Nếu hỏi các nhà sản xuất trong nước họ sợ nhất điều gì lúc này, hầu hết đều có câu trả lời giống nhau: hàng lậu, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng. Từ chỗ chỉ bùng phát vào dịp cuối năm, hàng lậu mấy năm trở về đây "nóng" quanh năm.
Từ vài sản phẩm, hàng lậu - hàng giả hiện nay không thiếu thứ gì. Từ phụ tùng ô tô, xe máy, điện thoại di động, vật liệu xây dựng, vải, quần áo may sẵn, rượu ngoại, dược phẩm... đến các mặt hàng cấm như pháo, vũ khí thô sơ, thuốc lá nguyên liệu... Đáng sợ hơn là thực phẩm bẩn, thực phẩm sử dụng chất bảo quản độc hại... được nhập lậu vào thị trường nội địa ngày càng nhiều. Sự bùng phát của hàng lậu, hàng nhái khiến các nhà sản xuất, nuôi trồng trong nước điêu đứng. Hàng lậu còn khiến từ người nông dân, các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ tới những doanh nghiệp (DN) có thương hiệu đều trở nên điêu đứng. Đằng sau những xe chở gia cầm, gia súc, nội tạng hôi thối qua biên giới là những chuồng trại bị bỏ hoang của người nông dân trong nước do giá bán không đủ bù giá thành. Khi khoai tây, cà rốt, hành, tỏi... Trung Quốc tràn ngập các chợ thì ở nhiều vùng rau, người nông dân Việt Nam đang khóc ròng vì tình trạng rau không tiêu thụ được. Các cơ sở may mặc trong nước bị "bóp" chết...
Nhưng điều đáng sợ hơn là DN đang cảm thấy đơn độc trong cuộc chiến này. Một DN may mặc lớn yêu cầu tôi khi viết về hàng nhái đừng nêu tên công ty ông. Ông bảo, ông đã báo cơ quan chức năng, công ty cũng đã phối hợp với nhiều cấp, ngành nhưng bao năm nay vẫn không dẹp nổi nạn hàng giả. "Nói nhiều, người tiêu dùng sẽ tẩy chay luôn hàng của mình để khỏi mua nhầm hàng nhái" - ông chua chát. Đây cũng chính là nỗi niềm của rất nhiều nhà sản xuất trong nước. Câu chuyện quản lý thị trường bắt cả lô lớn tem chống giả cũng cho thấy, sự bất lực của chúng ta trước nạn hàng lậu, hàng nhái, hàng giả hiện nay.
Vấn đề đặt ra là tại sao chúng ta lại bất lực? Tại sao hàng lậu, hàng giả ngày càng nhiều đất sống trong khi có rất nhiều cơ quan cùng có nhiệm vụ phòng chống, kiểm soát, thanh tra... các mặt hàng này? Nhìn lại suốt thời gian qua, câu trả lời chung của hầu hết các cơ quan có thẩm quyền là "lực lượng quá mỏng" nên không đủ sức kiểm soát, hoặc "chế tài quá nhẹ" nên không đủ sức răn đe. Nhưng sự thật không hoàn toàn như vậy. Lực lượng dù mỏng cũng chẳng thể không nhìn thấy những đoàn xe chở hàng lậu rồng rắn đi qua biên giới; những cơ sở sản xuất hàng nhái, hàng giả không nằm ở hành tinh khác. Tất cả máy móc, con người, việc vận chuyển, giao dịch đều được thực hiện ngay trong các khu dân cư, lẽ nào chính quyền địa phương lại không thấy? Nên trong việc này, có thể khẳng định, ngoài việc buông lỏng còn có cả yếu tố bắt tay nhau giữa một số cơ quan quản lý với đối tượng buôn lậu, làm hàng nhái, giả. Có lẽ, đây mới là mấu chốt của sự bất lực chứ chẳng phải "lực lượng mỏng" hay “chế tài quá nhẹ”.
Trẻ em Việt Nam đang sống trong mối hiểm họa đồ chơi nhiễm độc từ Trung Quốc. Hàng triệu người dân ngày ngày phải đối mặt với thực phẩm bẩn, thực phẩm mất an toàn nhập lậu qua biên giới. Sản xuất trong nước ngày càng teo tóp vì cạnh tranh không nổi với các loại hàng này. Hỗ trợ DN, thiết thực hơn là cách các cơ quan có thẩm quyền thực sự bắt tay vào cuộc chiến chống hàng thẩm lậu qua biên giới, đẩy lùi tệ nạn hàng nhái, hàng giả đang hoành hành trên thị trường nội địa. Nếu cơ quan quản lý mà bất lực, DN biết trông cậy vào đâu?
Nguyên Hằng
>> Bộ trưởng Công thương: Có tiêu cực trong lực lượng chống buôn lậu
>> Ngành túi xách thiệt hại nặng vì hàng nhái
>> Thiêu hủy gần 20.000 loại hàng lậu, hàng giả...
>> Thương hiệu Việt khốn khổ vì hàng giả
Bình luận (0)