Gần đây, tại TP.HCM xảy ra một số vụ được cho là “bắt cóc” trẻ em khiến người dân hoang mang. Đáng nói không ít vụ do một số kẻ tung tin bịa đặt.
Bé Ng. tỏ vẻ sợ hãi mỗi khi gặp người lạ - Ảnh: Đức Tiến |
“Bắt cóc” hay đi lạc?
Theo chị N.T.B.H (35 tuổi, quê Cần Thơ, tạm trú Q.Tân Bình, TP.HCM), khoảng 16 giờ ngày 18.3, chị H. dắt con trai H.T.Ng (5 tuổi) đi bộ trên đường Âu Cơ (Q.Tân Bình) thì có hai thanh niên cao, đeo khẩu trang, đi xe máy chạy đến hỏi đường rồi bất ngờ người ngồi phía sau nhảy xuống chộp lấy bé Ng…
Theo phản xạ tự nhiên, chị H. kéo tay con lại, hai bên giằng co khiến chân của bé Ng. bị trầy xước, bầm tím. Lúc đó, chị H. vừa giằng lại con vừa hô: “Cứu tôi với, cứu tôi với. Nó cướp con tôi!”.
Thấy hai bảo vệ của cửa hàng gần đó chạy đến, bọn chúng lên xe bỏ chạy. Cũng theo chị H., chị không còn chung sống với chồng đã 5 năm nay. Hằng ngày chị đi bán thịt bò, mỗi tháng thu nhập từ 6 - 7 triệu đồng, đủ trang trải cuộc sống nuôi con.
Trước đó, chiều 8.3, chị N.T.K.P (37 tuổi, Q.1, bán quán ăn trên đường Đề Thám) cho tiền con gái L.N.K.N (9 tuổi) đi mua bánh mì ăn. Khi bé N. vừa đến giao lộ Đề Thám - Bùi Viện thì bị một người đàn ông lạ mặt dụ chở đến Q.6 bỏ trước nhà một người làm trong ngành công an. Thấy vậy, người công an này đưa bé N. đến Công an P.11 (Q.6) tìm cách đưa bé về lại nhà.
Ngày 3.3, bé T.N.N.Y (5 tuổi, ngụ Q.8) xin phép nhà đi chơi, sau đó về đi học. Nhưng đến giờ đi học vẫn không thấy con về, mọi người trong nhà chia nhau đi tìm. Sau đó, ông V.V.N (62 tuổi, ông ngoại bé Y.) tìm thấy bé Y. ở cầu Tạ Quang Bửu (Q.8). Lúc tìm thấy, người nhà bé Y. thấy hai vợ chồng lạ mặt đi phía sau bé Y. Nghi ngờ 2 người này “bắt cóc” bé Y. nên người nhà đã hành hung 2 người này.
Bé Y - Ảnh: Đức Tiến
|
Để làm rõ những vụ việc nêu trên, chúng tôi đã liên lạc với Công an Q.Tân Bình và Q.1 thì được biết Cơ quan CSĐT của hai quận đang lập hồ sơ vụ việc để điều tra làm rõ.
Riêng vụ Q.8, theo thượng tá Lê Văn Hải, Phó trưởng Công an Q.8, sau khi công an tiếp nhận vụ việc đã mời hai vợ chồng mà gia đình bé Y. nghi là người bắt cóc về trụ sở công an làm việc thì xác định họ là người đi đường, không có liên quan đến việc bắt cóc. Vụ việc được nhận định là bé Y. đi lạc.
Để làm rõ, Công an Q.8 truy tìm cho bằng được người tung tin, hình ảnh lên mạng internet về vụ việc bé Y. bị bắt cóc. Sau đó, công an tìm ra được người tung tin bắt cóc ngụ ở P.5 (Q.8) và người này khai nhận: Lúc đi ngang qua chứng kiến cảnh đánh nhau, thêm vào đó nghe người dân kể là bắt cóc nên chụp hình đưa lên Facebook. Do người này dưới 14 tuổi nên công an cảnh cáo, không phạt hành chính.
Liên quan đến vấn đề này, một cán bộ của Phòng Cảnh sát Hình sự (PC45), Công an TP.HCM cho rằng: “Mục đích của tội phạm bắt cóc là tống tiền. Bọn chúng thường có ít nhất từ hai người trở lên, họ điều nghiên khá kỹ về gia cảnh (giàu hay nghèo), quy luật đi lại của con tin và gia đình con tin… Theo tôi được biết, hoàn cảnh kinh tế của 3 gia đình nói trên đều không giàu có nên khả năng bắt cóc tống tiền là rất khó xảy ra. Cho nên công an đang điều tra làm rõ từng vụ việc để có hướng xử lý nghiêm”.
Chưa nhận trình báo bắt trẻ em bán nội tạng
Về việc một số người dân nghi ngờ bắt trẻ em bán nội tạng, cán bộ công an này cho rằng, nếu có việc bắt cóc trẻ em bán nội tạng, phải có đường dây tiêu thụ. Vậy ai là người tiêu thụ, với mục đích gì? Từ trước đến nay, ngành công an chưa bao giờ tiếp nhận thông tin hay thụ lý điều tra vụ án nào liên quan đến vụ việc như nói trên. Thời gian qua, trên mạng internet có nhiều thông tin bịa đặt về việc mua bán nội tạng trẻ em nên khi con, cháu bị đi lạc hoảng sợ nghi ngờ, suy đoán gây nhiễu loạn thông tin làm mất an ninh trật tự…
“Công an đang truy tìm người đưa tin thất thiệt, bịa đặt như nội dung nói trên lên mạng internet để xử lý nghiêm. Trước tình hình này, người dân cảnh giác, bình tĩnh, khi xảy ra vụ việc đến công an trình báo để có hướng xử lý”, vị này khuyến cáo.
Bình luận (0)