Mọi biện pháp của Mỹ cho tới nay, cả thuyết phục lẫn cảnh báo, cả răn đe lẫn trừng phạt, đều không đưa lại kết quả như Mỹ mong đợi. Mỹ đành tung ra con chủ bài cuối cùng là loại Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình "Đối tác cho F-35". Ankara không chỉ định mua 100 chiếc F-35 mà còn đầu tư gần 1,3 tỉ USD vào chương trình đối tác kia với mục đích tham gia lâu dài vào việc sử dụng và tiếp tục nghiên cứu cải tiến, phát triển dòng máy bay tàng hình này.
Biện pháp trả đũa trên của Mỹ sẽ khiến Thổ Nhĩ Kỳ bị thua thiệt nhiều. Vì thế, Ankara sẽ phải thuyết phục Washington rút lại quyết định kia. Vũ khí và lập luận lợi hại nhất của Thổ Nhĩ Kỳ là Mỹ không thể đối xử như thế khi cả hai đều là thành viên của NATO và Mỹ càng gây áp lực lớn cũng như phân biệt đối xử Thổ Nhĩ Kỳ thì càng đẩy nước này ra xa Mỹ và xích lại gần Nga hơn. Phía Mỹ hiện có thể phớt lờ, nhưng về lâu dài lại không thể.
Thổ Nhĩ Kỳ thúc đẩy thương vụ với Nga vì có nhu cầu ràng buộc Nga vào quan hệ quân sự và an ninh, khiến Nga thành đối trọng cho quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ, EU, NATO. Chỉ có như thế, Ankara mới tránh được bị lép vế và dồn ép bởi Mỹ và EU cũng như trong NATO. Ngoài ra, máy bay tàng hình và hệ thống tên lửa phòng không hiện đại không thể thay thế được cho nhau, nên Ankara hiện không thiếu lý do để bắt cá hai tay và đặt Mỹ trước sự đã rồi.
Bình luận (0)