Ngày 29.3, nhiều cuộc biểu tình nhỏ lẻ tiếp tục nổ ra khắp Myanmar. Theo truyền thông địa phương, ít nhất 3 người thiệt mạng và nhiều người bị thương trong vụ đụng độ với lực lượng an ninh tại TP.Yangon.
Một ngày trước đó, ít nhất 13 người biểu tình đã thiệt mạng, theo Hiệp hội Hỗ trợ tù nhân chính trị (AAPP). Reuters dẫn lời các nhân chứng cho hay lực lượng an ninh đã nổ súng vào những người dự tang lễ của một sinh viên 20 tuổi ở TP.Bago và hiện chưa có thông báo về thương vong.
Tính đến nay, tổng số người thiệt mạng đã lên hơn 460 người, theo AAPP. Riêng trong ngày Quân đội 27.3, ít nhất 114 người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình, theo trang Myanmar Now.
Trước diễn biến phức tạp tại Myanmar, Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm qua 29.3 lên tiếng chỉ trích: “Thật là khủng khiếp. Thật quá sức chịu đựng và theo những thông tin mà tôi nhận được, rất nhiều người đã mất mạng một cách vô lý”.
Tương tự, Liên minh Châu Âu (EU) gọi tình trạng bạo lực chết người ở Myanmar là “không thể chấp nhận được”. Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ tiếp tục sử dụng các cơ chế của EU, bao gồm cả lệnh cấm vận, nhằm vào những người gây ra cảnh bạo lực này và cả những người chịu trách nhiệm đảo ngược con đường dân chủ và hòa bình của Myanmar”.
Trong khi đó, ít nhất 3.000 người từ bang Karen (Myanmar) được cho là đã chạy sang Thái Lan ngày 28.3, theo sau các cuộc không kích của quân đội nhằm vào khu vực do lực lượng thiểu số Liên đoàn Dân tộc Karen (KNU) kiểm soát.
Ngày 29.3, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha cho hay chính phủ của ông đang chuẩn bị cho khả năng có làn sóng người tị nạn tràn qua từ Myanmar, theo Reuters. “Chúng tôi không muốn có làn sóng người di cư vào lãnh thổ mình, nhưng chúng tôi cũng sẽ tôn trọng nhân quyền. Dự kiến có bao nhiêu người tị nạn ư? Chúng tôi đã chuẩn bị một khu, nhưng con số bao nhiêu - chúng tôi xin miễn bàn” , ông Prayuth phát biểu tại cuộc họp báo.
Bình luận (0)