>> Bảo tàng nhỏ, tầm nhìn lớn
>> Chiêm ngưỡng cổ vật quý lần đầu công bố tại Bảo tàng Nam Định
>> “Phủ sóng” bảo tàng
Trong suốt thời bao cấp, có thể nói bất cứ vị lãnh đạo cao cấp nào từ Hà Nội vào Quảng Nam, đều đã đến thăm bảo tàng này, bởi tại đây có một bộ sưu tập hiện vật thể hiện một vùng đất ngoan cường và thảm khốc nhất trong hai cuộc chiến tranh giành độc lập và nhiều giá trị lịch sử cận đại khác. Cũng tại đây, cây bút dùng ký vào hiệp định Paris năm 1973 cũng đã được bà Nguyễn Thị Bình trao tặng, trưng bày…
|
Chị Đinh Thị Hiệp, người phụ trách Bảo tàng Điện Bàn liên tục từ năm 1985 đến nay cho biết, đã có hơn 12 ngàn đơn vị hiện vật và hàng ngàn hình ảnh, bản đồ, tranh vẽ xưa đã được sưu tầm, không chỉ liên quan đến hai cuộc chiến tranh, mà còn gắn liền với các nền văn hóa Sa Huỳnh, Chămpa, phong trào yêu nước trước năm 1930, nghệ thuật Tuồng, bộ đèn cổ của một tư nhân hiến tặng…Trong những hiện vật quý hiếm mà do điều kiện bảo quản chưa đầy đủ nên không thể công bố, chúng tôi thấy có bộ bia đá Văn Từ phủ Điện Bàn có từ triều vua Tự Đức, những khẩu súng thần công thời các chúa Nguyễn và cả bức vẽ của một thương nhân Nhật Bản về hoạt động của các chúa tại dinh trấn Thanh Chiêm cùng hoạt động của tàu thuyền từ cảng Hội An đến chợ Củi từ thế kỷ 17…
Luật Luật Di sản 2001 và Luật Di sản sửa đổi năm 2009 (từ điều 47 đến 53) tuy cho phép thành lập bảo tàng ngoài công lập, nhưng cấp huyện lại không được thành lập bảo tàng. Do qui định này, Bảo tàng Điện Bàn chỉ có hai nhân viên và một bảo vệ ban đêm theo hợp đồng công việc. Hai nhân viên, trong đó có người phụ trách với chức danh “tổ trưởng” phải xoay “như con rối” từ việc sưu tầm, bảo quản, trưng bày, thuyết minh…và quản lý luôn hai nhà lưu niệm anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ, 4 di tích cấp quốc gia, trong đó có lăng mộ Hoàng Diệu, Trần Quý Cáp, tháp Bàng An và hơn 40 di tích cấp tỉnh khác trên địa bàn…
Kinh phí hoạt động mỗi năm chỉ có 65 triệu đồng, trong đó dành 10% cho dự phòng và trả lương bảo vệ. Chưa kể, mỗi năm phải phối hợp với ngành giáo dục, hướng dẫn gần 5.000 lượt học sinh các cấp đến tham quan, học ngoại khóa và một số du khách đến thăm Bảo tàng huyện từ tuyến Hội An. “Chúng tôi vẫn đem hết khả năng để duy trì hoạt động thường xuyên. Nhưng cũng vì vậy mà không thể chuyên sâu, sinh động. Nhiều lúc tưởng như không còn sức để chuyển tải thông tin đến với khách tham quan…”, chị Hiệp nói.
Ông Cao Thanh Tấn, Phó chủ tịch UBND huyện Điện Bàn cho rằng: “Bảo tàng Điện Bàn có hàng chục năm trước khi có Luật Di Sản. Nó ra đời ngay khi nhân dân cả huyện bắt tay xây dựng quê hương sau chiến tranh bằng công sức của nhân dân, vì chúng tôi ý thức rằng đây là vùng đất dinh trấn Thanh Chiêm, có lịch sử hơn 400 năm, là “tiền cung” của công cuộc khai phá lãnh thổ về phương Nam và mở mang ngoại thương xứ Đàng Trong cúa các chúa Nguyễn, là nơi sản sinh ra chữ Quốc ngữ từ thế kỷ 17, cái nôi của nghệ thuật Tuồng, là vùng đất học mang tên Ngũ phụng tề phi và sự hy sinh xương máu “nhất Củ Chi, nhì Gò Nổi” trong hai cuộc kháng chiến…với hàng vạn hiện vật, tư liệu quý giá. Gia sản này không thể không được giữ gìn cho các thế hệ mai sau…”. Bằng suy nghĩ đó, tuy luật không qui định, nhưng huyện và cả sự hỗ trợ của tỉnh Quảng Nam, trong 2 năm qua, Điện Bàn đã mạnh dạn đầu tư gần 20 tỉ đồng để để trùng tu, sửa chữa lại khu bảo tàng đã xuống cấp, đồng thời thiết kế lại không gian trưng bày phù hợp với nguồn hiện vật và ý nghĩa lịch sử, văn hóa một vùng đất.
Vì thế UBND tỉnh Quảng Nam cần nghiên cứu để có một quyết định phù hợp với đặc trưng của một bảo tàng cấp huyện như Bảo tàng Điện Bàn hoạt động, nếu không, sẽ bị rơi vào tình trạng như nhiều bảo tàng khác được báo chí nói đến, đó là kho chứa hiện vật.
Trương Điện Thắng
Bình luận (0)