Bất công cho doanh nghiệp

09/07/2015 08:00 GMT+7

Doanh nghiệp nợ thuế bị phạt, phong tỏa tài khoản, bị vô hiệu hóa hóa đơn, bêu tên... còn nhà nước chậm hoàn thuế, dây dưa thanh toán vốn xây dựng cơ bản cho doanh nghiệp thì không thấy ai bị phạt, bị bêu tên hay xử lý trách nhiệm.

Doanh nghiệp nợ thuế bị phạt, phong tỏa tài khoản, bị vô hiệu hóa hóa đơn, bêu tên... còn nhà nước chậm hoàn thuế, dây dưa thanh toán vốn xây dựng cơ bản cho doanh nghiệp thì không thấy ai bị phạt, bị bêu tên hay xử lý trách nhiệm.

Đại diện doanh nghiệp làm thủ tục về thuế tại Hà Nội - Ảnh: Ngọc Thắng
Bình luận về các đợt công khai danh tính doanh nghiệp (DN) nợ thuế, nợ tiền sử dụng đất thời gian qua, một chuyên gia kinh tế cho rằng sở dĩ ngành thuế dùng biện pháp mạnh như vậy vì nếu để thất thu, chắc chắn năm nay ngân sách sẽ mất cân đối bởi số DN còn nợ đọng theo công bố chính thức của Bộ Tài chính khoảng 72.000 tỉ đồng.
Ngổn ngang nợ xây dựng cơ bản
Phải có chế tài
Theo luật sư Trần Văn Dậu, Công ty luật Nam Sơn, thông thường, DN bị chậm hoàn thuế có quyền khiếu nại cơ quan thuế, nếu chứng minh cơ quan thuế sai, sẽ nhận bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, thực tế, việc DN thành công trong việc khiếu nại này đếm trên đầu ngón tay hoặc quá hiếm hoi.
“Cần có chế tài đối với các trường hợp này. Cá nhân cán bộ thuế, cơ quan thuế gây khó cho DN, phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho DN, không thể để DN đơn phương chịu thiệt. Phạt hay thưởng nên có sự công bằng thì DN mới tin vào pháp luật được”, luật sư Trần Văn Dậu nói.
Dù khẳng định sự ủng hộ quan điểm xử lý nghiêm DN chây ì, trốn thuế nhưng TS Ngô Trí Long cho rằng để đảm bảo sự công bằng, tính nghiêm minh của luật pháp cần phải giải quyết được cả bài toán nhà nước còn nợ tiền hoàn thuế, nợ tiền xây dựng cơ bản (XDCB) đối với các DN. Tình trạng này dây dưa suốt thời gian dài nhưng chưa được giải quyết triệt để. Có thời điểm như năm 2013, khi báo cáo Quốc hội, Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) khẳng định số nợ đọng XDCB lên tới 91.000 tỉ đồng. Tại một số địa phương, nợ đọng XDCB còn cao hơn cả số thu ngân sách trong một năm. Đơn cử tại Quảng Nam, Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo số nợ đọng XDCB lên tới 3.500 tỉ đồng. Hay như Quảng Ninh cũng gần 1.000 tỉ đồng.
Ông Trịnh Nam Tuấn, quyền Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính), cũng nhận xét tình trạng nợ đọng XDCB hiện nay đã trở nên phổ biến, giống như một căn bệnh khó chữa. Nợ XDCB khiến các nhà thầu không có vốn để thực hiện tái sản xuất, dẫn đến tình trạng nhà thầu chiếm dụng vốn của DN cung cấp vật tư, chiếm dụng tiền lương của người lao động...
Nhiều DN đã ứng tiền ra thi công công trình, nhưng đợi chờ nhiều năm vẫn không được thanh toán. Đơn cử như trường hợp Tổng công ty xuất nhập khẩu xây dựng (Vinaconex), ứng 1.589 tỉ đồng xây dựng Bảo tàng Hà Nội theo hình thức BT. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa được Sở Xây dựng Hà Nội thanh toán vì còn vướng đủ thứ thủ tục hành chính.
Theo TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế VN, ai nợ thì người đó phải trả. Nhà nước nợ tiền XDCB thì phải có trách nhiệm trả, vì hiện nay rất nhiều DN đang gặp khó khăn, cần vốn để duy trì hoạt động. TS Ngô Trí Long bày tỏ: “Nợ XDCB kéo dài, dây dưa nhiều năm khiến nhiều DN không có vốn để hoạt động nhưng thực tế không thấy có địa phương, lãnh đạo nào bị xử lý, chỉ đích danh”.
TS Trần Du Lịch cũng cho rằng vấn đề này đã được bàn nhiều năm nhưng cái gốc của vấn đề vẫn chưa được giải quyết triệt để. Muốn chấm dứt tình trạng này cần phải có những thay đổi căn cơ từ luật Đầu tư công, luật Ngân sách nhà nước sửa đổi trong đó có quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, từng vị trí, từng người...
Nộp thuế chậm bị phạt, hoàn thuế chậm thì không
Không chỉ nợ XDCB, tình trạng nợ tiền hoàn thuế cũng gây ra không ít hệ lụy cho cả ngân sách lẫn bức xúc trong DN. Ông Nguyễn Đại Trí, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, thừa nhận năm 2014, cơ quan thuế còn phải hoàn gần 2.452 tỉ đồng cho DN đã có quyết định hoàn thuế và 5.708 tỉ đồng cho hồ sơ hoàn thuế năm 2013 chuyển sang. Năm 2015, ngân sách tiếp tục phải hoàn thuế 6.602 tỉ đồng cho các quyết định hoàn thuế đã ban hành năm 2014 và hơn 10.635 tỉ đồng cho số hồ sơ đã tiếp nhận năm 2014, nhưng chưa giải quyết do quỹ hoàn thuế GTGT cạn nguồn. Tổng số tiền hoàn thuế mà ngân sách nợ DN chỉ tính riêng năm 2014 là 17.237 tỉ đồng phải chuyển sang năm 2015 xử lý tiếp.
Ông Nguyễn Thái Sơn, Phó chủ tịch Câu lạc bộ đại lý thuế TP.HCM, cho biết đối với vấn đề chậm hoàn thuế hay chậm thanh toán tiền XDCB, DN lúc nào cũng ở thế “yếu” hơn. Theo quy định hiện nay, cơ quan thuế thực hiện hoàn thuế chậm cho DN thì phải chịu lãi suất. Quy định là vậy nhưng có bao nhiêu DN bị chậm hoàn thuế nhận được tiền lãi? Các DN chỉ mong nhận lại số tiền được hoàn là đã mừng, còn rất khó khăn để nhận được tiền lãi.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Tài chính - Công ty TNHH SX - lắp ráp cửa kính nhôm C.N.D, hiện DN bị phạt do chậm nộp thuế và mức lãi phạt hiện rất cao so lãi suất vay ở ngân hàng. “Điều này gây khó rất nhiều cho DN. Tuy nhiên, bất hợp lý hơn khi cơ quan thuế nợ hoàn thuế của DN thì không có quy định nào phạt lãi cả. Có nhiều trường hợp nợ hoàn thuế hàng tỉ đồng, ngâm từ năm nọ sang năm kia, khi hoàn được chỉ trả đúng số tiền đó, không có chế tài hay đề cập nào để đền bù thiệt hại cho DN cả. Tôi nghĩ điều này rất vô lý và bất công đối với DN”, bà Trang nhận xét.
Ông Nguyễn Thái Linh, Tổng giám đốc Công ty TNHH giấy vi tính Liên Sơn, cũng cho rằng hiện lãi phạt nộp thuế chậm có DN trước đây là 0,05%/ngày, nay tăng lên 0,07%/ngày. Tính ra mỗi tháng tiền phạt lãi lên đến 2,1%, mỗi năm lên hơn 25% là quá cao. “Phạt cao đối với DN thì cũng nên có hành động ngược lại là trả tiền phạt lãi suất cho DN khi cơ quan thuế nợ hoàn thuế DN. Theo tôi, với các trường hợp cơ quan thuế chậm làm thủ tục, cán bộ gây khó cho DN trong hoàn thuế, cũng phải có hình phạt tương đương”, ông Linh nói.
Cần hệ thống luật pháp nghiêm
Theo TS Ngô Trí Long, có thể hiểu tình trạng nợ tiền XDCB một phần lớn xuất phát từ tình hình nợ công, ngân sách các địa phương eo hẹp... Thông thường, khi nhà nước nợ DN tiền XDCB từ năm này sang tháng nọ, nếu không trả, không làm đúng như cam kết trong hợp đồng, DN có quyền kiện địa phương đó ra tòa. Song thực tế, hiếm có DN dám kiện. “Cái khó của chúng ta là luật không nghiêm, làm ăn theo mối quan hệ quen biết nhiều hơn nên tạo tâm lý DN ngại sợ nhà nước. Ở các nước phát triển, hợp đồng giữa nhà nước và DN rất minh bạch, công bằng nên hầu như không có hiện tượng này. Giải pháp hành chính nghiêm ngay cả với nhà nước là cần thiết và sớm áp dụng nếu muốn hạn chế tối đa tình trạng này”, TS Long nói.
TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright, nhận định: “Trong các hợp đồng xây dựng giữa nhà nước và DN, thường có quy định về thanh toán rất rõ ràng, nhưng nếu phía nhà nước, đơn vị chủ đầu tư, không có tiền trả cho DN, DN chấp nhận “ngậm đắng nuốt cay” mà chờ chứ không dám hó hé. Tại sao? Họ sợ đánh mất khách hàng và chính xác là mối quan hệ. Thế nên, để cho công bằng, chỉ có tự DN đứng ra kiện nhà nước nếu nhà nước vi phạm không thanh toán cho DN. Muốn vậy, chúng ta cần xây dựng hệ thống tư pháp độc lập như các quốc gia khác. Tại các nước, khi DN bị nhà nước nợ, họ kiện ngay ra tòa, và tòa xử ngay, một cách độc lập, không bị tác động từ cơ quan nào, nên thực tế, nhà nước rất sợ làm sai đối với DN hay người dân. Tiếc là hệ thống pháp luật của chúng ta chưa hoàn hảo đến mức đó”.
Tỷ trọng nợ thuế vẫn ở mức cao
Theo nguồn tin của Thanh Niên, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội (UBTC-NS) vừa kết thúc cuộc giám sát việc thực hiện các chính sách về quản lý và thu thuế giai đoạn 2011 - 2014. Theo UBTC-NS, điểm đáng ghi nhận lớn nhất với hệ thống chính sách pháp luật về thuế ngày càng được củng cố. Tuy nhiên, những hạn chế, yếu kém của ngành thuế cũng còn thể hiện trên nhiều mặt.
Kết quả giám sát cho thấy dù hằng năm cơ quan thuế đã triển khai quyết liệt nhiều biện pháp quản lý nợ, đôn đốc, xử lý thu nợ (từ năm 2011 - 2014 đã thu được 101.800 tỉ đồng số tiền thuế nợ của năm trước chuyển sang năm sau) nhưng số nợ đọng xử lý thu được chưa đảm bảo theo tốc độ tăng thu và quy mô thu NSNN ngày càng tăng, dẫn đến tỷ trọng nợ thuế do ngành thuế quản lý trên tổng thu NSNN vẫn ở mức cao, số tiền nợ tuyệt đối vẫn tăng nhanh qua các năm. Số nợ đọng thuế năm 2011 là 35.117 tỉ đồng thì đến năm 2013 đã lên tới
69.342 tỉ đồng.     
Hà Nguyễn
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.