Việc ngư dân Quảng Ngãi và Đà Nẵng trả lại 2 tàu cá thuộc thế hệ tàu cá vỏ thép đầu tiên của VN là bài học sâu sắc về thiết kế thiếu thực tế, không phù hợp.
Ngư dân nên chỉnh sửa thiết kế phù hợp nghề khai thác và thép chất lượng để đóng tàu - Ảnh: Nguyễn Tú |
Những ngày này, các ngư dân ở Đà Nẵng bàn tán xôn xao chuyện ngư dân Mai Thành Văn (Quảng Ngãi) và anh em Lê Văn Sang, Phan Văn Bé (Đà Nẵng) trả lại tàu cá vỏ thép Hoàng Anh 01 và Sang Fish 01. Hoàng Anh 01 gặp sự cố 3/5 chuyến biển, Sang Fish 01 hỏng 4/10 chuyến biển, đều cùng vấn đề tời kéo và máy chính.
|
Đây là 2 tàu cá vỏ thép đầu tiên của VN, được Chính phủ đóng thí điểm, giao ngư dân khai thác với nhiều ưu đãi. Ý thức điều này, ngư dân đầu tư sửa chữa, khắc phục, chuyển đổi ngành nghề nhưng vẫn không hiệu quả.
“Cabin cao, đáy nhỏ giúp tàu chạy nhanh nhưng rung lắc kinh hồn khi sóng lớn, thành tàu quá cao khiến khai thác thì đứt lưới còn làm hậu cần thì va đập tàu khác”, Lê Văn Sang, chủ tàu Sang Fish 01, than thở.
Cũng theo anh Sang, tàu Sang Fish 01 không như kỳ vọng. Ngoài lỗi của đơn vị đóng tàu, còn có trách nhiệm của ngư dân khi không quyết liệt ngay từ đầu. “Đành rằng đây là tàu mẫu thí điểm, mình không được góp ý chỉnh sửa thiết kế, nóng vội thử nghiệm. Nhưng nếu mình kiên quyết hơn thì có thể đã thay đổi được. Từ bài học này, mình chia sẻ với các ngư dân phải tính đến sự phù hợp giữa thiết kế với ngành nghề khai thác, tập quán đánh bắt và từng vùng biển hoạt động”, anh Sang nói.
Cơ hội kèm thách thức
Ông Lý Tiết Dũng, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty CP Đóng tàu Bảo Duy cho rằng ngư dân và cơ sở đóng tàu phải tiếp thu bài học trên. Do đó, đơn vị khuyến khích ngư dân sửa đổi thiết kế từ mẫu tàu lưới chụp LC 03 của Bộ NN-PTNT và được Trung tâm Đăng kiểm tàu cá VN phê duyệt. Đồng tình, ông Hồ Văn Tý, Giám đốc Công ty CP Kỹ thuật biển (S.Tech) cho biết sau thực tế đóng vài tàu thép, thiết kế của Bộ NN-PTNT có nhiều vấn đề chưa phù hợp, nên cần hoán cải với ngành nghề đánh bắt.
Theo Sở NN-PTNT TP.Đà Nẵng, do được tạo nhiều thuận lợi về ngư trường, bến bãi và cơ chế hỗ trợ nên ngư dân miền Trung đổ về Đà Nẵng đóng tàu ngày càng nhiều. Đây là cơ hội kèm thách thức cho ngành đóng tàu Đà Nẵng. Theo quy định, tại Đà Nẵng có một số cơ sở đủ điều kiện đóng tàu thép trên 400 CV theo Nghị định 67 gồm: Công ty CP Đóng tàu Bảo Duy, liên danh S.Tech - Xây lắp Công nghiệp tàu thủy miền Trung và Công ty Hải Sơn X50. Riêng đối với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đánh giá cơ sở chế tạo và cung cấp dịch vụ tàu biển (QCVN65), thì ở miền Trung chỉ có Hải Sơn X50 và Công ty CP Đóng tàu Bảo Duy được Bộ GTVT công nhận đủ năng lực đóng, sửa tàu biển trọng tải đến 1.000 tấn.
Ông Hồ Văn Tý, Giám đốc S.Tech thừa nhận hiện tại không chỉ Đà Nẵng, mà chủ tàu Quảng Nam, Quảng Trị, Hà Tĩnh đăng ký đóng “tàu 67” rất nhiều, nhưng năng lực S.Tech giới hạn, gặp khó khăn về vốn, công nghệ nên mỗi năm chỉ đóng được 4-5 tàu. Theo ông Lý Tiết Dũng, các DN đóng tàu phải tăng cường đội ngũ chuyên môn, cập nhật kỹ thuật mới. Nếu DN nhỏ thì đẩy mạnh cổ phần để tăng vốn đầu tư, làm chủ khoa học kỹ thuật. Bởi không lâu nữa, nhu cầu ngư dân sẽ đầu tư những con tàu trọng tải 1.000 tấn chứ không chỉ vài trăm tấn như hiện tại. Có vậy Nghị định 67 mới thành công trong thực tế và chấm dứt câu chuyện ngư dân miền Trung chịu bất cập khi đóng “tàu 67”.
Bình luận (0)