Trước đó, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Khánh Toàn đã ký quyết định tước danh hiệu công an nhân dân đối với Quảng.
Năm 1999, UBND TP Hà Nội có quyết định cấp cho Báo Thanh Niên 3.745,5m2 đất để xây dựng nhà ở cho cán bộ - phóng viên, đồng thời cho thuê 171,5m2 khác để xây dựng nhà khách và trung tâm truyền số liệu (thuộc địa bàn P.Ô Chợ Dừa và P.Quang Trung, Q.Đống Đa). Thực hiện quyết định, UBND Q.Đống Đa thành lập Hội đồng giải phóng mặt bằng. Sau đó, bằng tiền huy động đóng góp vào dự án của CB, PV tại tòa soạn Hà Nội, Báo Thanh Niên đã trả tiền đền bù hoa màu cho HTX Minh Khai (đơn vị có quyền sử dụng khu đất trước đó) cũng như nộp tiền chuyển quyền sử dụng đất vào ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, nhiều hộ dân khu vực lân cận đã lợi dụng đêm tối, ngày nghỉ lấn chiếm đất và xây dựng nhà tạm trái phép. Chính quyền địa phương phải nhiều lần cưỡng chế, phá dỡ các công trình xây dựng trái phép, nhưng khi lực lượng chức năng rút đi thì tình hình lại tiếp tục diễn biến phức tạp, mà người cầm đầu là Ngô Văn Quảng. Diễn biến này lặp đi lặp lại, khiến cho việc giải phóng mặt bằng kéo dài suốt 10 năm không thực hiện được.
Bất chấp pháp luật
Thực tế năm 2005, Quảng tự nhận là đại diện cho các hộ dân đang sử dụng trái phép đất của CB, PV Báo Thanh Niên, đứng ra đàm phán về phương án giải phóng mặt bằng khu đất. Ngày 1.6.2007, tin vào tư cách của một sĩ quan công an, CB, PV Báo Thanh Niên thỏa thuận với Quảng một hợp đồng tư vấn giải phóng mặt bằng. Theo đó, Quảng lập danh sách các hộ dân cung cấp để được chi trả tiền đền bù; thay mặt các hộ dân thỏa thuận về phương án đền bù, nhận tiền đền bù từ CB, PV Báo Thanh Niên để chi trả cho các hộ dân và có trách nhiệm bàn giao đất sau khi nhận đủ tiền.
Đến tháng 5.2008, CB, PV Báo Thanh Niên đã chi đủ tiền đền bù gần 17 tỉ đồng, giao cho Quảng. Thế nhưng, đến hạn bàn giao đất cho Báo Thanh Niên theo cam kết (ngày 18.10.2008), trước sự chứng kiến của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, Quảng trắng trợn đưa ra 4 yêu cầu vô lý không có trong hợp đồng, mục đích là muốn chiếm đoạt thêm tiền từ dự án trên.
Một mặt khác, Quảng tiếp tục cho tay chân xây dựng thêm nhiều nhà trái phép trên khu đất nhằm gây sức ép. Trước sự ngang ngược, bất chấp pháp luật đó, ngày 30 và 31.3.2009, UBND Q.Đống Đa chỉ đạo UBND hai phường Quang Trung, Ô Chợ Dừa và các cơ quan chức năng tổ chức cưỡng chế phá dỡ những công trình vi phạm, tạm bàn giao khu đất cho Báo Thanh Niên quản lý.
Nhưng ngày 9.8.2009, Quảng cầm đầu một số đối tượng lưu manh, côn đồ xông vào đuổi bảo vệ của Báo Thanh Niên ra khỏi khu đất, rồi đập phá phòng bảo vệ và chiếm giữ khu đất từ đó tới nay, biến nơi này thành chỗ trông giữ ô tô, xe máy.
Cơ quan điều tra xác định, trong vụ việc này Ngô Văn Quảng cùng đồng bọn đã dùng nhiều thủ đoạn để chiếm đoạt tiền của cán bộ phóng viên Báo Thanh Niên. Cụ thể, Quảng đã lập danh sách nhiều hộ không có thật, không có đất, vào diện nhận tiền đền bù. Quảng còn cùng người thân chiếm đoạt từ dự án 180m2 đất và ngang nhiên xây dựng chung cư 6 tầng trái phép.
Chưa hết, lợi dụng chủ trương tái định cư tại chỗ của UBND TP Hà Nội cho những hộ dân có đất hợp pháp trong diện giải phóng mặt bằng, Quảng đã tổ chức cho 8 người, trong đó có mẹ vợ, em vợ cùng 6 đàn em chiếm 497m2 và xây dựng 8 ngôi nhà từ 3-4 tầng trái phép...
Thái Lai
Bình luận (0)