Bất lợi của phương án "chỉnh" tuyến đường vành đai Công viên văn hóa Đầm Sen

19/01/2006 23:00 GMT+7

Ngày 3/6/2005, UBND Q.11 có công văn gửi UBND TP.HCM đề xuất phương án mới xác định lại tuyến đường vành đai Công viên văn hóa Đầm Sen và cải tạo chỉnh trang khu vực dọc tuyến đường này.

Theo đó, tuyến đường vành đai Công viên văn hóa Đầm Sen được xác định: Đầu tuyến đường sẽ lấn vào Công viên Đầm Sen và giữa tuyến lượn ra gần ranh Đầm Sen hiện hữu, ranh giới đường là 20m... Bên kia tuyến đường, tại vị trí khu dân cư hiện hữu, sẽ quy hoạch để Q.11 thực hiện dự án khu nhà ở cao tầng.

Xung quanh vấn đề này, Công ty dịch vụ du lịch Phú Thọ (đơn vị quản lý Công viên văn hóa Đầm Sen) đã gửi công văn kiến nghị đến UBND TP.HCM xin xem xét lại việc này. Sau khi đi thực tế và xem xét các văn bản có liên quan, chúng tôi xin nêu lên một số bất lợi xung quanh đề xuất này như sau:

Khi  UBND Q.11 xin phép UBND TP.HCM cho "chỉnh" tuyến đường vành đai "lém" vào phía trong Công viên Đầm Sen, nhìn trên mặt giấy tờ, bản vẽ... thì dễ nhầm tưởng chẳng có gì nghiêm trọng và Công viên Đầm Sen cũng không mất đi bao nhiêu đất. Thế nhưng, trên thực tế, nếu "chỉnh" tuyến đường này thì thiệt hại về phía Công viên Đầm Sen là rất lớn: Tuyến đường này sẽ đi qua các công trình hiện hữu của Đầm Sen như khu vườn chim, thú; đường vòng quanh hồ khu A; đường độc đạo sang khu B; khu trò chơi thiếu nhi, trò chơi roller-coaster (tàu lượn siêu tốc) và cả bãi đậu xe cổng đường Lũy Bán Bích... Đáng kể hơn, nếu thực hiện tuyến đường này, Đầm Sen sẽ không còn đường để đi vòng bờ hồ đồng thời mất luôn cả con đường duy nhất nối từ khu A sang khu B của công viên. Như vậy, Đầm Sen sẽ bị chia cắt. Ước tính thiệt hại về phía Đầm Sen khi xóa sổ những công trình hiện hữu để thực hiện con đường này là hơn 50 tỉ đồng. Thiết nghĩ, đó là một thiệt hại quá lớn.

Kèm theo việc xin phép chỉnh tuyến đường này, UBND Q.11 đã xin phép giải tỏa khu dân cư hiện hữu 5,8 ha sát hàng rào Công viên Đầm Sen để thực hiện dự án khu nhà ở cao tầng. Như vậy, đằng nào khu dân cư hiện hữu cũng bị giải tỏa để thực hiện dự án này, vậy thì hà cớ gì phải lấy đất của Công viên Đầm Sen trong khi quỹ đất sau khi giải tỏa còn rất lớn? Thêm vào đó, mục đích chính của việc mở tuyến đường là phục vụ cho dân cư tại chỗ, nếu thực hiện theo phương án này thì tuyến đường sẽ nằm ngoài rìa khu dân cư. Hơn nữa, tuyến đường sẽ nằm trên lòng kênh cũ có nền hạ là 15m, đất sình lầy khó thi công hoặc rất tốn kém mới trở thành con đường đủ tiêu chuẩn phục vụ nhu cầu đi lại với mật độ cao của nhân dân.

Trước đây, Công viên Đầm Sen được UBND TP.HCM cấp phép sử dụng diện tích đến 51 ha. Tuy nhiên, do không có khả năng thực hiện việc giải tỏa, đền bù và các yếu tố khách quan khác, Công viên Đầm Sen đã bị thu hẹp lại cho đến hôm nay chỉ còn 39,33 ha. Thiết nghĩ, Đầm Sen là một công viên văn hóa quan trọng của TP.HCM. Nó không chỉ là lá phổi của thành phố mà là nơi để người dân thành phố (và cả người dân các tỉnh lân cận) đến nghỉ ngơi, thư giãn, giải trí sau những ngày tháng làm việc đồng thời đây còn là nơi diễn ra những sự kiện văn hóa, thể thao lớn của Q.11 và của thành phố... Như vậy, việc đầu tư, mở rộng cho công viên là việc nên chú trọng hơn là thu hẹp.

Với những bất lợi vừa nêu, chúng tôi rất mong UBND TP.HCM sớm xem xét lại việc "chỉnh" con đường vành đai Công viên Đầm Sen theo một hướng có lợi nhất để Công viên Đầm Sen không phải thiệt hại lớn về tài sản đồng thời con đường sẽ trở nên thiết thực hơn với người dân chứ không chỉ lợi diện tích đất cho dự án khu nhà ở cao tầng của  Q.11 nhờ "lém" vào đất của Công viên Đầm Sen.

Thanh Đông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.