Bất đồng quan điểm về công ty tổ chức giải đấu

23/10/2011 22:48 GMT+7

Diễn tiến xung quanh việc thành lập Công ty tổ chức giải đấu VPF (VJSC) đang có thêm nhiều tình tiết nóng và mới đây, Bộ VH-TT-DL đã có mong muốn “lái” tổ soạn thảo đi theo hướng khác so với kế hoạch ban đầu.

Bất đồng quan điểm thành lập VPF sẽ làm cho V-League mùa tới chưa biết ai điều hành - Ảnh: Hoàng Anh

Diễn tiến xung quanh việc thành lập Công ty tổ chức giải đấu VPF (VJSC) đang có thêm nhiều tình tiết nóng và mới đây, Bộ VH-TT-DL đã có mong muốn “lái” tổ soạn thảo đi theo hướng khác so với kế hoạch ban đầu.

Vào giữa tuần trước, lãnh đạo Bộ VH-TT-DL cùng một số ban chức năng đã có cuộc làm việc với Tổng cục TDTT, LĐBĐ VN (VFF) về quy trình thành lập công ty. Ông Nguyễn Trọng Hỷ - Chủ tịch VFF nói: “Bộ đã thành lập hẳn Hội đồng thẩm định đề án với thành viên là những người có nhiều kinh nghiệm về việc chuyển đổi các mô hình doanh nghiệp (DN) thể thao. Hội đồng đã đưa ra định hướng nên chuyển mô hình thành trách nhiệm hữu hạn (TNHH), và đây như một kênh tư vấn quan trọng để chúng tôi nghiên cứu cho ra đời một công ty điều hành các giải đấu một cách hiệu quả nhất ”.

Không dám cổ phần vì sợ “một số bất trắc có thể xảy ra”?

Ông Vương Bích Thắng - Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT cho biết: “Hiện tại, chúng tôi chưa trình lên Bộ đề án công ty vì còn phải xem xét thấu đáo thêm rất nhiều vấn đề. Sở dĩ Bộ có ý kiến không nên xây dựng công ty tổ chức giải theo dạng cổ phần (CTCP) mà nên chuyển thành công ty TNHH vì đề phòng một số bất trắc có thể xảy ra sau này”. Bộ cho rằng, theo quy định của pháp luật VN cũng như quy định của FIFA, VFF chịu trách nhiệm trước Nhà nước quản lý các hoạt động của bóng đá VN và V-League hay giải hạng nhất thuộc quyền sở hữu chung của VFF. Nếu ở dạng CP, liệu chẳng may có thời điểm, VFF bị giảm CP hoặc không còn CP tại công ty nữa thì vai trò của VFF sẽ hoàn toàn bị “teo tóp”, thậm chí bị triệt tiêu và như vậy đã làm trái với luật pháp cũng như điều lệ FIFA. Hoặc trong tương lai, giả dụ “bi kịch” xấu nhất là công ty bị phá sản thì nếu là CTCP sẽ để lại hậu quả lớn hơn so với công ty TNHH (chỉ chịu trách nhiệm trong khuôn khổ vốn pháp định ban đầu). Thêm nữa, khi huy động vốn, nếu là CTCP sẽ có quyền bán cổ phiếu ra ngoài và bất kỳ cổ đông nào cũng là chủ của DN. Như vậy việc quản lý công ty mang tính đặc thù là tổ chức giải đấu sẽ trở nên rất phức tạp, mang tính rủi ro rất cao.

Nếu cứ dùng dằng không quyết ngay thì tôi e rằng sẽ làm chậm tiến trình thành lập công ty. Và nếu cứ sợ rủi ro, sợ phá sản thì không bao giờ công ty có thể ra đời, và có ra đời cũng không làm được gì với tâm lý kém cỏi như thế

Ông Hoàng Mạnh Trường - Chủ tịch CLB The Vissai Ninh Bình

Quan điểm của Bộ VH-TT-DL hoàn toàn trái ngược với sự thống nhất giữa chính VFF và các ông bầu về hình thức tồn tại của CTCP. Nếu chuyển sang công ty TNHH sẽ không có đại hội cổ đông và không có HĐQT mà điều hành V-League sẽ là ban giám đốc. Ông Hỷ nói tiếp: “Theo cách hiểu của tôi, có thể Bộ quan ngại, nếu là CP, công ty sẽ “ôm” nhiều hoạt động khác, trong khi mục đích quan trọng nhất là tổ chức tốt giải đấu”.

Cả ông Vương Bích Thắng và ông Nguyễn Trọng Hỷ đều nhắc lại ý kiến của Chủ tịch CLB Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức về việc sau này sẽ đưa công ty lên sàn chứng khoán hoặc tổ chức các sự kiện kinh doanh khác mà theo các ông “những hoạt động này cần phải được cân nhắc một cách thận trọng vì đã đi ngược với tôn chỉ mục đích trong điều lệ VFF đã được Bộ Nội vụ thông qua”.

Suy nghĩ VFF bị “teo tóp quyền lực” là sai lầm

Ông Hoàng Mạnh Trường - Chủ tịch CLB The Vissai Ninh Bình, 1 trong 6 ông bầu sáng lập đề án mô hình công ty đã phản biện lại ý kiến từ Bộ. Ông Trường khẳng định: “Nếu cứ dùng dằng không quyết ngay thì tôi e rằng sẽ làm chậm tiến trình thành lập công ty. Và nếu cứ sợ rủi ro, sợ phá sản thì không bao giờ công ty có thể ra đời, và có ra đời cũng không làm được gì với tâm lý kém cỏi như thế. CTCP tổ chức giải đấu được vận hành theo mọi quy định của luật pháp và cơ chế thị trường sẽ là môi trường thử thách, thước đo chính xác nhất mức độ thành công của công ty. Là DN, công ty sẵn sàng chấp nhận mọi rủi ro có thể xảy ra và đó cũng là lẽ thường của bất kỳ DN nào trên thế giới. Ngay đến FIFA cũng có thể phá sản, hay như Hy Lạp đã xảy ra vỡ nợ”.

Ông Trường lên tiếng mạnh mẽ: “Chúng ta không nên đặt ra những giả thiết, kiểu như VFF sẽ bị “vô hiệu hóa” hay bị teo tóp quyền lực. Suy nghĩ đó hoàn toàn sai lầm vì ở CTCP, VFF vẫn có tiếng nói hết sức quan trọng trong HĐQT. Chúng tôi không có ý nghĩ sẽ thao túng công ty để làm lợi cho cá nhân hay cho riêng CLB mình mà cho bóng đá VN nói chung và tất cả các CLB. Nếu có vấn đề gì xảy ra, Bộ sẽ có trách nhiệm điều chỉnh lại hệ thống điều hành công ty chứ không phải cho phá sản là xong trách nhiệm. Trước đây, chúng ta có mô hình hợp tác xã, sau chuyển thành công ty và tập đoàn. Vậy nếu cứ lo sợ thì mọi thứ sẽ chỉ trở về con số 0”.

Ông Vương Bích Thắng cho biết, chưa có kết luận cuối cùng và đây là thời điểm thảo luận xã hội. Còn ông Hỷ cho hay: “Tại đại hội thường niên vào ngày 3.11, chỉ cần biểu quyết sửa đổi điều lệ VFF rằng các giải đấu sẽ do Công ty quản lý - tổ chức sự kiện V-League điều hành là xong. Tiến trình thành lập công ty sẽ tiếp tục từng bước thận trọng. Ngày 11 - 18.11, Phó chủ tịch VFF Phạm Ngọc Viễn, Trưởng ban soạn thảo đề án sẽ tiếp tục sang Nhật Bản và Hàn Quốc để thu thập thêm kinh nghiệm”.

Lan Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.