Hội nghị thượng đỉnh hai ngày ở Samara (Nga) diễn ra trong bối cảnh giữa Nga và một số nước thành viên EU đang tồn tại hàng loạt bất đồng. Các lãnh đạo Nga và EU đã tập trung thảo luận một loạt chủ đề từ các quan hệ song phương, năng lượng, thuế quan, tiến trình Nga gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) cho đến các vấn đề quốc tế như quy chế tương lai cho Kosovo...
Theo giới chức tham dự hội nghị, Tổng thống Nga V.Putin và phái đoàn EU do Thủ tướng Đức A.Merkel, hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, dẫn đầu chưa tìm được giải pháp thỏa đáng cho các tranh cãi về vấn đề năng lượng, thương mại và an ninh. Theo AP, ngay từ đầu, Chủ tịch Ủy ban châu u J.Barroso cũng đã tỏ thái độ bi quan: "Thật tình mà nói, tôi không hy vọng bất cứ điều gì ngoạn mục từ hội nghị này".
Ngay trước thềm hội nghị, quan chức hai bên vẫn chưa thống nhất được vấn đề về hiệp định quan hệ đối tác và hợp tác mới giữa Nga và EU. Hiệp định hiện hành sẽ hết hiệu lực vào cuối năm nay, song các cuộc đàm phán để ký kết hiệp định mới vẫn chưa thể bắt đầu do sự phản đối của Ba Lan, một thành viên EU, nhằm trả đũa việc Nga cấm nhập khẩu thịt của nước này. Trước vấn đề trên, EU đã kêu gọi Nga dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu thịt của Ba Lan. Theo phát ngôn viên của Điện Kremlin D.Peskov, phía Moscow đã sẵn sàng nhượng bộ và đang đợi một động thái tương tự từ Warsaw.
Hội nghị lần này cũng bị phủ bóng đen bởi căng thẳng quan hệ Nga-EU do bất đồng trong một loạt vấn đề như việc chính quyền Estonia (một thành viên EU) di dời tượng đài tưởng niệm Chiến sĩ Hồng quân Liên Xô ở thủ đô Tallinn, quy chế tương lai cho Kosovo và việc Nga có thể ngừng thực thi Hiệp ước các lực lượng vũ trang thông thường ở châu u... Giới chức Estonia và Ba Lan từng đề cập đến việc hủy hội nghị thượng đỉnh Samara nhưng Đức đã bác bỏ vì cho rằng việc duy trì mối quan hệ kinh tế và chính trị với Nga là rất quan trọng.
Hai bên cũng tranh cãi về vấn đề năng lượng. Nga cung cấp 1/4 lượng dầu mỏ và hơn 2/5 khí đốt cho châu u nhưng nhiều nước EU hiện đang lo ngại về sự phụ thuộc quá nhiều vào nguồn năng lượng từ Moscow. Mối lo ngại này càng tăng cao sau khi Nga tạm ngưng cung cấp khí đốt cho Ukraine và Belarus vào các năm 2006 và 2007, dẫn đến việc thiếu nguồn cung cho hàng loạt nước châu u. EU đã yêu cầu Nga tạo sự công bằng cho các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận nguồn dầu và khí đốt của Nga nhưng đã bị Điện Kremlin từ chối.
Trước lớp lớp vấn đề trên, Hội nghị thượng đỉnh Nga-EU hầu như không đạt được một sự đột phá nào ngoài việc giúp hai bên có cơ hội ngồi lại để cùng nhận ra những bất đồng còn tồn tại nhằm tìm hướng ra.
Châu Yên
Bình luận (0)