Nằm trên địa bàn vùng sâu của Vĩnh Long, nhưng nhờ được quan tâm nâng cao chất lượng dạy và học mà Trường tiểu học Hựu Thành B (xã Hựu Thành, H.Trà Ôn) đã thu hút nhiều học sinh xã khác đến học.
Giờ tan học ở Trường TH Hựu Thành B - Ảnh: Thanh Đức |
Yên tâm học tập
Trường tiểu học (TH) Hựu Thành B nằm sâu trong vùng đồng bào Khmer, cách chợ xã Hựu Thành gần 10 cây số, thế nhưng dân 4 xã tiếp giáp là Vĩnh Xuân, Thới Hòa, Trà Côn, Thuận Thới đua nhau đưa con em về đây học. Em Thái Gia Kiệt, học sinh lớp 2/3, nhà ở chợ Vĩnh Xuân, nói: “Mẹ gửi em học ở trường này vì trường rộng, không gian đẹp, có nhiều trò chơi, lại được ăn cơm trưa với các bạn”.
Em Phạm Gia Khang, lớp 2/2 nhà ở Vĩnh Xuân, tiếp lời: “Nhà em sát Trường TH Vĩnh Xuân nhưng ba mẹ em nói mấy anh con người bác học trường này, lên trung học đều là học sinh giỏi của tỉnh. Dù đưa đi học rất xa nhưng được học trường này ai cũng thích”. Hay như em Trần Đại Anh, lớp 4/2 nhà ở tận xã Thuận Thới cách trường 8 cây số, khoe: “Học ở trường này chúng em được giao lưu với các trường khác, lại có nhiều chương trình sinh hoạt ngoại khóa rất vui. Chúng em học ở đây rất thoải mái!”
Cô Nguyễn Ngọc Thùy, Hiệu trưởng Trường TH Hựu Thành B, cho biết: “5 năm qua, học sinh các xã lận cận về đây học khoảng 50 em/năm học. Hiện tại, có 3 lớp 1 với 69 học sinh, nhưng chỉ có 19 học sinh người địa phương, còn lại là học sinh từ các xã khác đến học. Có lẽ sức hút của trường là nhờ có nhiều câu lạc bộ (CLB) giúp các em thích thú vui đùa, say mê khám phá cho nên dù các em học nhiều nhưng không có cảm giác mệt mỏi”.
Vừa nói cô Thùy vừa đưa chúng tôi đi tham quan ngôi trường. Điều chúng tôi ấn tượng nhất là những bức tranh trên tường vẽ theo hình phim hoạt hình, truyện cổ tích. Ngoài ra, nhà trường tập cho các em thói quen đi vệ sinh xong rửa tay bằng xà phòng. Thói quen này đối với học sinh vùng sâu thật khó hình thành, nhưng tại Trường TH Hựu Thành B lại dễ thực hiện vì trong nhà vệ sinh có tranh, nhạc và hoa.
Kéo giảm cách biệt giáo dục nông thôn - thành thị
Theo cô Thùy, chính việc xây dựng được “thương hiệu” của trường đã làm cho người dân các xã tin tưởng về chất lượng giáo dục của trường. Rồi những người từng có con em học tại trường giới thiệu cho bạn bè, bà con đem con đến học lớp 1 nên học sinh cứ thế tăng dần. “Chúng tôi xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, quyết tâm kéo giảm cách biệt nông thôn - thành thị bằng cách đẩy mạnh các hoạt động ngoại khóa nhằm giúp các em hình thành kỹ năng sống, tham quan các di tích lịch sử, kết nghĩa với nhiều trường ở tỉnh lỵ như TH Hùng Vương, TH Nguyễn Du (P.1) và TH Nguyễn Huệ (P.2, TP.Vĩnh Long) để các em có thêm điều kiện giao lưu, học hỏi”.
Cô Thùy cho biết trường còn có bếp ăn bán trú. Đây là bếp ăn trưa do dự án SEQAP (nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học ở vùng khó khăn) khởi xướng. Theo đó, dự án cấp 2 suất ăn trưa vào ngày thứ hai, thứ ba cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, 18 CLB tại trường như: minh bạch, nhà sử học trẻ tuổi, yêu thơ, em là họa sĩ tí hon, tin học, toán học…. giúp các em thêm hứng thú học tập. Ông Nguyễn Ngọc Khoảng, Phó trưởng Phòng GD-ĐT H.Trà Ôn, cho biết Trường TH Hựu Thành B đã đạt chuẩn quốc gia cấp độ 2 và mới đây trường đạt kiểm định chất lượng cấp độ 3, cấp độ cao nhất trong ngành giáo dục. “Tôi không sợ “bể chuẩn” nên “bật đèn xanh” cho trường chất lượng cao thu hút học sinh. Trường nào có chất lượng thì mở rộng, trường nào yếu cho thu hẹp đó là chuyện thường.
Đất ở nông thôn dễ mở rộng, chỉ cần bổ sung vốn xây dựng cơ sở vật chất, điều quan trọng là xây dựng một trường thương hiệu như Trường TH Hựu Thành B là không phải dễ dàng. Sức hút của Trường TH Hựu Thành B là một điển hình cho thấy chất lượng giáo dục đã tạo lòng tin đối với phụ huynh. Qua đó góp phần tránh tình trạng chạy trường ở nông thôn lên thành thị”, ông Khoảng nói.
Bình luận (0)