Bất công từ trường công

14/12/2016 05:50 GMT+7

Mô hình trường công lập tiên tiến, chất lượng cao cũng như các chương trình giáo dục đặc biệt 'cộng sinh' vào trường công ngày càng bành trướng.

Không ai phủ nhận việc cần phải có những mô hình đột phá, tiên tiến để thêm cơ hội lựa chọn cho những phụ huynh, học sinh (HS) có điều kiện kinh tế trong bối cảnh nhà nước chưa thể lo cho tất cả mọi người điều kiện học tập và chất lượng giáo dục tốt như nhau.
Vấn đề chính là cách làm hiện nay không những khiến nhu cầu được học trong một môi trường giáo dục công chất lượng ngày càng khó thực hiện mà còn khoét sâu sự bất bình đẳng trong một lĩnh vực mà lẽ ra luôn cần sự công bằng.
Dù diễn đạt bằng nhiều lời hoa mỹ nhưng điểm nổi trội nhất dễ nhận thấy từ các mô hình này chính là HS phải đóng phí rất cao. Tại TP.HCM, đã có lúc học phí cao gấp 30 lần trường công đại trà. Tại Hà Nội, học phí mô hình này sẽ gấp 100 lần đại trà. Nghĩa là, yếu tố đầu tiên để vào học ở những trường này không phải là năng lực học tập mà chính là “tiền đâu”.
Điều này dẫn đến hệ lụy có những HS trước đây khi chưa có mô hình chất lượng cao, thu tiền cao, có thể vào học trường công lập này nếu đủ điều kiện điểm đầu vào thì nay buộc phải tìm trường khác vì không đủ tiền. Chính vì thế, cảm nhận rõ rệt nhất về mô hình này là trường thu phí cao còn chất lượng thì chưa thể khẳng định nếu chiếu theo điểm chuẩn đầu vào, tỷ lệ tốt nghiệp THPT, đậu ĐH…
Tại sao những mô hình, chương trình đặc biệt này chỉ chọn các trường công đã có uy tín, cơ sở vật chất tốt? Đây là những nơi trong điều kiện bình thường cũng đã thu hút sự quan tâm của phụ huynh, HS. Thực hiện trong những ngôi trường này có vô tình tước đi cơ hội học hành của những HS muốn thử sức ở đây nhưng lại thiếu điều kiện kinh tế?
Trước lo ngại này, đã từng có ý kiến đề nghị chính quyền các địa phương hoặc đầu tư xây dựng mới hoàn toàn một trường chất lượng cao, thu tiền cao để ai có nhu cầu sẽ vào học. Hoặc khuyến khích, lựa chọn các trường tư thục có tiềm năng thực hiện mô hình này. Còn nhà nước tập trung nguồn lực để tái thiết sao cho mặt bằng các trường công đều được nâng cao. Làm như hiện nay là nhập nhằng công tư, là bất công và gây nên những hình ảnh phản cảm trong giáo dục.
Nói đúng ra, chức phận của nhà nước là lo cho giáo dục quốc dân thật tử tế. Nhà nước phải toàn tâm toàn ý đầu tư vào hệ thống công lập đại trà, đảm bảo mọi người dân đều có thể tiếp cận với một nền giáo dục tốt nhất, thậm chí là miễn phí. Trong khi giáo dục đại trà vẫn còn èo uột nhưng nhà nước lại tập trung vào một mô hình mà lẽ ra hệ thống tư thục có thể làm tốt nếu tạo cho họ cơ chế, thì rõ ràng bất hợp lý.
Có gì xót xa cho bằng chỉ vì không có tiền mà nhiều HS phải chen chúc trong những phòng học ẩm thấp, nóng nực với sĩ số có khi hơn 50 người, trong khi đó những HS “con nhà có điều kiện” học ngay bên cạnh với phòng học đẹp, máy lạnh, sĩ số khoảng 30 người mà cũng là trường công! Suy cho cùng, đó là cách để tạo ra một môi trường giáo dục thiếu nhân văn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.