Bắt đầu từ vỉa hè

06/03/2017 06:27 GMT+7

“Hơn 180 quán bia vỉa hè thì có hơn 150 quán có công an đứng đằng sau. Phải có chống lưng thì mới dám bán công khai. Tôi đã điều tra rất kỹ, 87% các quán có công an đứng sau”; “Các chủ tịch quận, phường ngồi đây có dám cam đoan với tôi các bãi gửi xe không có người thân của ông chủ tịch, bí thư phường làm không? Tôi xin cam đoan là có”...
Các thông tin trên được ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, đưa ra để lý giải tại sao nhiều năm qua, việc xử lý, chấn chỉnh trật tự vỉa hè ở thủ đô thất bại. Vỉa hè vẫn bị chiếm cứ, khiến người dân không còn lối đi bộ để đem lại lợi ích cho một nhóm người được “đứng sau”, được “chống lưng” bởi cán bộ công an, hoặc là “người thân” của một quan chức.
“Đứng sau”, “chống lưng” hay “người thân” là các biểu hiện câu kết mang tính lợi ích nhóm. Thực trạng này không chỉ tồn tại ở vỉa hè, mà đang len lỏi trong nhiều lĩnh vực, đe dọa sự phát triển của đất nước, cướp đi quyền lợi chung.
Đó là ngành y tế có mối nguy “biến của công thành... của ông”, khi việc xã hội hóa một số dịch vụ ở bệnh viện công có dấu hiệu bị lợi dụng biến thành lợi ích nhóm. Đó là trong hoạt động của khối doanh nghiệp nhà nước, có dấu hiệu tài sản nhà nước bị thất thoát bởi sự câu kết “bùa phép” khi cổ phần hóa, hay các trò “bày vẽ” đầu tư ngoài ngành thiếu hiệu quả gây thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng như nhiều vụ án đã xảy ra. Đó là vấn đề tổ chức cán bộ có những trường hợp đáng ngờ về việc bổ nhiệm người thân giữ các chức vụ quan trọng, với các điển hình thăng quan tiến chức “thần tốc”. Đó còn là chuyện “uốn đường thẳng thành cong” vì lợi ích của một vài quan chức hoặc doanh nghiệp, dẫn đến quy hoạch đô thị bị xáo trộn... Những chuyện vừa nêu khiến người dân không chỉ mất lối đi bộ, mà còn phải trả nhiều tiền hơn cho các dịch vụ y tế, phải è cổ gánh vác nợ công được vay để bù vào các khoản thua lỗ…, còn người tài phải nhường chỗ cho một số cá nhân “có gốc”. Cứ thế, sự phát triển của đất nước bị cản trở, quyền lợi chung bị khuynh đảo bởi các phe nhóm.
Tất cả những vấn đề này cần được giải quyết tận gốc rễ. Chính vì thế, việc đảm bảo trật tự vỉa hè, lòng lề đường nói riêng cũng phải được xử lý căn cơ là dẹp bỏ tình trạng “đứng sau”, “chống lưng”, “người thân”. Với những thực trạng ở Hà Nội, sau khi ông Nguyễn Đức Chung đã “chẩn mạch” đúng thì còn cần phải có phương pháp đủ mạnh để “dứt bệnh”. Đó là không chỉ xử phạt những người vi phạm, mà còn phải xử lý “đích danh từng chỗ, chỗ nào của bí thư, chủ tịch quận, phường, chỗ nào của trưởng công an quận, phường, kể cả người nhà lãnh đạo sở cũng có...”, như ông đã phát biểu. Ai sai cũng phải xử lý, chứ không chỉ “xem xét một vài đồng chí”.
Và mọi việc, hy vọng sẽ được nhân rộng ở nhiều lĩnh vực hơn, không chỉ trong câu chuyện vỉa hè.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.