Bắt nghi can tham gia thảm sát 8.000 người

22/01/2011 23:25 GMT+7

Israel đang xem xét dẫn độ một công dân gốc Serbia sang Bosnia-Herzergovina vì tội trực tiếp tham gia thảm sát hàng ngàn người Hồi giáo cách đây hơn 15 năm.

Cảnh sát Israel ngày 18.1 bắt giữ Aleksander Cvetkovic, cựu binh sĩ người Serbia, với cáo buộc tham gia vụ thảm sát Srebrenica ở Bosnia-Herzegovina hồi năm 1995. Hôm 19.1, một thẩm phán ở thành phố Jerusalem ra lệnh giam giữ Cvetkovic cho đến khi có phán quyết cuối cùng về việc dẫn độ. Vụ bắt giữ hé lộ thêm những thông tin liên quan đến vụ giết người tập thể tồi tệ nhất ở châu u kể từ Thế chiến 2.

Theo báo Ha'aretz, Cvetkovic, 43 tuổi, bị bắt theo yêu cầu dẫn độ của Chính phủ Bosnia-Herzegovina. Người này bị tình nghi trực tiếp tham gia giết chết 1.000 - 1.200 người Hồi giáo tại trang trại Branjevo gần thành phố Zvornik. Đây chỉ là một phần của chiến dịch giết chóc quy mô lớn ở Srebrenica, miền đông Bosnia-Herzegovina trong cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài từ năm 1992 đến 1995.

Cuộc tàn sát đẫm máu

Theo cáo trạng dẫn độ được Ha'aretz dẫn lại, Cvetkovic phục vụ trong đơn vị công binh số 10 thuộc Quân đội Republika Srpska, tức lực lượng kết hợp Serbia-Bosnia. Ngày 16.7.1995, chỉ huy của đơn vị này triệu tập 8 binh sĩ, bao gồm Cvetkovic, và ra lệnh cho họ đến vùng ngoại ô Pilica của thành phố Zvornik để tham gia cuộc hành quyết tập thể các tù nhân Hồi giáo Bosnia bị giam giữ tại một trường học địa phương. Cvetkovic và những người khác được đưa đến trang trại Branjevo để chuẩn bị "đón tiếp" các tù nhân.

Các tù nhân bị chở đến trang trại bằng xe buýt, một số người bị còng tay và bịt mắt. Khi đến nơi, họ bị bắt xếp hàng và hàng loạt người ngã xuống sau những loạt đạn súng máy khô khốc. Sau mỗi loạt đạn, các binh sĩ bước đến chỗ các nạn nhân để tiếp tục dứt điểm những người chưa chết. Theo cáo trạng, chính Cvetkovic đề xuất dùng súng máy M-84 để đẩy nhanh cuộc tàn sát. Theo lời khai của các binh sĩ cũng như của những người sống sót bằng cách giả chết, cuộc thảm sát kéo dài trong 10 giờ liền. Một nhân chứng kể lại rằng chỉ huy của đội hành quyết còn buộc cả tài xế và quân cảnh có mặt tham gia giết người để họ không dám ra làm chứng sau này.

Như đã nói, vụ bắn giết ở Zvornik là một phần của vụ thảm sát đẫm máu trên toàn khu vực Srebrenica, vốn trước đó được LHQ tuyên bố là "vùng an toàn". Sau 2 năm vây hãm, vùng này rơi vào tay các lực lượng người Serbia tại Bosnia (Bosnian Serbs) do tướng Ratko Mladic chỉ huy vào tháng 7.1995. Ngay

khi nắm quyền kiểm soát Sebrenica, lực lượng Bosnian Serbs bắt đầu tàn sát có hệ thống cộng đồng Hồi giáo Bosnia. Họ trục xuất phụ nữ, trẻ em và người già khỏi khu vực, đồng thời hành hình tập thể đàn ông và thiếu niên nam tại nhiều địa điểm. Các số liệu ước tính chính thức do Bosnia-Herzegovina và LHQ đưa ra cho thấy số người bị sát hại vào khoảng 7.000 - 8.000 người.

Lời xin lỗi của Serbia

Vụ thảm sát Sebrenica đã gây chấn động châu u và thế giới. Sau nhiều năm bác bỏ, vào tháng 3.2010, Quốc hội Serbia đã thông qua nghị quyết lên án hành động của lực lượng Bosnian Serbs là một cuộc thảm sát, nhưng lại không coi đây là tội diệt chủng. Nghị quyết nêu rõ Quốc hội Serbia cam kết hợp tác với Tòa án quốc tế xét xử tội phạm chiến tranh ở Nam Tư cũ (ICTY) ở The Hague (Hà Lan). Các nghị sĩ cũng ngỏ lời chia buồn và xin lỗi gia đình các nạn nhân.

Hiện ICTY đang xét xử cựu lãnh đạo của người Serbia tại Bosnia - Radovan Karadzic với cáo buộc ông phải chịu trách nhiệm chính trong vụ thảm sát này cùng nhiều tội danh khác. Tướng Mladic, một chủ mưu khác của vụ Srebrenica, được cho là đang lẩn trốn ở Serbia, theo AFP.

Liên minh cầm quyền ở Serbia thừa nhận việc thông qua nghị quyết trên là một quyết định khó khăn, đồng thời là sự khởi đầu trong tiến trình lâu dài và phức tạp nhằm đánh giá lại lịch sử. Theo các nhà quan sát, những động thái của Serbia cho thấy nước này đang quyết tâm hoàn thành mục tiêu gia nhập EU. EU coi việc hợp tác đầy đủ với ICTY là điều kiện tiên quyết đối với các nước ứng viên và rất coi trọng sự hòa giải trong khu vực Balkan.

Ngày 11.7.2010, một buổi lễ đặc biệt đã được tổ chức tại Nghĩa trang Potocari gần Srebrenica để kỷ niệm 15 năm ngày xảy ra vụ thảm sát. Cho đến nay, hài cốt của khoảng 6.500 nạn nhân trong vụ việc đã được nhận diện, nhưng thân nhân của những người bị mất tích hy vọng sẽ tìm được thêm thi thể của người thân ở khu vực rừng già trong vùng.


Một phụ nữ khóc người thân là nạn nhân trong vụ thảm sát - Ảnh: Reuters

Tại buổi lễ tưởng niệm, đại diện Mỹ và nhiều nước khác đã đề nghị mở phiên tòa xét xử những người trực tiếp tham gia vụ giết chóc. Đó chính là việc mà Bosnia-Herzegovina muốn làm thông qua yêu cầu Israel dẫn độ Cvetkovic về nước này để xét xử.

Thế khó của Israel

Cvetkovic sinh năm 1968 tại Bosnia-Herzegovina, khi đó còn nằm trong thành phần Liên bang Nam Tư. Năm 2006, người này di cư sang Israel cùng với người vợ Do Thái và được cấp quyền công dân. Hai vợ chồng sinh sống ở thị trấn Carmiel, miền bắc Israel, và có với nhau 3 đứa con.

Theo trang tin Ynetnews.com, Cvetkovic đã bị ICTY thẩm vấn một lần hồi năm 2005, nhưng lần đó Cvetkovic khai ông ta chỉ là một tài xế làm nhiệm vụ chở các binh sĩ đến nơi hành quyết và bác bỏ sự dính líu vào các vụ bắn giết.

Hôm 19.1.2011, sau khi Tòa án Jerusalem ra phán quyết tiếp tục giam giữ Cvetkovic trong thời gian xúc tiến các thủ tục dẫn độ sang Bosnia-Herzegovina, nghi can này tiếp tục khẳng định mình vô tội. Báo Ha'aretz dẫn lời luật sư biện hộ của Cvetkovic, Vadim Shub: "Ông ta (Cvetkovic) bác bỏ tất cả những lời cáo buộc chống lại mình. Ông ta không thừa nhận từng tham gia vào bất kỳ tội ác chiến tranh nào".

Trong cuộc trả lời phỏng vấn Reuters sau đó, luật sư Shub cho biết Israel chưa từng dẫn độ công dân vì những lời buộc tội diệt chủng, và vụ án của thân chủ ông đang gây khó xử cho Tel Aviv. Theo ông Shub, việc dẫn độ Cvetkovic có thể mở đường cho việc truy tố ở nước ngoài các quan chức chính quyền và giới quân sự Israel bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh ở Bờ Tây và Gaza. "Dư luận cho rằng nhiều người ở Israel, bao gồm các quan chức cấp cao, đang e sợ mình sẽ lâm vào tình cảnh tương tự Cvetkovic. Vì thế, họ đang suy xét rất cẩn thận về vấn đề này", ông Shub nói.

Luật sư của Cvetkovic không nêu cụ thể những quan chức cấp cao đó là ai, nhưng trong bài viết trên website MWC News, cây bút bình luận Gilad Atzmon nói rằng ông Shub đã "chỉ đúng tổ quỷ".

Atzmon viết: "Ông ấy (luật sư Shub - PV) biết xã hội Israel đầy rẫy tội phạm chiến tranh và những kẻ giết người hàng loạt. Tay của Shimon Peres, Tzipi Livni, Ehud Olmert, Ehud Barak và nhiều người khác dính máu nhiều hơn nghi can Cvetkovic".

Theo ABC News, nếu việc dẫn độ Cvetkovic được chuẩn thuận, người đàn ông này sẽ bị xét xử tại tòa án tội phạm chiến tranh đặc biệt trực thuộc Tòa án Nhà nước Bosnia ở Sarajevo, vốn đã kết án 7 người tội diệt chủng ở Srebrenica. Ngoài ra, ICTY đã kết án 13 người Serbia khác liên quan đến vụ thảm sát.

Dĩ nhiên, vụ Cvetkovic chưa thể khép lại quá trình giải quyết hậu quả vụ thảm sát Srebrenica, bởi vẫn còn nhiều người dính líu vào vụ việc này đang lẩn trốn ở Serbia hoặc Mỹ. Tuy nhiên, do Cvetkovic bị bắt ở Israel, nơi có những quan chức bị một số chính phủ nước ngoài coi là tội phạm chiến tranh, nên sự chú ý của dư luận Israel và thế giới dường như vượt ra khỏi khuôn khổ vụ thảm sát khủng khiếp năm xưa.  

Trùng Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.