Nhà văn Tống Phước Bảo nhắn nhủ người trẻ: "Mỗi trái tim đều có một tổ quốc. Mỗi tổ quốc đều có một Quốc ca" |
X.P |
Đó là một kí ức mà muôn triệu người Việt khắc ghi. Trận chung kết giải U.23 châu Á năm 2018 giữa Việt Nam và Uzbekistan. Giữa cơn mưa tuyết trắng xóa, Thường Châu âm 2 độ, tiếng nhạc vang lên, những cầu thủ đặt tay lên ngực và hát.
Trên các khu khán đài B, C, D nhuộm đỏ màu cờ sắc áo Việt Nam, cũng ngần ấy con người đứng nghiêm trang và hát. Dưới khu vực Ban huấn luyện, ngài Park Hang-Seo dù không biết tiếng Việt, vẫn đặt tay lên ngực một cách thành kính.
Bài Quốc ca hào hùng vang giữa cái lạnh căm căm, màn mưa tuyết trắng. Bài Quốc ca vang xa dữ dội hơn bởi lòng tự hào của tất cả những người Việt Nam có mặt khi ấy. Tại sân vận động Mỹ Đình, tại các khu vực trực tiếp bóng đá công cộng ở Việt Nam khi đó, Quốc ca được hát vang rền, nghiêm cẩn và đầy sự tự tôn của một dân tộc đã đi qua rất nhiều thăng trầm để có những bước phát triển như hôm nay.
Khoảnh khắc đó, tất cả người Việt đều chung lòng “Tiến lên, cùng tiến lên”. Tôi tin, khi ấy, trong tim mọi người đều có một tổ quốc.
Có một lần tôi được dịp hợp tác cùng một tập đoàn nông nghiệp của Thái Lan ở Việt Nam, khi đến trụ sở công ty họ ở Biên Hòa (Đồng Nai) vào sáng sớm thứ hai. Ngay trước giờ vào làm việc, ban lãnh đạo người Thái đã cùng đứng ngoài sân để chào cờ với những nhân viên người Việt.
Khi tiếng nhạc vang lên, chúng tôi nghiêm trang hát. Kì lạ là cả ban lãnh đạo của họ cùng hát theo. Khi tìm hiểu tôi mới biết, chào cờ vào mỗi sáng thứ hai đầu tuần là qui định của công ty, do chính ban lãnh đạo đề xuất thực hiện. Bất cứ một người Thái nào khi sang Việt Nam nhận công tác đều phải học thuộc lời bài Quốc ca Việt Nam. Đó là thứ tiếng Việt đầu tiên họ được dạy trên mảnh đất này.
Tháng 4.2020, tôi từng cùng một đoàn 40 người cất cao tiếng hát của bài Quốc ca giữa anh linh của 14.000 chiến sĩ hy sinh tại mặt trận Lò Gò – Xa Mát. Một buổi trưa lộng gió của vùng biên giới Tây Nam. Mùi khói nhang tỏa khắp khu rừng. Có những người có tuổi tên, có những người vẫn chưa xác định được. Chúng tôi hát và khóc ngon lành bởi câu hát: “Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước”.
Đoàn chúng tôi người già nhất cũng hơn 70 tuổi, người trẻ nhất mới vừa hơn 20 tuổi. Tôi tin, bất cứ người Việt nào, cũng sẽ bật khóc khi đến với những hy sinh anh dũng này. Bởi lẽ giản đơn, để có một cuộc sống bình an hôm nay, đó là chúng ta thụ hưởng từ một sự chiến đấu mà máu và nước mắt năm xưa cần được trân quí và nghiêm cẩn cúi đầu. Bài hát Quốc ca cũng chính là một sự tri ân của những anh linh, của những hồn thiêng trên đất nước mình.
Nhắc lại những câu chuyện này, để thấy bài Quốc ca không phải một hình thức chào cờ, để ai muốn chào thì đứng lên chào, ai không muốn thì ngồi. Mà nó mang một sứ mệnh của dân tộc, lòng tự hào, sự tri ân và là văn hóa ngoại giao. Không riêng đất nước Việt Nam, mọi đất nước trên thế giới đều có Quốc ca và đều được tôn trọng như một tri thức bất dịch trong chính mỗi con người.
4 cô gái 'bất động' trong khi mọi người cùng đứng dậy hát Quốc ca đã khiến dư luận phẫn nộ |
ẢNH CHỤP MÀN HÌNH |
Câu chuyện 4 cô gái không hát Quốc ca giữa một hội trường đang khiến cộng động mạng dậy sóng với nhiều bức xúc, một lần nữa chứng tỏ mạng xã hội không chỉ là ảo mà ở đó cảm xúc con người được thể hiện rất thực.
Cần phải khẳng định không một người Việt nào không biết đó là bài hát Quốc ca. Chúng ta được tiếp cận bài hát từ những ngày học mẫu giáo cho đến thời sinh viên. Mà kể cả khi chưa thuộc hay nhớ giai điệu thì hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng và toàn thể mọi người đứng lên cũng phải khiến 4 cô gái trẻ chọn cách hành xử lịch sự như thông lệ là đứng lên và nghiêm chỉnh.
Khoác một bộ váy áo sang trọng, trang điểm đẹp đẽ thế nhưng sự bàng quan với bài Quốc ca cho thấy đó là một sự vô tri và vô cảm với chính quê hương mình. Bài Quốc ca khó hát thế sao? Hay chính các cô gái không mang trong tim mình một Tổ quốc?
Mỗi trái tim đều có một Tổ quốc. Mỗi Tổ quốc đều có một Quốc ca!
Bình luận (0)