Sẽ mở rộng một số cao tốc 2 làn xe
Đại biểu (ĐB) Nguyễn Văn Mạnh (đoàn Vĩnh Phúc) hỏi việc đầu tư một số tuyến đường cao tốc 2 làn xe, không có làn dừng xe khẩn cấp có phù hợp với tiêu chuẩn đường cao tốc hay không ?
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, dù ngân sách đã dành hơn 375.000 tỉ đồng đầu tư hạ tầng giao thông nhưng mới chỉ đáp ứng 70% nhu cầu, việc đầu tư hoàn chỉnh cao tốc trong bối cảnh nguồn lực hạn chế là rất khó khăn. Ông dẫn chứng nhiều nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia cũng phân kỳ đầu tư với các tuyến cao tốc. Bộ GTVT đã học hỏi kinh nghiệm các nước và phân kỳ theo nguyên tắc vừa đảm bảo có cao tốc trong điều kiện nguồn lực có hạn, vừa tạo tiền đề nâng cấp giai đoạn sau.
Theo đó, ưu tiên đầu tư hoàn chỉnh các đoạn tuyến có nhu cầu lớn như Hà Nội - Hải Phòng, Bến Lức - Long Thành, Phan Thiết - Dầu Giây, còn lại phân kỳ đầu tư với các tuyến có nhu cầu chưa cao. Đặc biệt, tất cả các tuyến cao tốc vừa qua Quốc hội (QH) phê duyệt đều giải phóng mặt bằng (GPMB) một lần. Trước mắt, Bộ GTVT sẽ tham mưu báo cáo xem xét nguồn tăng thu ngân sách để mở rộng các tuyến cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn và La Sơn - Hòa Liên, cũng như hoàn chỉnh các đoạn tuyến 2 làn xe, đảm bảo cho cả nước có hệ thống cao tốc hiện đại.
Chưa đồng tình phần trả lời của Bộ trưởng Thắng, ĐB Trần Văn Tiến, Ủy viên Ủy ban Kinh tế QH, chất vấn: "ĐB hỏi cao tốc không có làn dừng khẩn cấp có phù hợp với tiêu chuẩn hay không, nhưng Bộ trưởng chưa trả lời thẳng vào vấn đề, chỉ cần trả lời có phù hợp hay không ?". Trả lời câu hỏi này, theo Bộ trưởng Bộ GTVT: "Câu chuyện cao tốc 2 làn xe hay 4 làn xe, với tiêu chuẩn của chúng ta hiện nay đang phù hợp. Còn quy chuẩn đang xây dựng, sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ và dự kiến hoàn thành quý 1/2024".
Chia sẻ việc người đứng đầu Bộ GTVT mới về nhận nhiệm vụ tại bộ nên "không chịu trách nhiệm chính", song ĐB Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) cũng nêu thực tế tuyến Cam Lộ - Túy Loan chỉ có 2 làn xe, chưa được GPMB toàn bộ. Nếu giai đoạn 2 mở rộng sẽ phải GPMB rất tốn kém, lãng phí nguồn lực quốc gia. Chưa kể, hệ thống phụ trợ, cầu gom dân sinh... đều làm theo quy mô 2 làn đường, sau này nếu mở rộng sẽ phải phá bỏ đi, "chưa biết tính con số này là bao nhiêu nhưng chắc chắn không nhỏ".
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, cao tốc Cam Lộ - Túy Loan gồm 2 dự án thành phần là Cam Lộ - La Sơn là dự án đầu tư công có chỗ 4 làn xe, chỗ 2 làn xe, đã GPMB hết. Đoạn La Sơn - Túy Loan 2 làn xe hiện cũng đã GPMB để mở rộng. "Thời gian tới, Bộ GTVT sẽ cân đối ngân sách và nhu cầu vận tải, lưu lượng xe để tham mưu Chính phủ báo cáo QH mở rộng các tuyến này, đặc biệt là tuyến Cam Lộ - La Sơn có lưu lượng cao", ông Thắng nêu.
Chốt lại vấn đề, theo Chủ tịch QH Vương Đình Huệ, "vốn liếng của chúng ta không có nhiều nên phải phân kỳ đầu tư, nhưng phân kỳ như thế nào để đảm bảo an toàn giao thông, Bộ GTVT phải suy nghĩ kỹ". Chủ tịch QH cũng dẫn chứng dự án cao tốc mới đi vào khai thác như Cao Bồ - Mai Sơn và Thanh Hóa - Diễn Châu, số lượng người tham gia giao thông rất ít, lý do tốc độ khai thác chỉ có 80 km/giờ, không có làn dừng khẩn cấp nên chỉ cần 1 xe tai nạn, hay xịt lốp sẽ ùn tắc. "Rất cần phải xem xét vấn đề này", Chủ tịch QH lưu ý.
Vẫn loay hoay xử lý 8 dự án BOT treo
ĐB Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) thì nêu hiện nay đường cao tốc đi qua tỉnh Bình Thuận gần 200 km nhưng vẫn chưa bố trí trạm dừng chân, khiến người dân "không biết giải quyết nỗi buồn vệ sinh môi trường như thế nào".
Đáp lại ĐB, ông Thắng nhận trách nhiệm của Bộ trưởng GTVT khi việc triển khai trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc đang bị chậm. Ông Thắng cũng lý giải việc triển khai các dự án cao tốc tại nhiệm kỳ này theo tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng". Các quy định về trạm dừng nghỉ đang thiếu hành lang pháp lý, khiến giai đoạn 1 của tuyến cao tốc gần như không có trạm dừng nghỉ. Bộ GTVT đã chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương ban hành thông tư hướng dẫn chọn nhà đầu tư để xã hội hóa. 9 trạm dừng nghỉ thuộc giai đoạn 1 sẽ hoàn thành trong năm 2023 - 2024, 15 trạm của giai đoạn 2 chắc chắn sẽ đảm bảo tiến độ.
Liên quan việc xử lý bất cập các dự án BOT treo, ĐB Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cho biết tại Nghị quyết số 62, QH đã giao nhiệm vụ trong năm 2022 phải giải quyết dứt điểm những vướng mắc, bất cập về trạm thu phí dự án BOT. Nhưng hơn 1 năm qua, Bộ GTVT mặc dù đang nỗ lực triển khai thực hiện, tuy nhiên chưa hoàn thành được nhiệm vụ được QH giao. Ông An cũng đề nghị Bộ trưởng GTVT nêu rõ giải pháp và thời gian hoàn thành, làm rõ phương án huy động hơn 10.000 tỉ đồng ngân sách.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho hay Bộ GTVT đã phối hợp các bộ, ngành, địa phương để triển khai tháo gỡ cho 8 dự án BOT có vấn đề với tổng kinh phí dự kiến hơn 10.000 tỉ đồng. Ông Thắng thừa nhận các nội dung tháo gỡ cho dự án BOT đã được Bộ GTVT triển khai rất lâu nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc. Đặc biệt, nguồn vốn xử lý từ tăng thu hay đầu tư công trung hạn. Các dự án không chỉ liên quan đến nhà đầu tư mà có cả các ngân hàng. Khi làm việc, Bộ GTVT đề nghị nhà đầu tư phải hy sinh lợi nhuận, ngân hàng phải hy sinh lãi suất để bảo toàn, thu hồi vốn… Bộ GTVT sẽ báo cáo Chính phủ trước ngày 15.11, để từng bước trình QH trong thời gian tới.
Về vấn đề thu hút các dự án PPP, ông Thắng cũng thừa nhận từ khi luật PPP được ban hành thì việc thu hút các dự án chưa được nhiều, chưa hiệu quả. Nguyên nhân, các dự án lưu lượng phân bổ không đồng đều nên có những bất lợi cho nhà đầu tư. Phần vốn nhà nước hỗ trợ tối đa 50% cho GPMB, nên vốn thực chất hỗ trợ doanh nghiệp chưa nhiều… Bộ GTVT sẽ tham mưu Chính phủ để trình điều chỉnh cơ chế chính sách, thu hút nhà đầu tư, như nâng tỷ lệ vốn nhà nước hỗ trợ.
Liệu có xảy ra những vụ giống ngân hàng SCB ?
Chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng, nhiều ĐB đề nghị cho biết lộ trình xóa bỏ việc điều hành hạn mức tín dụng (room tín dụng). Phúc đáp ĐB, bà Hồng cho biết thực hiện theo nghị quyết của QH, NHNN đã tiến hành tọa đàm và đi đến thống nhất là tại thời điểm này chưa thể bỏ điều hành room tín dụng. Bà cho hay NHNN vẫn sẽ điều hành room tín dụng cho tới thời điểm thuận lợi. "Khi các phân khúc khác của thị trường tài chính như trái phiếu doanh nghiệp có thể đáp ứng nhu cầu vốn trung, dài hạn của doanh nghiệp thì khả năng bỏ chỉ tiêu tín dụng này sẽ khả thi hơn", bà Hồng nhấn mạnh.
Nhiều ĐB đề nghị giải trình việc xử lý các ngân hàng yếu kém còn chậm và đề nghị bà Hồng cho biết liệu có khả năng sắp tới xảy ra những vụ giống như SCB (Ngân hàng TMCP Sài Gòn) vừa qua nữa hay không để giúp khách hàng có tiền gửi yên tâm. Trả lời, bà Hồng nói tái cơ cấu ngân hàng yếu kém thực sự là rất khó, khi đây là việc chưa có tiền lệ, cán bộ tham gia chưa có kinh nghiệm; việc tìm kiếm nhà đầu tư tham gia đề án cũng khó khăn. Ngoài ra, về nguồn lực để thực hiện, bà Hồng cho biết cũng cần phải xin ý kiến các cơ quan liên quan, có sự đồng thuận, thống nhất. "Việc tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém đã xin ý kiến cấp có thẩm quyền chủ trương và đang trong quá trình thực hiện theo kế hoạch này trước khi hoàn thiện đề án chi tiết trình cấp có thẩm quyền phê duyệt", bà Hồng nhấn mạnh.
500 tài sản công đang bỏ không
ĐB Đoàn Thị Thanh Mai (đoàn Hưng Yên) đề cập tình trạng nhiều trụ sở công bị bỏ không sau khi sáp nhập, trong khi nhiều cơ quan ở nơi khác phải sử dụng chung trụ sở, chật chội, xuống cấp… Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết tính đến nay, khoảng 90% tài sản công đã được sắp xếp, xử lý, còn 10% - tương ứng khoảng 1.000 tài sản công vẫn chưa được xử lý, trong đó khoảng 500 tài sản công đang bỏ không, tạo nên sự lãng phí.
Về nguyên nhân, nhiều cơ quan, đơn vị không có nhu cầu sử dụng các tài sản công nêu trên. Cạnh đó, khi muốn định giá để bán tài sản công, việc tìm được cơ quan định giá là rất khó, thị trường trầm lắng cũng khiến việc bán tài sản công không hề dễ dàng. Chưa kể, tài sản công muốn chuyển sang định giá thì phải được phê duyệt lại quy hoạch sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất, phải làm một loạt thủ tục, nên sẽ khó.
Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định quản lý tài sản công thuộc trách nhiệm của cơ quan các cấp. Trong đó, tài sản công của cơ quan T.Ư, bộ, ngành quản lý thì trách nhiệm thuộc Chính phủ, cơ quan tham mưu trực tiếp là Bộ Tài chính, cơ quan trực tiếp quản lý là các bộ, ngành. Còn lại, đa số tài sản công khi sắp xếp các huyện, xã thuộc quản lý của UBND tỉnh. Bộ Tài chính đã có văn bản hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan liên quan thực hiện việc xử lý tài sản công. Sắp tới, bộ sẽ làm việc để hướng dẫn thêm, đảm bảo đưa tài sản công vào sử dụng, phát huy hiệu quả.
Bình luận (0)