Theo thông tin ban đầu, trong lúc đào hố trồng cà phê, anh K'Cường (ngụ thôn 3, xã Lộc Tân, H.Bảo Lâm, Lâm Đồng) phát hiện một tảng đá lớn, nghi là đá mã não quý. Nhiều người đến xem “đá lạ” và ngay sau đó tin đồn cũng lập tức vang xa. Là người cùng thôn với anh K’Cường, ông Phạm Văn Chính cũng đến xem và quyết định mua tảng đá với giá 100 triệu đồng.
“Do phong thủy nhà tôi không tốt, nên tôi mua tảng đá này về để trước sân”, ông Chính cho biết.
tin liên quan
Hỗ trợ chủ 'hòn đá bị bắt giam' 110 triệu đồngNgày 10.2, bà Trần Thị Sắc (trú xã Hbông, H.Chư Sê, Gia Lai) xác nhận UBND H.Chư Sê đã chuyển hỗ trợ cho gia đình bà 110 triệu đồng. Đây là số tiền hỗ trợ các chi phí hợp lý trong quá trình bà Sắc phát hiện và vận chuyển hòn đá mà sau này bị UBND H.Chư Sê cưỡng chế, tịch thu.
Khổ vì mua đá
Theo ông Chính, lúc đầu ông nghĩ tảng đá nhỏ nên thuê 4 người đào hết 16 triệu đồng nhưng không thể lấy tảng đá lên. Tiếp đó, ông phải thuê một xe đào nhỏ đến đào tốn hết 9 triệu đồng nữa, nhưng vì tảng đá lớn và nặng không đưa lên mặt đất được. Cuối cùng, ông Chính mất thêm 30 triệu đồng mới thuê được xe đào lớn hơn đến đào và cẩu tảng đá ra đường chính của thôn.
Theo ghi nhận của Thanh Niên, tảng đá có chiều dài khoảng 4 m, rộng 2 m, độ dày trung bình 1 m và nặng khoảng 20 tấn. Ông Chính kể, để đưa được tảng đá từ vườn cà phê ra đường chính của thôn 3, ông phải thương lượng với gần chục hộ trồng cà phê và chè để họ cho phép mở con đường nhỏ cho xe vào. “Tôi phải chi hơn 90 triệu đồng để đền bù thiệt hại 150 cây cà phê và 1,5 sào chè cho bà con để mở đường”, ông Chính cho biết.
Đến khoảng cuối tháng 7 vừa qua, khi tảng đá được chở ra tới đường chính thì bị công an và cán bộ địa chính xã Lộc Tân bắt giữ. Ông Chính bức xúc: “Họ lập biên bản giữ tảng đá nhưng không có mặt tôi, đến nay tôi chưa thấy biên bản ghi gì trong đó”. Thời điểm đó, xe cẩu bỏ tảng đá chỏng chơ bên lề đường. Sợ bị người khác đục đẽo đá, ông Chính phải thuê người dựng lều ngày đêm canh gác. “Tôi thuê 2 người canh gác, mỗi ngày tốn 400.000 đồng trong vòng 27 ngày, chi phí trên 10 triệu đồng nữa”, ông Chính nói.
tin liên quan
Hòn đá 'bị bắt giam' có phải là tang vật?Báo Thanh Niên vừa nhận được Văn bản số 2874/UBND-VHXH, ngày 29.8.2013, của UBND tỉnh Gia Lai về việc “đề nghị xử lý thông tin thiếu chính xác trong loạt bài của phóng viên Trần Hiếu”. Chúng tôi đã kiểm tra lại thông tin và trao đổi thêm với các chuyên gia xung quanh những vấn đề văn bản này đề cập.
Chờ xác định giá trị
Hiện ông Chính đã làm đơn xin được đóng thuế tài nguyên để đưa tảng đá về nhà nhưng UBND xã Lộc Tân không tiếp nhận đơn. Cách nay hơn 10 ngày, UBND xã Lộc Tân thuê xe cẩu tảng đá về để trước sân UBND xã nên ông Chính không phải thuê người canh nữa.
|
Trả lời Thanh Niên, ông Bùi Thanh Bình, Phó chủ tịch UBND xã Lộc Tân, cho rằng đá quý là tài nguyên quốc gia, nhưng ông Chính khai thác mà không báo cáo cho xã biết. “Khi phát hiện ông Chính thuê xe chở đá chúng tôi phối hợp với Phòng TN-MT huyện lập biên bản tạm giữ. Nghe đâu có một người ở TP.Bảo Lộc sẵn sàng mua tảng đá này giá 1,6 tỉ đồng”, ông Bình nói.
Ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch UBND H.Bảo Lâm, cũng cho biết đến nay huyện chỉ tạm “bắt giữ” tảng đá chứ chưa xử lý gì.
“Theo công an huyện báo cáo thì đây là tảng đá quý. Nhưng do địa phương không có đủ thiết bị và trình độ để thẩm định tảng đá thuộc loại nào, nên tôi đang giao Phòng TN-MT làm báo cáo gửi Sở TN-MT tỉnh hỗ trợ. Sau khi xác định loại đá gì, giá trị bao nhiêu thì mới có hướng xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Còn nếu không phải là đá quý thì thôi. Trước mắt huyện chỉ đạo xã phải bảo vệ nghiêm ngặt tảng đá, không ai được xâm phạm”, ông Kiên nói.
Theo luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM khi người dân vô tình đào được tài nguyên, đá quý, của cải... thì phải báo ngay cơ quan có thẩm quyền gần nhất như UBND xã, công an xã. Các cơ quan này sẽ lập biên bản để tạm giữ hoặc giao cho người dân tạm giữ vật tìm được. Sau đó, cơ quan chức năng sẽ tiến hành giám định để xác định có phải khoáng sản quý hay không nên việc tạm giữ là đúng với quy định của pháp luật.
Trường hợp cố ý khai thác thì cơ quan có thẩm quyền sẽ quyết định xử phạt hành chính những người mua bán, vận chuyển, khai thác đá trái phép theo Nghị định 142/2013 của Chính phủ (mức phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng) và tịch thu tang vật để bán đấu giá nộp vào ngân sách.
Phan Thương
|
Bình luận (0)