
Như thế nào là quyền của mọi người, tôi không ý kiến, nhưng với cá nhân tôi, tôi chỉ xem họ diễn nếu tôi thích, họ làm việc xã hội thì tôi trân trọng, còn đời tư của họ, chẳng có gì để tôi phải quan tâm.
ngon nguyenvan
Là nghệ sĩ, là người nổi tiếng, chuyện đời tư luôn được quan tâm, không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới, Vì vậy các nghệ sĩ càng phải có ý thức giữ gìn hình ảnh của mình.
Hoa Truong
Bình luận (0)