Cũng như tất cả mọi người VN, tôi hiểu rằng, ước mơ trở thành một quốc gia hùng cường trên thế giới chỉ có thể thực hiện được khi chúng ta có một nền giáo dục đủ để nâng tầm dân tộc.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã được nhiều người Mỹ ủng hộ nhiệt tình khi ông tiến hành công cuộc "cải cách" giáo dục nước Mỹ bằng một chương trình mang tên Cuộc đua lên đỉnh, khởi động vào năm 2009. Nước Mỹ muốn bằng những thay đổi trong việc thi cử, trách nhiệm giải trình xã hội và lựa chọn sẽ đưa nước này thành một quốc gia đứng đầu về giáo dục để tiếp tục duy trì vị trí số một về kinh tế, quân sự trên thế giới. Trong khi đó, một quốc gia nhỏ hơn, chỉ chưa bằng 1/70 dân số Mỹ, có tổng thu nhập nhập quốc dân thấp hơn Mỹ lại đang đứng vị trí số 1 thế giới về giáo dục phổ thông. Đó là Phần Lan.
Bài học về sự phát triển của Phần Lan trong lĩnh vực giáo dục làm chúng ta phải suy nghĩ. Trong cuốn Bài học Phần Lan 2.0 (Finnish Lesson 2.0), Pasi Sahlberg đã lý giải sự thành công của giáo dục Phần Lan là ở chỗ Phần Lan đã làm khác so với nhiều quốc gia. Đó là "phát triển đội ngũ giáo viên, hạn chế việc thi cử đến mức tối cần thiết, đặt trách nhiệm và lòng tin lên trên trách nhiệm giải trình, đầu tư vào công bằng giáo dục, giao việc lãnh đạo cấp trường và cấp quận huyện cho các chuyên gia giáo dục có kinh nghiệm".
Chúng ta đang "đổi mới" căn bản và toàn diện giáo dục, bài học của Phần Lan có thể hữu ích.
Tại phiên họp Quốc hội đang diễn ra, các đại biểu đã nêu những con số thống kê, chúng ta có tới gần trăm cơ sở đào tạo giáo viên mầm non, phổ thông, bao gồm 14 trường đại học sư phạm, một trường đại học giáo dục, 30 khoa sư phạm trong các trường đại học đa ngành; 33 trường cao đẳng sư phạm; 17 khoa, ngành sư phạm trong các trường cao đẳng đa ngành và 2 trường trung cấp sư phạm. Quả là quá nhiều cơ sở đào tạo giáo viên và cái mà các đại biểu than phiền chính là hậu quả của nó: thừa cử nhân sư phạm.
Chúng ta nói nhiều đến truyền thống tôn sư trọng đạo, đến “hưng sư vinh quốc” nhưng thu nhập của giáo viên hiện thuộc hàng thấp trong xã hội.
Trở lại với ví dụ Phần Lan, lương giáo viên cao hơn mức trung bình của xã hội 10%, vì thế ở đất nước này, chỉ những con người giỏi nhất, ưu tú nhất mới học trong các trường sư phạm. Muốn hành nghề dạy học, họ phải được đào tạo ở trình độ thạc sĩ, mất 5 năm.
Cần phải đổi mới giáo dục ngay từ việc đào tạo người thầy. Việc quy hoạch lại các trường sư phạm trong cả nước, tập trung nguồn lực cho đào tạo giáo viên phải là những ưu tiên ngay tức khắc mới mong có được các trường sư phạm thực hiện tốt việc đào tạo, gắn đào tạo với sử dụng. Tiếp theo phải mạnh dạn đổi mới các trường sư phạm, làm sao cho những người được đào tạo phải là những nhà giáo giỏi, biết xây dựng kế hoạch giảng dạy, thành thạo các phương pháp dạy học, cùng học sinh tổ chức việc học trong nhà trường mà không phụ thuộc vào bất cứ điều kiện nào. Những giáo viên tốt nghiệp từ các trường sư phạm phải được học sinh, phụ huynh và xã hội tín nhiệm, sẵn sàng đồng hành vì sự nghiệp giáo dục nước nhà.
Thu hút đội ngũ những người giỏi theo học trong các trường sư phạm bằng chính sách thu nhập của giáo viên, hỗ trợ học phí sinh viên sư phạm, tăng cường cơ sở vật chất cho các trường sư phạm...
Đào tạo được các thầy cô giỏi, tin yêu học sinh, tận tâm với giáo dục nước nhà mới hy vọng có được một nền giáo dục tốt, làm thay đổi vận mệnh quốc gia!
Bình luận (0)