Hai nhà đương kim vô địch SEA Games Phan Hà Thanh và Phạm Phước Hưng đã gặp rất nhiều bất lợi trước kết quả bốc thăm môn thể dục tại Olympic London.
|
Liên đoàn Thể dục thế giới (FIG) tiến hành bốc thăm vào cuối tuần qua. Trong số 49 VĐV nữ tham dự môn thể dục dụng cụ, Hà Thanh được xếp ở nhóm 5 hỗn hợp cùng 4 VĐV khác, bao gồm: Maria Homolova (Slovakia) từng giành thứ hạng cao tại giải vô địch thế giới 2003; Masela Wyomi (Hà Lan) mới giành HCĐ nội dung nhảy ngựa tại Test Olympic vào tháng 1.2012; Simona Castro Lazo (Chile); Salma Mahmoud (Ai Cập - suất đặc cách duy nhất của nhóm này). Còn Phước Hưng lọt vào nhóm hỗn hợp thứ 2 nam cùng VĐV Kazakhstan, Bồ Đào Nha, Belarus, Tunisia và đặc biệt có Iordan Iovtchev - VĐV giàu kinh nghiệm bậc nhất trong số các VĐV tham dự Olympic lần này bởi đây là lần thứ 6 anh có mặt tại Olympic (từng giành HCB vòng treo nam, HCĐ thể dục tự do tại Olympic Athens 2004).
Ngoài phải đối mặt trực tiếp với những đối thủ mạnh trong nhóm, hai VĐV của chúng ta còn bất lợi rất lớn ở khía cạnh khác. Bà Nguyễn Kim Lan, Trưởng bộ môn thể dục Tổng cục TDTT, âu lo: “Hà Thanh sẽ bị sức ép tâm lý rất lớn vì rơi vào nhóm thi cuối cùng trong ngày. Thi đấu vào 20 giờ ngày 29.7, Thanh sẽ chứng kiến trọn vẹn các nhóm khác biểu diễn và chắc chắn lúc đó đã biết được 8-10 VĐV mạnh nhất. Muốn lọt vào top này để có mặt trong chung kết đơn môn, bắt buộc Thanh phải đạt số điểm cao, chất lượng thực hiện động tác phải gần như hoàn hảo và cực ít điểm trừ mới có cơ hội chen chân vào top 8”.
Một điều cực kỳ khó khăn nữa là Thanh lại bị xếp thi đầu tiên ở nhóm cuối cùng với môn nhảy ngựa. Tuy đây là môn sở trường của Thanh nhưng phải biểu diễn ngay sau khi khởi động lại là một gánh nặng tâm lý rất lớn. “Mỗi VĐV chỉ được nhảy thử 1, 2 lần trước khi thi thật. Giá như Thanh thi môn nhảy ngựa sau một nội dung khác thì sức ép sẽ giảm đi rất nhiều và sẽ giúp Thanh tăng được độ hưng phấn cũng như ổn định được tinh thần. So với giải vô địch thế giới (nhờ đoạt HCĐ giải này, Thanh đoạt vé chính thức đi London), độ khó bài thi ở Thế vận hội cao hơn rất nhiều, đặc biệt ở động tác xoay người”, bà Lan nói.
Trong khi đó, cô gái 21 tuổi đến từ Hải Phòng tâm sự: “Tôi không thấy quá lo lắng, vì dù bốc thăm dễ dàng hay không cũng đòi hỏi VĐV phải nỗ lực tối đa. Tôi vẫn đang tập các bài bổ trợ, nâng cao thể lực và phải rèn thật nhuyễn các bài tập tăng độ khó. Ngày 8-9.4, tôi sẽ dự giải World Cup Challenge tại Trung Quốc. Chúng tôi vẫn còn thời gian để chuẩn bị và không từ bỏ ước mơ làm nên điều kỳ diệu".
Đoạt vé chính thức đi London nhờ đứng thứ 27 vòng loại Olympic, Phước Hưng (sinh năm 1988) cũng phải thi đấu đầu tiên môn sở trường là xà kép. Hưng nói: “Đã 3 lần phải thi xà kép đầu tiên ở các giải tại Hà Lan, Nhật Bản, Anh và cả 3 lần đều đạt kết quả không tốt vì căng thẳng, do ít được cọ xát quốc tế. Tôi lại đang bị chấn thương đầu gối và phải vật lý trị liệu tại Trung tâm Nhổn. Mới đây, còn phát hiện bị thoát vị đĩa đệm và chiều 5.3, tôi phải đến bệnh viện để chụp, mới rõ nặng hay nhẹ. Tại Olympic, tôi không hy vọng lọt vào chung kết toàn năng mà cố gắng lọt vào top 8 để có mặt chung kết đơn môn, ở nội dung xà kép và vòng treo”.
Lan Phương
Bình luận (0)