Đó là nhận định của nhiều đại biểu trong dịp tổng kết 5 năm hoạt động quản lý đo lường (2006 - 2010) do Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (TCĐLCL) TP.HCM tổ chức sáng 19.11.
Mua 1 lít đong thiếu tới 0,2 - 0,25 lít
Từ đầu năm đến nay, Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã phát hiện 3/26 cửa hàng bán xăng không đạt trị số octan, 2/15 cây xăng gian lận về sai số cột đo và bán xăng không đạt chất lượng… Ngoài ra, còn có hiện tượng gian lận chất lượng xăng dầu trong quá trình vận chuyển từ doanh nghiệp đầu mối đến cửa hàng bán lẻ. Cũng không ít trường hợp người dân khiếu nại về hành vi gian lận xăng dầu của các chủ cửa hàng xăng nhưng cơ quan quản lý khó xử lý vì không có chứng cứ.
Xăng dầu, lĩnh vực đang xảy ra nhiều vi phạm về đo lường, chất lượng - Ảnh: D.Đ.Minh |
Đại diện Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM thừa nhận hiện tượng gian lận về đo lường diễn biến phức tạp, tinh vi, với nhiều vụ gian lận liên tiếp xảy ra. Các hình thức gian lận về đo lường phổ biến như phá niêm phong để làm sai lệch đồng hồ đo, sử dụng cột bơm không qua kiểm định, và gần đây là gắn con chip điện tử vào trụ bơm để điều khiển từ xa rất khó phát hiện. Kết quả kiểm tra của chi cục cho thấy, có cột bơm đong thiếu gấp 1,5 - 3 lần mức cho phép, thậm chí có nơi mua 1 lít xăng dầu bị đong thiếu tới 0,2 - 0,25 lít. Ngoài ra còn có hiện tượng pha xăng chất lượng thấp vào xăng chất lượng cao để bán.
Đầu tháng 11.2010, Đoàn kiểm tra liên ngành xăng dầu của TP.HCM đã phát hiện 7 cửa xăng gian lận xăng dầu. Trong đó có nhiều cửa hàng vừa bán xăng dỏm vừa đong thiếu như: Cửa hàng 1434 Phạm Thế Hiển (P.5, Q.8) của Công ty TNHH TM DV-SX xăng dầu Hoàng Tuấn (12.232 lít xăng A92 dỏm, 2 vòi bơm thiếu xăng); Cửa hàng của DNTN TM Kim Quế tại D12/22 tỉnh lộ 10, P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân (12.372 lít xăng A92 dỏm, 1 vòi đong thiếu xăng). DNTN TM Kim Quế cũng bị Chi cục QLTT phát hiện gian lận tại 3/9 cột bơm xăng dầu không đạt yêu cầu về đo lường... |
Trước ý kiến cho rằng “rất khó ngăn chặn, nhất là trường hợp gắn chip điện tử vào trụ bơm”, ông Đỗ Việt Hùng, Trưởng phòng Đo lường dung tích - lưu lượng thuộc Trung tâm Kỹ thuật TCĐLCL 3 (Quatest 3), khẳng định nếu muốn thì “bằng ý chí và quyền lực của mình, các cơ quan quản lý nhà nước hoàn toàn có thể quản lý được tình trạng gắn chip gian lận xăng dầu”. “Hoạt động trên mặt trận kiểm tra đo lường chất lượng xăng dầu hiện nay quá kém. Theo tôi, nếu yêu cầu các cửa hàng xăng dầu in hóa đơn cho khách hàng sau khi đổ xăng sẽ giúp giảm gian lận về đo lường xăng dầu, nhất là bằng con chip”, ông Hùng góp ý.
Không quản lý được phương tiện đo lường
Nhiều lãnh đạo Chi cục TCĐLCL các tỉnh thừa nhận đến nay vẫn không quản lý được phương tiện đo lường, đó là nguyên nhân dẫn đến tình trạng gian lận phổ biến. Ông Nguyễn Minh Thương, Chi cục trưởng Chi cục TCĐLCL Cần Thơ, cho rằng tiền thu do gian lận quá lớn khiến doanh nghiệp tìm mọi cách để lách luật. Trong khi đó, hệ thống văn bản pháp luật về kiểm soát kinh doanh xăng dầu còn nhiều kẽ hở. Nhân lực, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác thanh, kiểm tra, quản lý vi phạm đo lường vừa thiếu lại vừa yếu. Lợi dụng kẽ hở pháp luật về giới hạn sai số cho phép nên dễ dẫn đến việc chủ kinh doanh cây xăng móc nối với thanh tra viên lách luật, và người tiêu dùng lãnh đủ.
Đồng quan điểm, ông Hùng còn chỉ rõ những bất cập trong công tác kiểm tra, kiểm soát đo lường gây nhiều thiệt hại cho người tiêu dùng, không chỉ với mặt hàng xăng dầu. Chẳng hạn, hầu hết đồng hồ nước do Trung tâm Kỹ thuật TCĐLCL 3 kiểm tra đều phát hiện sai số rất lớn. Nhưng khi phát hiện đồng hồ chạy sai, người dân phải tới lui khiếu nại nhiều lần thì đơn vị cấp nước mới chịu bồi thường. “Trường hợp người dân không phát hiện được thì sao? Tại sao khi phát hiện sai phạm, thanh tra không xử phạt đơn vị này? Có tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi, vừa là quản lý vừa là kiểm định, thì làm sao khách quan được?”, ông Hùng đặt câu hỏi.
Chi cục QLTT TP.HCM cũng xác định không chỉ xăng dầu mà các mặt hàng khác cũng bị gian lận tràn lan như thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, công nghệ phẩm, phân bón, giống cây trồng, nguyên phụ liệu, khí đốt, gas, điện, nước...
Ông Nguyễn Hùng Điệp, Vụ trưởng Vụ Đo lường (Tổng cục TCĐLCL), thẳng thắn: “Hiện vẫn còn quá nhiều hành vi vi phạm về xăng dầu, hàng đóng gói sẵn. Đây là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này vì họ hưởng lương do doanh nghiệp và người dân đóng góp”.
Hoàng Việt - P.Thanh
Bình luận (0)