Bất cập trong khai thác titan ở Bình Thuận

Quế Hà
Quế Hà
26/03/2018 11:33 GMT+7

Bình Thuận hiện được đánh giá là 'vựa titan' của cả nước với trữ lượng và diện tích được quy hoạch nhiều nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, việc quy hoạch và khai thác khoáng sản quý hiếm này đang bộc lộ nhiều bất cập.

Theo Giám đốc Sở TN-MT Bình Thuận Hồ Lâm, quy hoạch khai thác và thăm dò khoáng sản titan chủ yếu nằm dọc ven biển, có địa hình đồi cát cao, gần khu dân cư, an toàn mỏ không cao. Thực tế trong những năm qua đã từng xảy ra nhiều sự cố về môi trường khi khai thác. Nguồn nước ngầm chỉ đủ cung cấp cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt, không đủ cho hoạt động khai thác titan. Vì vậy thời gian qua người dân một số nơi có mỏ titan không đồng tình với việc khai thác. Hiện nay, Bình Thuận được xác định là trung tâm khoáng sản titan với trữ lượng gần 600 triệu tấn, chiếm tới 92% tổng trữ lượng của cả nước. Tuy nhiên, hiện cả tỉnh chỉ có 3 dự án chế biến sâu các sản phẩm từ quặng titan với quy mô nhỏ (15.000 tấn/năm).
Theo ông Hồ Lâm, quy hoạch đến năm 2020, Bình Thuận sẽ đưa vào khai thác thăm dò 26 khu vực với diện tích 19.500 ha, trữ lượng hơn 133 triệu tấn. Hiện đã có 9.461 ha đã được cấp phép thăm dò với trữ lượng trên 80 triệu tấn.
Hiện nay tại Bình Thuận đã có 57 dự án đăng ký đầu tư, khảo sát với diện tích trên 15.000 ha nằm trong vùng quy hoạch dự trữ khoáng sản titan.Vị trí của các dự án này nằm ở ven biển khu vực TP.Phan Thiết, hai huyện Bắc Bình và Tuy Phong. Các dự án này phù hợp với định hướng phát triển năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, du lịch). UBND tỉnh Bình Thuận đã trình Thủ tướng 33 văn bản và được Chính phủ cũng như Bộ Công thương chấp thuận cho phép bổ sung 6 dự án, trong đó có 2 dự án điện mặt trời và 3 dự án điện gió.
Việc tiêu thụ khoáng sản titan chủ yếu vẫn là thị trường Trung Quốc. Một nhà đầu tư dự án titan lớn trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, cho biết: “Nếu cứ xuất thô như hiện nay thì không những chỉ lãng phí tài nguyên quốc gia, mà lợi nhuận về kinh tế đem lại cho doanh nghiệp không đáng kể”.
Theo nhà đầu tư này, hiện Trung Quốc là thị trường tiêu thụ khoáng sản titan lớn nhất cả nước. Tuy nhiên thị trường này chủ yếu tiêu thụ quặng thô chứ ít nhập các sản phẩm sau chế biến. Đây chính là nguyên nhân quặng được xuất nhiều nhưng kim ngạch không cao. Hiện nay Bình Thuận chưa có các khu chế xuất tinh quặng titan quy mô và được đầu tư công nghệ hiện đại. Vì vậy, việc khai thác và chế biến titan bộc lộ những nghịch lý với công tác bảo vệ môi trường và lợi ích kinh tế.
Dự án “chồng” dự án
Theo báo cáo của Sở TN-MT Bình Thuận, các vùng quy hoạch dự trữ titan hiện nay đều nằm chồng lấn lên các dự án khác (chồng lấn lên 33 dự án) và ảnh hưởng đến quy hoạch phát triển du lịch và các ngành kinh tế khác. Do vậy, UBND tỉnh Bình Thuận đã kiến nghị Thủ tướng điều chỉnh lại quy hoạch titan ở Bình Thuận theo hướng ưu tiên những vùng dự trữ để phát triển du lịch và các ngành kinh tế quan trọng.
“Hiện nay, có những khu vực được khai thác titan theo phương pháp “cuốn chiếu”, tức khai thác đến đâu bàn giao đất đến đó cho các dự án kinh tế du lịch. Có những nhà đầu tư muốn đăng ký làm dự án kinh tế trên những vùng đất đã được quy hoạch thăm dò, khai thác titan. Tuy nhiên UBND tỉnh không dám chấp thuận và còn phải chờ ý kiến của các bộ, ngành liên quan. Điều này đã ảnh hưởng phần nào đến chính sách thu hút đầu tư tại Bình Thuận”, một cán bộ lãnh đạo tỉnh Bình Thuận cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.