Bất động sản và di sản

11/06/2019 05:00 GMT+7

Trước đây, chúng ta thường nghe và bức xúc trước tình trạng nhiều di sản kiến trúc bị cắt xén, xà xẻo để khai thác thương mại.

Hay nói cách khác, nhiều di sản đã bị biến thành bất động sản trước áp lực kinh tế. Tại hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản kiến trúc trong đô thị hiện đại” do Báo Thanh Niên tổ chức hôm qua, các chuyên gia và doanh nghiệp đã đưa ra góc nhìn ngược lại, đó là biến động sản thành di sản.
Xuất phát từ ký ức về một Sài Gòn xưa cộng với tình yêu những tinh hoa từ các di sản kiến trúc, bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Chủ tịch Phúc Khang Corp, đã tái hiện thành Rome trong một dự án của mình với quyết tâm trở thành biểu tượng của khu Đông thành phố. Bà Mẫu gọi đó là biến bất động sản thành di sản, để đóng góp thêm cho không gian di sản của thành phố nói chung và Q.2 nói riêng những công trình có giá trị về kiến trúc, để kết nối quá khứ với hiện tại và tương lai. Ý tưởng này nhận được sự đồng tình của nhiều người bởi chúng ta vẫn coi di sản là món quà quý giá mà tiền nhân để lại. Ngoài việc gìn giữ, bảo tồn cũng đến lúc phải nghĩ đến việc kế thừa, phát huy các tinh hoa kiến trúc đó trong các công trình hiện tại, để lại cho thế hệ sau.
Ở một góc nhìn khác, việc bảo tồn hiệu quả là khiến những đô thị, những người sở hữu di sản kiến trúc phải được hưởng lợi nhiều hơn, phải có cuộc sống sung sướng, đầy đủ hơn những nơi không có di sản. Có thể nói, đó là giải pháp thiết thực nhất để tránh tình trạng các di sản kiến trúc thuộc sở hữu tư nhân bị đập phá; những không gian di sản đô thị bị xà xẻo để biến thành bất động sản. Thực tế cho thấy, nếu biết cách khai thác, nguồn lực kinh tế từ di sản là hết sức tiềm năng, trở thành thương hiệu quốc gia, thu hút khách du lịch, góp phần tăng trưởng kinh tế. Ngay tại VN, thống kê cho thấy, những di sản sau khi được nhà nước lập hồ sơ công nhận và được UNESCO vinh danh thì lượng du khách đến tham quan đã tăng vọt, giúp nhiều địa phương hấp dẫn về du lịch. Thế mới nói, biến di sản thành bất động sản là thiếu tầm nhìn bởi di sản có giá trị hơn bất động sản rất nhiều, không chỉ về mặt lịch sử, văn hóa, tinh thần mà cả về kinh tế.
Đầu tháng 5 vừa rồi, chính quyền thành phố Sydney (Úc) đã tổ chức lễ bán “quyền không gian” phía trên Bảo tàng Hyde Park Barracks, công trình 200 năm tuổi nằm ở giữa trung tâm thành phố với giá 14 triệu USD. Số tiền này sẽ được sử dụng cho công tác bảo tồn di tích lịch sử. Đây được coi là biện pháp để bảo tồn và duy trì các tòa nhà di sản mà nhiều nước cũng đã làm.
Nói câu chuyện này để thấy, giá trị to lớn của di sản kiến trúc, văn hóa, lịch sử trong đô thị hiện đại ngày nay và cũng có rất nhiều cách để khai thác nguồn lực từ món quà quý báu mà tiền nhân để lại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.