Bất động sản... bất động: Nhà tái định cư 'đóng băng'

27/11/2013 03:00 GMT+7

Chi rất nhiều tiền để đầu tư và mua lại phục vụ yêu cầu tái định cư nhưng tại TP.HCM, quỹ nhà đất thuộc diện này cũng đang rơi vào cảnh... đóng băng.

 Bất động sản... bất động: Nhà tái định cư “đóng băng”

Những khu nhà tái định cư hoang vắng vì người dân không ở - Ảnh: Đình Sơn

Lãng phí lớn

 

Giá nhà xã hội rẻ hơn nhiều

Trước mắt, để “giải cứu” các dự án này, Sở Xây dựng đề xuất UBND TP cho chuyển khoảng 1.700 căn hộ sang làm nhà ở xã hội. Tại dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm, mới đây TP cũng đã có chủ trương cho phép các đơn vị bán đấu giá khoảng hơn 1.000 nền đất tái định cư. Theo Giám đốc Sở Xây dựng Trần Trọng Tuấn, việc chuyển nhà tái định cư sang nhà ở thương mại cũng là “một lối ra cho việc bố trí tái định cư”, bởi giá nhà xã hội rẻ hơn nhiều. “Một số đối tượng mà tiền bồi thường giải phóng mặt bằng không đủ để mua nhà ở thương mại, lâu nay bố trí tạm nhưng không có chính sách giải quyết nhà ở sẽ được mua nhà xã hội giá tốt hơn và được vay gói 30.000 tỉ đồng”, ông Tuấn cho biết.

Để di dời các hộ dân bị giải tỏa bởi dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm, UBND TP đã đầu tư 12.500 căn nhà tái định cư. Nhưng theo Ban Quản lý khu đô thị mới Thủ Thiêm, trong tổng số 2.878 căn hộ chung cư, 1.512 nền đất mà chính quyền Q.2 nhận được, chỉ khoảng 1.700 - 1.800 căn nhà được sử dụng. Như vậy, chỉ riêng dự án này đã thừa hơn 10.000 căn, trong khi tổng số vốn ngân sách chi ra để xây dựng đủ 12.500 căn nói trên lên đến khoảng 13.000 - 14.000 tỉ đồng.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại dự án Vĩnh Lộc B (H.Bình Chánh). Dự án rộng hơn 30 ha, vốn đầu tư 1.062 tỉ đồng với gần 2.000 căn hộ và 559 nền đất, mặc dù đã bàn giao nhà từ năm 2010 nhưng hiện mới chỉ chưa đến 200 căn hộ có người ở và 65 nền đất được xây dựng. Nhiều hộ dân được đưa về đây đều nhất quyết không chịu do quá xa nơi ở cũ, xa trung tâm TP trong khi giá bán cũng không hề rẻ, đến hơn 8 triệu đồng/m2 căn hộ.

Trước đó, TP cũng mua lại 350 căn hộ tại chung cư 481 Bến Ba Đình (Q.8) từ Tổng công ty địa ốc Sài Gòn để tái định cư cho dự án cải tạo chỉnh trang đô thị Rạch Ụ Cây, cầu Bình Tiên (Q.8). Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có ai ở. Nguyên nhân theo tìm hiểu của Thanh Niên, do giá bán chung cư khá cao, từ 1,4 - 1,7 tỉ đồng/căn nên rất ít người dân bị giải tỏa có đủ tiền mua nhà. 350 căn hộ bỏ hoang từ đó đến nay.

Đó cũng là tình trạng của hàng loạt dự án khác như khu dân cư Bắc Rạch Chiếc (Q.9) với hơn 100 căn hộ; chung cư Tân Hưng (Q.7) có 72 căn hộ được đưa vào sử dụng từ năm 2006; Tân Mỹ (Q.7) có 300 căn hộ... nhưng cũng chỉ có lèo tèo vài hộ dọn về ở...

Việc nhà tái định cư bỏ hoang đang gây lãng phí rất lớn cho ngân sách. Mới đây, Sở Tài chính đã kiến nghị TP cần cân nhắc kỹ việc dự trữ quỹ nhà diện này vì tốn nhiều kinh phí trong khi các dự án triển khai chưa biết bao giờ xong. Đây là một thực tế, hàng ngàn tỉ đồng đã và đang bị kẹt cứng từ tình trạng này.

Hàng loạt doanh nghiệp vạ lây

 

Kiểm tra, rà soát các vụ khiếu nại về nhà đất

Ngày 26.11, văn phòng UBND TP.HCM đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của ông Nguyễn Hữu Tín, Phó chủ tịch UBND TP yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Công ty TNHH một thành viên quản lý - kinh doanh nhà TP và UBND các quận kiểm tra, rà soát các vụ việc khiếu nại về nhà đất; Kiểm tra việc thực hiện các kết luận giải quyết đã được lãnh đạo Bộ Xây dựng và UBND TP thống nhất đối với các trường hợp khiếu nại.

Không chỉ ngân sách, các doanh nghiệp tham gia chương trình xây dựng nhà tái định cư cũng vạ lây từ việc ế ẩm. Công ty địa ốc Sài Gòn - Gia Định được TP hứa mua khoảng 400 căn hộ tại dự án Thới An (Q.12) làm quỹ nhà tái định cư và nhà thu nhập thấp. Tuy nhiên, đã mấy năm nay TP không tiến hành các bước tiếp theo để thực hiện hợp đồng.

Công ty kinh doanh và phát triển nhà Bình Dân cũng than phiền việc TP chỉ định mua “treo” 76 nền đất tại dự án khu dân cư Bình Dân (Q.Thủ Đức) với giá khoảng 8,8 triệu đồng/m2 từ năm 2009, nhưng chờ đợi từ đó đến nay thì TP thông báo... không mua nữa vì không còn nhu cầu. Quỹ đất khoảng 10.000 m2 bị bỏ hoang suốt một thời gian dài, gây lãng phí. Mới đây công ty đã có công văn xin TP cho phép chuyển sang làm nhà ở xã hội bán với giá khoảng 600 triệu đồng/căn.

Công ty địa ốc Him Lam cũng được TP cho chủ trương mua 32 căn hộ tại chung cư Him Lam Nam Khánh (Q. 8) làm quỹ nhà tái định cư. Tuy nhiên, số lượng căn hộ này vẫn bị bỏ trống vì TP vẫn chưa “xuống tiền” còn chủ đầu tư thì không dám bán ra ngoài vì hợp đồng đã ký.

Tổng công ty địa ốc Sài Gòn, chủ đầu tư dự án 481 Bến Ba Đình (Q.8) còn khốn khổ hơn, vì TP đã hứa mua toàn bộ chung cư này nhưng đã 3 năm nay bỏ trống, chủ đầu tư phải gánh đủ thứ chi phí vô lý. Chỉ tính riêng lãi vay, doanh nghiệp phải trả mất 13 tỉ đồng. Do lâu ngày không sử dụng, chung cư xuống cấp nhanh chóng, công ty phải trả chi phí vận hành, bảo quản, mỗi tháng cũng mất hàng trăm triệu đồng...

Theo ông Huỳnh Công Hùng, Trưởng ban Ngân sách HĐND TP, một phần nguyên nhân TP dư quỹ nhà tái định cư là do dân chê. “Chúng ta mới chỉ chú trọng đến công tác vận động họ di dời để lấy mặt bằng mà chưa chú trọng đến đời sống của họ sau giải tỏa. Không thể cứ đưa hết tất cả lên chung cư vì khi kế sinh nhai không còn họ ắt phải chuyển đi nơi khác”, ông Hùng phân tích.

 Đình Sơn

>> Dân đợi nhà tái định cư
>> Nhiều bất cập của nhà tái định cư chưa được giải quyết
>> Dân chê nhà tái định cư
>> Nhà tái định cư không ở được!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.