Bất lực giữ rừng

02/04/2020 09:09 GMT+7

Nhiều vụ phá rừng, mất rừng diễn ra ở Gia Lai dù lực lượng chức năng luôn được cho rằng đã tất bật vào cuộc. Các ngả đường trọng yếu luôn có lực lượng chức năng kiểm tra, chốt chặn song rừng vẫn bị rút ruột!

Những vụ chặn bắt vận chuyển, mua bán hay xử phạt hành vi sai phạm liên quan đến lâm sản chỉ xử lý đằng ngọn. Việc ngăn chặn từ xa hành vi phá rừng vẫn đang là bài toán loay hoay của ngành chức năng Gia Lai. Nhiều cây cổ thụ đã bị chặt phá, đưa ra khỏi rừng trong sự bất lực của lực lượng chốt chặn. Và khi phát hiện thì việc đã rồi, để lại nhiều khoảng rừng trơ gốc, phải hàng chục năm sau mới có thể tái sinh!

Ban quản lý rừng để mất rừng

Gia Lai là một trong những địa phương có diện tích rừng khá lớn trong cả nước với hơn 600.000 ha. Số diện tích này được giao cho 36 đơn vị chủ rừng quản lý. Song những năm qua, nhiều ban quản lý (BQL) rừng đã buông lỏng trong quản lý dẫn đến hàng ngàn héc ta rừng và đất rừng bị lấn chiếm.
Đợt kiểm tra, thanh tra lớn nhất về lĩnh vực lâm nghiệp do UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo tại 17 đơn vị gồm 3 công ty lâm nghiệp, 1 khu bảo tồn thiên nhiên và 13 BQL rừng phòng hộ đã phát hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng.
Ròng rã suốt ba năm (2016 - 2019), Thanh tra tỉnh Gia Lai đã lần lượt làm việc với các đơn vị này, phát hiện hơn 9.500 ha đất lâm nghiệp bị mất và bị lấn chiếm, trong đó diện tích đất có rừng hơn 5.500 ha. Tổng số tiền sai phạm hơn 26,7 tỉ đồng. Có 8 vụ sai phạm tại các BQL rừng phòng hộ phải chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Bất lực giữ rừng1

Nhiều cây cổ thụ như thế này đã bị chặt hạ trái phép

Dù có lực lượng và có chức năng, nhiệm vụ rõ ràng, song việc để cho rừng liên tục bị “rút ruột” khiến dư luận nghi ngờ chính lực lượng chức năng đã làm ngơ, thả cửa để rừng bị tàn phá. Nhiều cánh rừng trước đây tưởng như chen chân không lọt, sau vài năm đã thành đất trắng, chỉ còn trơ gốc. Nhiều cây gỗ quý đã bị lâm tặc khai thác trái phép trong sự bất lực của lực lượng chức năng.
Nhiều BQL rừng phòng hộ trên địa bàn Gia Lai qua thanh tra cũng phát hiện để mất hàng trăm, hàng ngàn héc ta rừng. Tình trạng rừng bị xâm hại diễn ra không chỉ ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn mà có cả ở địa bàn thị xã, thành phố của Gia Lai.
Từ những sai phạm này, có 3 tập thể, 51 cá nhân bị kiểm điểm rút kinh nghiệm, 12 cá nhân bị khiển trách và 9 cá nhân bị cảnh cáo. Ngoài ra, nhiều vụ sai phạm vẫn đang được Công an tỉnh Gia Lai điều tra, tiếp tục xử lý.
Bất lực giữ rừng2

Vụ phá rừng ở H.Kon Chro vừa bị phát hiện

Liên quan đến những sai phạm của các BQL rừng phòng hộ khi để mất hàng ngàn héc ta rừng, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Gia Lai, ông Vũ Ngọc An thừa nhận: “Các đơn vị chủ rừng chưa có thay đổi về cơ chế quản lý, nội dung và phương thức hoạt động; không phát huy được tính chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh, quản lý bảo vệ rừng. Không có giải pháp hữu hiệu đề ra để tuần tra, kiểm soát ngăn ngừa phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng; khi phát hiện không xử lý hoặc đề xuất xử lý thiếu kiên quyết, dứt điểm các vụ vi phạm, để kéo dài, thậm chí giấu giếm, sợ trách nhiệm, cho qua chuyện trong nhiều năm”.

Rừng liên tục “chảy máu”

Nhiều vụ phá rừng, vận chuyển lâm sản trái phép trong thời gian qua khiến dư luận ngờ rằng có sự tiếp tay của lực lượng chức năng.
Chẳng hạn, cuối tháng 6.2019, qua trích xuất camera an ninh đặt ở Trạm kiểm lâm cửa rừng Đăk Pơ Kơ, xã Ia Ma, H.Kon Chro (Gia Lai), đoàn công tác liên ngành do công an huyện này chủ trì đã phát hiện trong số 10 ô tô lưu thông qua trạm, có đến 8 xe không bị kiểm tra, 2 xe dừng lại chỉ trong vài giây nhưng chỉ mở cửa phụ rồi tiếp tục được lưu thông. Kiểm tra khẩn cấp 2/10 xe này phát hiện xe chở gỗ trái phép hướng từ rừng ra.
Hay tại H.Kbang, quần thể giáng hương lớn nhất Gia Lai, bị tàn phá dần trong thời gian ngắn. Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Krông Pa - đơn vị được giao khoanh nuôi, bảo vệ nguồn gien giáng hương quý hiếm này, nếu không vì năng lực quá kém thì cũng có dấu hiệu làm ngơ cho lâm tặc.
Theo thống kê năm 2014, vùng rừng này có 416 cây giáng hương, nằm trên diện tích 7.900 ha. Đến giữa tháng 4.2019, quần thể này hao hụt dần, chỉ còn trên dưới 300 cây! Nhiều cây giáng hương cổ thụ bị khai thác trái phép trong sự bất lực của lực lượng chức năng.
Bất lực giữ rừng3

Lâm tặc dùng xe máy vận chuyển gỗ trái phép

Nhiều vụ bất thường về khai thác, vận chuyển gỗ trái phép tại Gia Lai mà lực lượng chức năng như bị... bịt mắt! Gần đây nhất là vụ phá rừng tại tiểu khu 805, thuộc địa bàn xã Sró, H.Kon Chro. Khi báo chí phát hiện vụ phá rừng, các cơ quan chức năng của huyện này... mới biết.
Qua khám nghiệm hiện trường, các đơn vị chức năng H.Kon Chro xác định có 12 cây gỗ dổi bị khai thác trái phép với tổng khối lượng bị thiệt hại gần 16 m3 và 2,403 ster củi. Số cây gỗ trên bị các đối tượng cưa hạ trái phép từ đầu năm 2019 đến đầu năm 2020. Trong số 12 cây gỗ trên có 11 cây đã bị cắt khúc, đưa ra khỏi hiện trường.
Ngoài điểm phá rừng trên, chúng tôi còn phát hiện thêm một khu vực rừng bị phá khác thuộc vùng rừng ở xã này, không hề có trong báo cáo của UBND H.Kon Chro. Ngay trên con đường mòn dẫn vào rừng sâu, có 3 cây gỗ đường từ 50 - 100 cm mới bị cưa hạ. Gần đó là một cây gỗ chò, đường kính gốc khoảng 60 cm bị đốn hạ. Lâm tặc đã lấy hết gỗ, chỉ còn trơ gốc.
Bất lực giữ rừng4

Một cây gỗ hương cổ thụ ở H.Kbang bị lâm tặc cưa sâu vào thân

Theo cơ quan chức năng nhận định ban đầu, đường đi của gỗ lậu sẽ theo con đường duy nhất là đi ra trước trụ sở UBND xã, vượt qua Trạm kiểm lâm cửa rừng Đăk Pơ Kơ, thuộc Hạt Kiểm lâm H.Kon Chro (?!). Dù được chi trả hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ nguồn dịch vụ môi trường rừng để khoanh nuôi, bảo vệ hơn 2.000 ha rừng song lực lượng, chính quyền của xã Sró vẫn bất lực một cách đáng ngờ.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Huỳnh Ngọc Ẩn, Phó chủ tịch UBND H.Kon Chro, cho biết: “Rất tiếc là thời gian vừa qua xảy ra vụ việc phá rừng ngay tại đây. Chúng tôi cũng đặt dấu hỏi cho các ngành chức năng về vấn đề này! Chúng tôi đã yêu cầu lãnh đạo hạt kiểm lâm, lãnh đạo UBND xã Sró viết bản kiểm điểm để chúng tôi xem xét, mức độ vi phạm thế nào thì sau khi có kết quả điều tra chuyên án, chúng tôi sẽ có kết quả xử lý cụ thể”.
Tại các địa phương khác như Chư Prông, Ia Grai, Krông Pa... đều phát hiện nhiều vụ phá rừng, vận chuyển gỗ trái phép. Thực trạng này đồng nghĩa với việc rừng bị rút ruột.
Ngày 26.3, Hạt Kiểm lâm H.Kon Chro (Gia Lai) đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về hành vi vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản. Khối lượng gỗ bị thiệt hại được xác định hơn 41 m3 và hơn 5,8 ster các loại gỗ dổi, chò chỉ, gáo; bị lâm tặc khai thác trái phép tại khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn thuộc tiểu khu 805, xã Sró, H.Kon Chro.

Kiểm tra các cơ sở chế biến lâm sản

Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm Gia Lai, trong năm 2019 lực lượng kiểm lâm tỉnh đã phát hiện 560 vụ vi phạm luật Bảo vệ và phát triển rừng, trong đó tịch thu hơn 1.000 m3 gỗ, 28 ô tô, máy kéo, 178 xe máy các loại, xử lý hình sự 41 vụ.
Liên quan đến vấn đề bảo vệ rừng, ông Võ Ngọc Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, nhấn mạnh: “Các ngành, lực lượng chức năng, chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra các cơ sở chế biến lâm sản đang tồn tại, nếu phát hiện vi phạm thì lập biên bản, đề xuất xử lý, thu hồi giấy phép. Chính quyền địa phương, các ngành chức năng cần xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ rừng cũng như các cá nhân, tập thể có hành vi tiếp tay cho lâm tặc...”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.