Đâu đó, vẫn xuất hiện những hành vi không đẹp trong mối quan hệ giữa thầy trò...
Người thầy trong bối cảnh mới cần những điều gì để nuôi dưỡng niềm tin cho học trò, để góp phần kiến tạo một nền giáo dục tử tế? Trước những trăn trở này, bắt đầu từ số báo hôm nay, Thanh Niên mở diễn đàn Mong ước gì về thầy cô? với hy vọng phần nào phác họa nên chân dung nhà giáo của thời kỳ mới.
Giúp học sinh sống cuộc đời chính mình
Sứ mệnh của giáo dục là phát triển trí tuệ của từng học sinh để tất cả đều phát huy được hết sở trường của mình. Để làm được điều này, ngoài cơ chế quản lý giáo dục, điều kiện về sĩ số... giáo viên còn phải có năng lực sư phạm cao.
Mọi học sinh đều thông minh !
Theo quan niệm hiện đại, mọi học sinh (HS) đều thông minh. Trí thông minh của HS rất đa dạng - ngôn ngữ, toán học, âm nhạc, vận động, không gian, giao tiếp, nội tâm, tự nhiên học... Mỗi một HS có đầy đủ các trí thông minh nêu trên nhưng thể hiện ở từng HS lại khác nhau. Hay nói cách khác, trong một lớp học, không phải các HS đều thông minh như nhau nhưng chắc chắn tất cả đều thông minh.
Quan niệm trên trái ngược với những sai lầm trong giáo dục như quá coi trọng những "môn học chính" như toán, văn, ngoại ngữ... mà coi nhẹ những "môn phụ". Nhiều giáo viên nhìn nhận những HS không theo kịp chương trình học tập là "không học được", "học mãi thì cũng chỉ thế thôi"... Họ quy kết do năng lực, trí thông minh yếu kém, tiếp thu chậm cho những HS này. Thực tế thì những HS đó chỉ là sản phẩm, nạn nhân của một nền giáo dục yếu kém.
Như Báo Thanh Niên đưa tin, kỷ lục gia thế giới Dương Anh Vũ, 28 tuổi, có khả năng nhớ 108 hệ thống dữ liệu thống kê toàn cầu với 22.248 mục, trong đó chứa 41.725 con số, 18.725 mục dữ liệu chữ. Hồi học phổ thông, Vũ là HS yếu và phải thi lại vào các năm lớp 2, 4, 6, 7, 8, 9, do điểm thi tốt nghiệp thấp quá nên không có trường THPT nào nhận vào học và phải xuống học bổ túc... Vào những năm cuối THPT, nhờ nỗ lực và niềm đam mê chinh phục tri thức, Vũ đã đậu vào ĐH Quốc gia TP.HCM. 4 năm sau, Vũ nhận học bổng du học thạc sĩ ở New Zealand.
tin liên quan
Những ký ức đẹp về người thầyDù đã ra trường bao nhiêu năm, trở thành những kỹ sư, bác sĩ, giám đốc, trưởng phòng... nhưng bao thế hệ học trò vẫn không thể quên hình ảnh một người thầy phạt trò mà rưng rưng nước mắt, một cô giám thị “hắc xì dầu” nhưng rất thương đám học sinh...
Không dạy kiến thức mà dạy tư duy
Phát triển tư duy là một chức năng cơ bản của giáo dục mà không phải là hình thành kiến thức, kỹ năng. Khi có tư duy tốt, HS có khả năng chiếm lĩnh tri thức, hình thành kỹ năng một cách thuận lợi, nhẹ nhàng.
Giáo dục hiện nay quá chú trọng đến việc hình thành kiến thức "hàn lâm", yêu cầu HS học thuộc lòng, luyện các dạng bài tập khác nhau một cách máy móc... Thực tế cho thấy, những kiến thức bị áp đặt, thuộc lòng, những kỹ năng được hình thành máy móc nhanh chóng bị lãng quên theo thời gian, gây một áp lực nặng nề, quá tải cho trí não và việc học tập của HS. Học lực của HS bị giảm sút theo thời gian một phần lớn là do bị nhồi nhét kiến thức, phải học thuộc lòng quá nhiều.
|
Phát triển năng lực, phẩm chất học sinh
Những kiến thức, kỹ năng, thái độ mà nhà trường hình thành ở HS sẽ trở thành giá trị cá nhân và biến thành năng lực, phẩm chất của từng HS. Năng lực, phẩm chất giúp HS "sống" với cuộc đời đúng với chính mình mà không phải là sự "vay mượn" từ bên ngoài (nhiều lúc là giả tạo).
Lối dạy học nhồi nhét kiến thức không chỉ làm cùn trí tuệ, tư duy của HS mà còn biến HS thành những người lạc lõng với cuộc sống. Bây giờ, rất nhiều giáo viên dạy HS chỉ trong khuôn khổ sách giáo khoa, ít liên hệ thực tế, các tiết học hầu như chỉ diễn ra trong khuôn khổ bốn bức tường lớp học...
Giáo dục tiên tiến phải gắn mỗi bài học với thực tiễn cuộc sống, giúp HS nhìn nhận thế giới xung quanh dưới con mắt khoa học, dùng kiến thức và kỹ năng để giải quyết các vấn đề cuộc sống, cải thiện cuộc sống của mình, gia đình và cộng đồng theo chiều hướng tốt đẹp hơn... Do đó, nhiều tiết học phải được tiến hành tại môi trường xã hội thực, tăng cường các hoạt động ngoại khóa để HS được trải nghiệm nhiều hơn, nhất là trải nghiệm thực tiễn, được tham quan, lao động, tham gia các hoạt động xã hội nhiều hơn, được sống bằng hơi thở của cuộc sống hằng ngày.
Ý kiến:
Mong thầy cô... cười nhiều hơn
Ngày còn nhỏ, em nhớ mỗi lần đến lớp rất vui vì thầy cô như mẹ hiền, quan tâm, hỏi han từng tí một làm cho em có cảm giác gần gũi và thân thiện. Nhưng hình như tụi em càng lớn, sự quan tâm của thầy cô càng nhạt nhòa đi. Mỗi ngày lên lớp, thầy cô chỉ cố làm sao để dạy được thật nhiều và truyền tải thật nhiều kiến thức cho học trò mà quên mất nụ cười thân thiện vốn có. Vì thế tiết học trở nên căng thẳng, nặng nề. Thay vào đó, trước mỗi buổi học thầy cô có thể dành ra vài phút hoặc thậm chí một phút chỉ để trò chuyện vài chủ đề bâng quơ cũng được, rồi nở vài nụ cười thân thiện thì em nghĩ sẽ tốt hơn rất nhiều. Nhìn mặt thầy cô vào lớp mà nghiêm túc quá tụi em cũng sợ.
Nguyễn Thị Kim Ngân
(HS Trường TH-THCS-THPT Vạn Hạnh TP.HCM) Đúng chuẩn mực một người thầy
Thời buổi hiện nay em thấy báo chí rồi các kênh truyền thông thường hay đăng tin về những người thầy lợi dụng để xâm hại, quấy rối HS, sinh viên. Chính điều này làm băng hoại giá trị của một người thầy, khiến cho tụi em có cái nhìn không tốt hay bắt đầu có cảm giác dè chừng với thầy cô. Chỉ mong mỗi thầy cô, những người đáng kính nhất sẽ đi đúng theo chuẩn mực của một người làm thầy.
Trần Thị Trúc Thu
(Sinh viên Trường ĐH Y Dược Huế) Phát huy được cá tính của mỗi HS
Tôi có hai bé đang tuổi tiểu học, mỗi bé lại có một cá tính riêng, đứa thì sôi nổi nhưng hời hợt, đứa thì trầm tính nhưng sâu sắc. Tôi rất mong mỗi một người thầy phải có phương pháp dạy nào đó để phát huy được cá tính cũng như tố chất riêng của mỗi học trò.
Cao Văn Đức
(Phụ huynh ngụ Q.6, TP.HCM) Có kỹ năng ứng xử với nhiều tình huống
Có những giáo viên chưa biết kiềm chế cảm xúc, ứng xử hợp lý khi học trò cãi lại, hoặc có những hành động chưa chuẩn trong những giờ lên lớp. Vì thế giáo viên thời hiện đại, ngoài nghiệp vụ sư phạm, cần bổ sung cho mình thật nhiều kỹ năng để thích ứng với mọi tình huống.
Nguyễn Ngọc Duy
(Chuyên gia tâm lý tại TP.HCM) Đừng “ém” kiến thức lại
Ngày xưa mình đâu có học thêm học bớt gì đâu mà vẫn giỏi, vẫn hiểu hết bài. Còn bây giờ thấy con đi học về mà có nhiều kiến thức vẫn không biết gì hết. Rồi hỏi ba hỏi mẹ, nhưng đâu phải ba mẹ nào cũng cập nhật hết được các phương pháp dạy và học mới để mà dạy lại cho con. Mà cha mẹ dạy không được lại phải cho con đi học thêm. Vậy chỉ mong các thầy cô dạy sao cho học trò hiểu ngay trên lớp chứ đừng “ém” kiến thức lại để rồi học trò phải học thêm.
Trần Thị Lệ
(Phụ huynh ngụ tại Q.10, TP.HCM) Đọc ít lại, giảng nhiều hơn
Trước đây thì rèn chữ đẹp còn từ khi đi học đại học tụi mình lại phải tập viết nhanh. Giảng viên giảng thì ít mà đọc chép lại nhiều, tụi mình cứ giống như con nít lớp 1 vậy đó. Giảng viên đọc cho chép còn tụi mình về nhà nhiệm vụ là học thuộc lòng để đi thi. Cứ học như thế này thì vừa ngán lại vừa không có hiệu quả.
Nguyễn Thị Lệ Huyền
(Sinh viên Trường ĐH Khoa học Huế) Nữ Vương - Xuân Phương (ghi)
|
Bình luận (0)