“Bật đèn xanh” gây nuôi động vật hoang dã

25/03/2011 23:35 GMT+7

Dù bị cấm, nhưng hiện tại việc săn bắt động vật hoang dã (ĐVHD), quý hiếm vẫn diễn ra ngang nhiên. Trong khi sự xuất hiện của hàng ngàn trại nuôi nhốt ĐVHD tự phát buộc cơ quan quản lý phải tìm một cách thức mới trong việc bảo vệ, bảo tồn các loài thú quý hiếm.

Nguy cơ tuyệt chủng

Đây là những vấn đề được mổ xẻ tại hội thảo “Nhân nuôi, phát triển bền vững ĐVHD” tổ chức tại TP.HCM ngày 25.3.

Một thực tế nhức nhối là hiện nay, tài nguyên ĐVHD, quý hiếm ngày càng suy giảm nghiêm trọng. Đơn cử tại VN, 10 năm trước, loài hổ ước tính còn khoảng 300 cá thể, nhưng đến nay có lẽ chỉ còn chưa đầy 30 cá thể sống rải rác trong rừng sâu. Vào thập niên 90 của thế kỷ trước, voi ở VN ước khoảng 1.000 cá thể nhưng đến nay chỉ còn khoảng chưa đến 200 con. Ngay như voi thuần dưỡng ở Tây Nguyên đến nay cũng còn rất ít. Theo GS-TS Lê Vũ Khôi - Phó chủ tịch Hội Động vật học (ĐVH) VN, so sánh số loài thú có trong sách đỏ VN năm 1992 và 2007 đã có sự thay đổi lớn, trong đó tăng thêm 4 loài thú đã tuyệt chủng, 1 loài đã tuyệt chủng ngoài tự nhiên và 12 loài rất nguy cấp.

 
Hổ được nuôi ở nhà ông Ngô Duy Tân (Bình Dương) - Ảnh: Ngọc Hải

Nuôi nhốt tràn lan

GS-TS Mai Đình Yên, Phó chủ tịch Hội Sinh thái học VN phân tích: “VN đã đồng tình cam kết thực hiện Công ước quốc tế về đa dạng sinh học và Công ước quốc tế về buôn bán các loài động thực vật bị đe dọa tuyệt chủng. Thực chất nội  dung của 2 công ước này không hề chống việc phát triển nuôi ĐVHD mà chỉ yêu cầu bảo tồn được các loài có nguy cơ tuyệt chủng, không làm xấu hơn”.

Quy định không cho phép, nhưng thực tế hiện nay cả nước đã có hàng ngàn trang trại gây nuôi ĐVHD tự phát, không quản lý được. Chỉ riêng tại TP.HCM đã có hàng trăm hộ nuôi ĐVHD. Thống kê của Chi cục Kiểm lâm TP.HCM cho thấy, toàn TP có 4 doanh nghiệp và 55 hộ nuôi cá sấu, 64 hộ nuôi nhím, 80 đơn vị và hộ gia đình nuôi gấu, 11 hộ nuôi rắn, 48 hộ nuôi heo rừng, 5 hộ nuôi rùa, 9 hộ nuôi kỳ đà, 6 hộ nuôi khỉ đuôi dài, 4 DN nuôi bò sát lưỡng cư với số lượng lên đến 500.000 con gồm kỳ tôm, tắc kè, bò cạp, cóc, nhái… Ông Nguyễn Hữu Hưng - Trưởng phòng Thanh tra - Pháp chế (Chi cục Kiểm lâm TP.HCM) cho biết: “Đến nay mới chỉ có cá sấu, ba ba, trăn, rắn, heo rừng là đã được cấp giấy xác nhận tiêu thụ thương phẩm, còn lại vẫn đang trong quá trình nhân giống. Các hộ nuôi đều mong muốn mở rộng phong trào hơn nữa để cung cấp cho nhu cầu của thị trường, mở rộng xuất khẩu và có cửa hàng chính thức”. Ông Đỗ Gia Tùng - Thư ký Hội ĐVH VN nhận định: “Việc nuôi ĐVHD của dân là tự phát, còn thiếu các cơ sở pháp lý và hệ thống phả hệ cho mỗi loài nên khó chứng minh được nguồn gốc và nếu bán sẽ dễ bị phạm pháp”. Theo ông Tùng, Nhà nước cần có định hướng, hướng dẫn cụ thể cho các chủ trang trại nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng của họ. Một khi việc nhân nuôi ĐVHD được thừa nhận hợp pháp thì sẽ góp phần thỏa mãn thị trường, trực tiếp làm giảm áp lực cho việc khai thác tài nguyên trong rừng trái phép và góp phần vào công tác bảo tồn.

GS Đặng Huy Huỳnh - Chủ tịch Hội ĐVH VN, cũng đồng tình: “Ở nhiều nước trên thế giới, chăn nuôi ĐVHD đã trở thành ngành sản xuất hàng hóa thật sự, mang lại rất nhiều lợi ích kinh tế. Tuy nhiên, việc nhân nuôi các loài ĐVHD tại VN đến nay còn mang tính tự phát, chưa thực hiện đúng hướng dẫn, hình thức nuôi nhốt chưa phù hợp và không đáp ứng yêu cầu an toàn dịch bệnh, chuồng trại. Vì vậy, chúng tôi đề nghị các cơ quan quản lý nên hướng dẫn quy trình cụ thể, quy định các danh mục được phép gây nuôi, kinh doanh và góp phần vào mục tiêu bảo tồn”.

Quang Thuần

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.