Sau 2 lần dịch Covid-19 bùng phát, toàn ngành du lịch gần như bị hạ đo ván, nhưng ông Nguyễn Quốc Kỳ vẫn bù đầu trong hàng tá kế hoạch bởi với vị thuyền trưởng này, “Người bi quan luôn tìm thấy khó khăn trong mọi cơ hội. Còn người lạc quan luôn tìm thấy cơ hội trong mọi khó khăn”.
|
Không có màn đêm bất tận !
Vẫn giữ được bình tĩnh và lạc quan như thế này, phải chăng ông đã đạt đến “cảnh giới” của kỹ năng vượt bão, lèo lái con thuyền Vietravel vượt qua quá nhiều sóng gió?
Ông Nguyễn Quốc Kỳ: Chẳng vị thuyền trưởng nào thích bão. Ai cũng muốn trời quang mây tạnh, nhưng khi giông gió tới thì phải bình tĩnh để vượt qua và sống sót. Chưa kể, mỗi cơn bão lại có đặc thù khác nhau, không ai đủ tự tin lấy kinh nghiệm từ khủng hoảng trước để giải quyết cho khó khăn mới. Ðợt dịch này là vô tiền khoáng hậu. Cực kỳ khó khăn! Ðúng là tình hình hiện nay khá bi đát đối với ngành du lịch, nhưng có cần than vãn để nhìn nó một cách bi đát hơn không? Không phải vì Vietravel tiềm lực lớn hơn, khỏe hơn nên vượt bão dễ hơn đâu. Thuyền to thì sóng lớn, doanh nghiệp càng lớn thì chịu tác động càng mạnh. Song, một nguyên tắc đã trở thành văn hóa của Vietravel là: Khi khủng hoảng xảy ra, phải biến nó thành cơ hội. Phải tỉnh trí để suy nghĩ tìm đường ra.
Với một thực tế khá mù mịt như hiện nay, lạc quan tìm cơ hội phải chăng chỉ là lý thuyết?
Tôi không nói lý thuyết vì thực chất Vietravel vẫn đang “chạy”, đang làm rất nhiều việc.
Nhiều người hỏi tôi tại sao Vietravel giờ còn nhảy vào hàng không, còn khai sinh Vietravel Airlines trong khi cả du lịch và hàng không đều đang “ngắc ngoải”. Nếu mọi người để ý sẽ thấy, trong danh sách đăng ký thành lập doanh nghiệp của các tỉnh, thành giai đoạn vừa qua, có rất nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch. Có phải tất cả họ đều dại khi đâm đầu vào du lịch thời điểm này?
Không có doanh nhân nào khờ. Rõ ràng, thị trường đang trống, đang ở trạng thái chân không. Nếu 1 hãng hàng không thành lập trong bối cảnh thị trường đang phát triển, cạnh tranh khốc liệt thì gần như không còn khoảng hở để ngọ nguậy. Nhưng, khi thị trường đình trệ, đóng băng hết thì hãng 100 máy bay hay 2 - 3 máy bay đều như nhau. Mặt khác, thành lập doanh nghiệp ở thời điểm này thì tất cả chi phí từ mặt bằng đến nhân công, bộ máy hoạt động... rất thấp. Trong khi các “ông lớn” ngày càng co lại, lo bù lỗ thì doanh nghiệp mới chuẩn bị trong tình hình dễ dàng hơn nhiều vì chưa hình thành bộ máy, chi phí chờ thấp. Ðây rõ ràng là cơ hội.
Bản thân tôi luôn quan niệm khủng hoảng sẽ xóa bỏ mọi ranh giới thị phần. Tất cả doanh nghiệp lớn, nhỏ sẽ về chung một vạch xuất phát. Bắt đầu lại, ai nhanh sẽ thắng. Thị trường không có khách hàng trung thành, họ chỉ trung thành với quyền lợi của chính họ. Ai chuẩn bị tốt, đáp ứng nhu cầu trước thì người đó thắng.
Do đó, không có chuyện thị trường đóng băng thì Vietravel nghỉ. Vietravel đang chuẩn bị rất tích cực để có sự bật dậy sau khủng hoảng. Không có màn đêm nào là bất tận!
Du lịch an toàn
Trải qua 2 cú đánh rất mạnh từ Covid-19, ông nhìn nhận như thế nào về thị trường du lịch Việt Nam hiện nay?
Rõ ràng khi nhìn lại, chúng ta thấy ngành du lịch Việt Nam còn rất nhiều lỗ hổng.
Thứ nhất, về thị trường: Chúng ta đang đối xử với thị trường trong nước bằng thái độ không đúng, coi như cơm ăn khi đói, còn bình thường chỉ chú trọng dòng khách inbound, outbound. Khi xảy ra khủng hoảng mới thấy rằng thị trường trong nước với hơn 100 triệu dân là miếng bánh cực lớn. Với tài nguyên du lịch hiện nay, hệ thống hạ tầng hiện nay, chúng ta đủ sức tính đến một nền du lịch nội địa rất mạnh và thành công. Tuy nhiên, cũng vì chưa coi trọng đầu tư nên các bộ sản phẩm nội địa hiện quá lẻ tẻ, không có tính liên kết, không tạo ra được khả năng khơi gợi, thu hút du khách. Cần thay đổi cái nhìn về thị trường nội địa, bắt đầu chú trọng từ quy hoạch hệ thống giao thông, quy hoạch khu kinh tế, khu dân cư... phục vụ du lịch, sắp xếp thành các bộ sản phẩm, định hướng dòng khách.
Bất cập thứ hai đến từ chính sách. Trong đại dịch, có rất nhiều gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, cho người lao động được Chính phủ ban hành. Tuy nhiên độ trễ của chính sách khá lớn, phải đến nửa năm sau thì doanh nghiệp, người lao động mới có thể tiếp cận. Trong thời gian này, doanh nghiệp phải tự bơi, tự sắp xếp, cân chỉnh, phải tự xoay xở. Ðộ trễ làm cho chính sách bị hạn chế hiệu quả, không kịp thời, nhiều doanh nghiệp không còn sức để chờ, trở thành doanh nghiệp “ma”. Nói vậy để thấy, dù được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn nhưng ngành du lịch vẫn chưa được ưu tiên, quan tâm đúng mực, chính sách thiết kế riêng cho du lịch khá chậm.
|
Ông có hiến kế gì cho ngành du lịch để vượt qua cơn bão và phát triển trong giai đoạn tới?
Chính phủ đã chủ trương chuyển trạng thái tiếp cận từ “AC” (After Corona - sau dịch) sang “WC” (With Corona - sống chung với dịch), nghĩa là dịch ở đâu ngăn đó, các khu vực khác hoạt động bình thường. Ðịnh hướng này là phù hợp, giúp các doanh nghiệp có thể tồn tại, tạo môi trường để phục hồi du lịch nói riêng cũng như kinh tế nói chung. Trên tinh thần đó, Vietravel đang đề xuất thực hiện chiến dịch “Du lịch an toàn - An toàn để du lịch”.
Từ “an toàn” ở đây còn được hiểu theo nghĩa khác: doanh nghiệp du lịch cần có môi trường thuận lợi, an toàn, bền vững để có thể tồn tại và phát triển. Ðã đến lúc Chính phủ cần đánh giá lại các chính sách, định hướng ban hành trong thời gian qua đã đi vào đời sống thế nào, có hiệu quả hay còn thiếu sót, bất cập chỗ nào để thay đổi. Cần coi doanh nghiệp là đối tượng quản lý nhưng cũng là mục tiêu phục vụ. Như vậy doanh nghiệp mới có thể “an toàn”, du lịch Việt Nam mới có thể phát triển bền vững.
Những địa phương sau 2 mùa đều không có dịch cần được công bố an toàn để khách yên tâm tới du lịch. Từ đó, lập bản đồ số quốc gia về an toàn trong dịch bệnh, kết nối trực tiếp với trang web của Bộ Y tế, phân rõ khu vực an toàn/có ca bệnh/có ca lây nhiễm theo từng màu để khách biết rõ nơi nào mình có thể đi du lịch. Phải có chỉ dẫn chính thức phục hồi từng địa phương an toàn.
|
Bình luận (0)