Bắt bệnh “hố tử thần”

21/12/2010 00:35 GMT+7

Hôm qua Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật (KHKT) TP.HCM đã có cuộc họp đoàn chuyên gia gồm các nhà khoa học hàng đầu tại TP.HCM, để thông qua đề cương chi tiết về việc điều tra, khảo sát các điểm lún sụt mặt đường tại đô thị lớn nhất nước này.

Các nhà khoa học thuộc Hội KHKT Cầu đường VN từ Hà Nội cũng bay vào TP.HCM để tìm hiểu và sẽ hỗ trợ TP.HCM khắc phục.

Với tư cách trưởng đoàn, ông Hà Ngọc Trường, Phó chủ tịch Hội Cầu - đường - cảng (thuộc Liên hiệp các Hội KHKT TP.HCM), cho biết đoàn chuyên gia hiện có 12 người và “sẽ bổ sung thêm để có thể chẩn đoán đúng bệnh và chữa đúng thuốc”.

PGS-TS Đặng Hữu Diệp, Giám đốc Liên hiệp Địa chất công trình xây dựng và môi trường (UGCE), đồng thời là Ủy viên Chủ tịch đoàn Tổng hội Địa chất VN, người đã từng có cảnh báo về “những tai biến địa chất TP.HCM” cách đây 30 năm, cho rằng có 2 yếu tố gây ra tình trạng lún sụt tại TP.HCM là lún tự nhiên và lún nhân tạo.

Lún tự nhiên xảy ra ở những nơi đất yếu, đất dễ hóa lỏng do đất ngấm nước (từ nước mưa, triều cường, nước ngầm). Chính vì vậy mà hiện tượng lún sụt thường xảy ra vào mùa mưa. Năm nay, tháng 12 vẫn còn có mưa, nên đã xuất hiện một số vụ lún sụt. Ông Diệp cảnh báo tình trạng lún sụt sẽ tiếp diễn vào mùa mưa tới.

Lún do nhân tạo xảy ra trên những tuyến đường được đào lên, lấp lại nhưng không đúng kỹ thuật. Cũng có thể do xe tải nặng thường xuyên chạy trên đường làm gãy đường ống cấp nước và nước bị rò rỉ, xì ra ngoài, ngấm vào đất gây ra lún, sụt.

Đến thời điểm này, tình hình “lún sụt mặt đường” tại TP.HCM được ghi nhận là rất nghiêm trọng. Tính từ tháng 7.2010 đến nay đã xảy ra 59 vụ lún sụt. UBND TP.HCM đã có văn bản báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ, đồng thời mong muốn thành lập một đoàn chuyên gia tiến hành ngay việc khảo sát, điều tra, đánh giá nguyên nhân và từ đó đề xuất các giải pháp khắc phục.

Trên thực tế, máy móc thiết bị cũng khó có thể phát hiện được các “bẫy ngầm”, vì lúc đầu nó chỉ là những lỗ hổng nhỏ, khi đến mùa mưa mới lớn dần lên và khi không chịu nổi tải trọng bên trên sẽ sụt xuống đột ngột. Vậy làm sao dự báo và ai sẽ đứng ra dự báo “hố tử thần”?

Nhiều ý kiến đều đang kỳ vọng vào các nhà khoa học, với đòi hỏi phải có nghiên cứu ngay, phải đặt việc này trong tình trạng khẩn cấp, vì không ai có thể biết trước nó sẽ xảy ra lúc nào, ở đâu.

Mai Vọng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.