Bất ngờ doanh nghiệp huy động vốn ngàn tỉ qua trái phiếu

Mai Phương
Mai Phương
06/01/2022 06:32 GMT+7

Một số doanh nghiệp trong ngành bất động sản dồn dập phát hành trái phiếu thu hút hàng ngàn tỉ đồng trong tháng cuối cùng của năm 2021 khiến nhiều nhà đầu tư cũng khá bất ngờ.

Doanh nghiệp nhỏ vượt mặt “ông lớn”

Theo thông tin từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), Công ty CP Bách Hưng Vương vào ngày 17.12.2021 đã huy động thành công 2.980 tỉ đồng trái phiếu (TP) với kỳ hạn 12 tháng. Nhưng bản công bố thông tin không nêu cụ thể về lãi suất, mục đích huy động, tài sản đảm bảo hay các đơn vị tham gia tư vấn phát hành trái phiếu… Cùng ngày, Công ty CP đầu tư Sun Valley cũng phát hành 3.560 tỉ đồng TP có kỳ hạn 48 tháng.

Nhiều doanh nghiệp dồn dập phát hành trái phiếu huy động vốn nghi ngờ liên quan vụ đấu giá đất Thủ Thiêm

Ngọc Dương

Đó là 2 công ty dẫn đầu về quy mô phát hành TP trong tháng cuối cùng của năm vừa qua, vượt mặt những doanh nghiệp (DN) kỳ cựu trên thị trường này như Vinhomes, Sovico, Golf Long Thành… Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN, Công ty CP Bách Hưng Vương được thành lập vào tháng 5.2018 tại TP.HCM với vốn điều lệ 200 tỉ đồng. Công ty này đăng ký ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản (BĐS) và do bà Đinh Thị Ngọc Thanh làm đại diện pháp luật. Đáng chú ý, tổng giám đốc của Bách Hưng Vương - bà Đinh Thị Ngọc Thanh cũng đang là đại diện pháp luật của Công ty CP Bông Sen (Bông Sen Corp); Công ty CP đầu tư First Star…

Các công ty này đều có mối liên quan mật thiết với một tập đoàn BĐS nổi tiếng tại TP.HCM có tham gia vụ đấu giá đất Thủ Thiêm với giá trúng kỷ lục vừa rồi. Vì vậy, nhiều nghi vấn rằng các DN đang ồ ạt phát hành TP huy động vốn gần đây để có tiền nộp mua các lô đất tại Thủ Thiêm nói trên.

Ông Huỳnh Phước Nghĩa, chuyên gia tư vấn cấp cao tại Công ty GBIC, cho rằng các DN có nhiều cách để huy động vốn tham gia triển khai các dự án lớn. Trong khi ngân hàng đang bị hạn chế về việc rót vốn cho ngành BĐS thì các DN sẽ thực hiện vay vốn chủ yếu bằng TP. Hơn nữa, với dự án như Thủ Thiêm có giá trị lên tới hàng ngàn tỉ đồng thì các nhà băng cũng sẽ e ngại cho vay nếu lấy chính dự án đó làm tài sản thế chấp vì khó định giá hợp lý.

Ông Nghĩa cho rằng do các công ty như Bách Hưng Vương, Sun Valley không công bố thông tin về phía người mua là ai nên cũng không thể biết được liệu có chuyện dòng vốn từ ngân hàng đầu tư vào hay không. Nếu có thì đây là một cách đi vòng để rót vốn vào BĐS mà không bị Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt như cho vay trực tiếp. Việc phát hành TP của các DN chưa niêm yết nói chung hay DN ngành BĐS nói riêng đã được cảnh báo tiềm ẩn nhiều rủi ro không chỉ cho nhà đầu tư cá nhân mà cả các tổ chức tài chính.

Những khoảng trống rủi ro

TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), cho rằng thông thường các DN tham gia đấu giá đất với các dự án lớn sẽ không tự đứng ra huy động vốn. Nhưng sau đó, sẽ có một nhóm công ty “anh em”, “bà con” thực hiện gọi vốn bằng nhiều cách, từ đi vay ngân hàng đến phát hành TP. Sau đó các DN có tiền sẽ thông qua hình thức góp vốn với DN đã trúng đấu giá để cùng thực hiện dự án hoặc có thể cho vay lại. Thật ra thì tất cả đều có chung một “mẹ” nên suy cho cùng năng lực tài chính, nguồn thu, rủi ro… cũng về một mối. Các quy định hiện nay chỉ giới hạn mục đích sử dụng vốn khi DN phát hành TP, nhưng vẫn còn chưa rõ. Chẳng hạn DN được phát hành TP để huy động vốn phát triển dự án, nhưng đó là dự án đang thực hiện hay là dự án sẽ hình thành trong tương lai… Nếu vậy thì công ty có quyền huy động vốn để lấy tiền tham gia đấu giá mua đất Thủ Thiêm và đây là tài sản chỉ hình thành trong tương lai. Khi đó sẽ có nhiều rủi ro cho nhà đầu tư tham gia góp vốn.

Đặc biệt, quy định chỉ nêu sau khi phát hành TP các DN phải báo cáo việc sử dụng vốn như thế nào, có đúng với thông tin đã công bố hay không? Nhưng trên thực tế, việc báo cáo là của DN, còn đúng hay không thì có lẽ không ai biết. Đây chính là một khoảng trống rất lớn trong hoạt động phát hành TP hiện nay. Nếu như DN phát hành riêng lẻ cho 1 - 2 nhà đầu tư cũng tương tự như đi vay nội bộ, vay 1 - 2 cá nhân nào đó thì tác động không lớn, nhưng nếu gọi vốn từ hàng trăm người khác thì tác động sẽ rất lớn. Vì vậy, các nhà đầu tư vẫn luôn cần sự minh bạch thông tin.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính VN (VAFI), phân tích theo quy định hiện tại, các DN có thể phát hành TP riêng lẻ hoặc phát hành rộng rãi theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và đảm bảo khả năng trả nợ. Mới nhất là Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 16/2021 và sẽ áp dụng từ ngày 15.1 tới, trong đó nghiêm cấm các ngân hàng thương mại không được mua trái phiếu DN phát hành để cơ cấu nợ, để thâu tóm DN khác, để tăng quy mô vốn hoạt động... Dù vậy, vẫn không loại trừ có chuyện vốn chảy từ các nhà băng sang các dự án BĐS thông qua hình thức TP. Vì thế, vẫn cần phải có sự giám sát chặt chẽ hơn. Bên cạnh đó, cần bổ sung thêm quy định về việc nếu các DN phát hành TP mà đang bị thua lỗ thì phải có tổ chức tài chính bảo lãnh kèm theo xếp hạng định mức tín nhiệm để hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư.

Đầu tháng 12.2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có công điện yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành và sử dụng vốn thu được từ phát hành TP, nhất là phát hành TP riêng lẻ của các DN BĐS, của tổ chức tín dụng có liên quan đến DN BĐS, các đơn vị có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các công ty có kết quả kinh doanh thua lỗ, các DN phát hành không có tài sản bảo đảm…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.