Bất cập bảng giá đất

11/01/2012 00:49 GMT+7

Bảng giá đất do UBND TP.HCM ban hành quá xa rời thực tế đã gây ra nhiều bối rối trên thị trường bất động sản.


Một bảng giá đất sát giá thị trường sẽ gỡ được vướng cho cả người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý  - ảnh: D.Đ.M

Ngày 1.1.2012, UBND TP.HCM đã ban hành bảng giá đất với mức giá cao nhất 81 triệu đồng/m2 thuộc về đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Đồng Khởi (Q.1). Như vậy, bảng giá đất năm nay vẫn giữ nguyên khung tối đa và tối thiểu như năm 2011, chỉ điều chỉnh cục bộ đối với một số tuyến, đoạn đường được nâng cấp, hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng và các tuyến, đoạn đường mới hoàn thành hoặc vừa được đặt tên trong năm 2011.

Không sát thực tế

Doanh nghiệp đi đêm với đơn vị thẩm định giá sẽ được giá tốt, còn nếu không, mức giá sẽ cao ngất ngưởng

Một doanh nhân bất động sản TP.HCM

Những năm qua TP.HCM tốn khá nhiều công sức, tiền bạc để xây dựng bảng giá đất hằng năm. Nhưng bảng giá đất không sát thực tế, nên theo nhận xét của ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành, hiệu quả không đáng là bao mà còn gây nên nhiều bất cập.

Cụ thể, theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoRea), đối với việc tính tiền sử dụng đất của người dân, nếu áp bảng giá đất thì quá cao, nhưng áp vào bồi thường giải phóng mặt bằng lại quá thấp, nhất là đối với những dự án công ích.

Ngoài ra, hiện nay hàng ngàn hồ sơ đóng tiền sử dụng đất của người dân đối với những trường hợp vượt hạn mức cũng bị ách tắc. Mới đây đại diện các quận, huyện đã đưa ra đề xuất đối với phần diện tích đất vượt hạn mức chỉ phải nộp tiền sử dụng đất gấp 2 lần bảng giá đất thay vì đóng theo giá thị trường. Đây là giải pháp đơn giản cho cả người dân lẫn cơ quan chức năng .

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là bảng giá đất ban hành hằng năm không sát với giá thị trường. Theo nhận định của một lãnh đạo Cục Thuế TP.HCM, bảng giá hiện nay chỉ bằng 20 - 25% giá đất chuyển nhượng thực tế trên thị trường. Điển hình như bảng giá đất năm 2012 TP quy định giá đất cao nhất ở đường Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Lê Lợi (Q.1) chỉ 81 triệu đồng/m2, nhưng giao dịch thực tế ở đây có thể cao hơn cả chục lần.

Kiến nghị bỏ trần

Theo bảng giá đất năm 2012,

đối với đất đô thị và nông thôn giá đất cao nhất 81 triệu đồng/m2 thuộc về 3 tuyến đường là Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Đồng Khởi (Q.1) và thấp nhất là 110.000 đồng/m2 cho khu dân cư Thiềng Liềng (huyện Cần Giờ). Đất nông nghiệp cao nhất là 190.000 đồng/m2 và thấp nhất là 45.000 đồng/m2.

Tại TP.HCM, việc thu tiền sử dụng đất tại các dự án bất động sản đang bị ách tắc từ nhiều năm qua. Để tính số tiền sử dụng đất của một dự án cụ thể nào đó, thay vì có thể căn cứ vào bảng giá đất ban hành hằng năm, các doanh nghiệp phải “lụy” công ty tư vấn, thẩm định giá tìm cho ra giá thị trường để áp dụng. Tuy nhiên, khi thẩm định, mỗi đơn vị tư vấn lại đưa ra một giá khác nhau. “Doanh nghiệp đi đêm với đơn vị thẩm định giá sẽ được giá tốt, còn nếu không, mức giá sẽ cao ngất ngưởng”, một doanh nhân nêu lên thực tế.

Lãnh đạo Cục Thuế TP.HCM thừa nhận rằng TP hình thành 2 giá đất gồm giá do UBND ban hành hằng năm và giá thị trường. Tuy nhiên, giá thị trường là giá gì thì vẫn đang còn là ẩn số nên gây ra rất nhiều phiền phức, tốn kém cho người dân và doanh nghiệp. Còn Trưởng ban Vật giá Sở Tài chính TP.HCM Nguyễn Quốc Chiến cho biết cái khó hiện nay của TP là Chính phủ quy định khung giá đất, và mức giá 81 triệu đồng/m2 hiện đã đụng trần, không thể tăng thêm được nữa.

Để gỡ khó, HoRea đã kiến nghị Chính phủ không quy định khung giá các loại đất cho từng vùng theo từng thời gian, mà giao thẩm quyền này cho UBND tỉnh, TP trực thuộc trung ương quy định cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Khi đó sẽ không cần thiết ban hành hệ số điều chỉnh giá đất, giúp việc áp dụng pháp luật đơn giản hơn, loại trừ được cơ chế xin-cho. Ngoài ra, Chính phủ cho phép UBND tỉnh, TP trực thuộc trung ương được áp dụng bảng giá đất trong thời hạn 5 năm kể từ ngày công bố, thay vì 1 năm như hiện nay. Trường hợp có biến động về giá đất hoặc các trường hợp phát sinh thì UBND tỉnh, TP điều chỉnh hoặc bổ sung vào bảng giá đất.

Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) Phạm Đình Cường hứa sẽ tham mưu Bộ Tài chính bỏ mức trần. Nhưng trước mắt, UBND cấp tỉnh sẽ được quyền tự quyết mức giá tối đa để xây dựng bảng giá đất sát giá thị trường hoặc ban hành hệ số điều chỉnh giá đất.

Thiên Bảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.