Sử dụng sách giáo khoa song ngữ (trước hết trong các môn toán và khoa học), nhằm nâng cao năng lực ngoại ngữ là con đường nhiều nước đã trải qua và từ bỏ vì không hiệu quả.
Rốt cuộc kiến thức khoa học của học sinh không vững mà tiếng Anh cũng không tốt hơn những người học thuần túy tiếng Anh.
Coi chừng “xôi hỏng bỏng không”
Do đó, theo nhiều ý kiến, giáo dục VN nếu chọn đường này sẽ có nhiều rủi ro, dễ dẫn đến tình trạng “xôi hỏng bỏng không”.
Ông Nguyễn Hồng Đức, Trưởng bộ môn tiếng Anh Trường ĐH Quốc tế TP.HCM, nhìn nhận: “Việc đưa sách song ngữ toán, khoa học vào trường học hiệu quả đến đâu còn phụ thuộc vào bối cảnh của nó. Ví dụ, tại Mỹ và Canada..., học sinh (HS) quốc tế đến học, do không theo được hoàn toàn bằng tiếng Anh nên họ mới đưa sách song ngữ vào để ngôn ngữ mẹ đẻ hỗ trợ cho quá trình học kiến thức của HS. Còn bối cảnh của VN ngược lại hoàn toàn, tiếng Việt là chủ đạo, chúng ta đưa tiếng Anh vào, bắt các em sử dụng liệu các em có tiếp thu nổi không? Một HS cùng lúc gánh 2 mục tiêu là vừa phải phát triển tiếng Anh vừa phải nắm bắt kiến thức môn học, là rất khó”.
Chính vì thế, ông Đức cho rằng dạy và sử dụng sách song ngữ trong bối cảnh như vậy sẽ khó có hiệu quả, thậm chí còn khó đạt được mục tiêu nào trong cả 2 mục tiêu trên.
Tiếng Việt là chủ đạo, chúng ta đưa tiếng Anh vào, bắt các em sử dụng liệu các em có tiếp thu nổi không? Một HS cùng lúc gánh 2 mục tiêu là vừa phải phát triển tiếng Anh vừa phải nắm bắt kiến thức môn học, là rất khó
Ông Nguyễn Hồng Đức, Trưởng bộ môn tiếng Anh Trường ĐH Quốc tế TP.HCM
Tiến sĩ Hồ Văn Hải, Trưởng khoa Giáo dục tiểu học, Trường ĐH Sài Gòn cũng lo ngại với chương trình quá tải, tiếng Anh của HS tiểu học mới còn ở cấp độ “làm quen” thì sẽ tiếp nhận kiến thức như thế nào. Tiến sĩ Hải cho rằng: “Chỉ rất ít HS có khả năng sử dụng sách song ngữ hiệu quả. Đó là những HS giỏi tiếng Anh hoặc học tại các trường quốc tế. Còn lại đa số, giảng bằng tiếng Việt các em còn không hiểu hết. Chẳng hạn từ mỗi với từ một trong toán học các em còn chưa phân biệt được, làm sao giảng bằng tiếng Anh? Mục tiêu học môn toán để tìm cho ra đáp số, chứ không phải để các em phải đánh vật với one là một, add là thêm, là cộng còn is là bằng...”.
Một phó giáo sư người Việt của Trường ĐH Indiana (Mỹ) cũng cho rằng việc đưa vào sử dụng sách song ngữ bậc tiểu học môn toán là một bước đi tích cực. Tuy nhiên, cần rút kinh nghiệm với chương trình song ngữ đã thực hiện trước đó. "Tôi từng học chương trình song ngữ từ tiểu học đến ĐH nhưng hiện tại không thể nói tiếng Pháp, bạn bè của tôi cũng thế", người này nhấn mạnh.
Một giáo viên (GV) tiếng Anh tại Đà Nẵng cho biết không khuyến khích áp dụng sách song ngữ dạy học các môn toán, khoa học trong chương trình phổ thông. Người này phân tích: “Tiếng Việt là ngôn ngữ ký âm, viết sao đọc vậy. Nếu đặt tiếng Việt gần tiếng Anh, theo phản xạ tự nhiên HS sẽ dùng âm tiếng Việt để đọc tiếng Anh. Như vậy, quá trình này qua thời gian sẽ là rào cản lớn nhất của việc học tiếng Anh, đặc biệt là trong phát âm”.
Áp dụng rồi bỏ
Malaysia là một trường hợp có thể tham khảo. Quốc gia này thực hiện chính sách song ngữ từ rất lâu. Họ kiên trì với điều này nhưng họ luôn có những sửa đổi trong chính sách về giáo dục ngôn ngữ. Kế hoạch giáo dục quốc gia của nước này giai đoạn 2013 - 2025 đặt ra 11 cách thức để đạt được mục tiêu. Đứng thứ hai trong số đó là đảm bảo HS phải thành thạo tiếng Anh và Bahasa Malaysia.
Để thúc đẩy việc dạy song ngữ đạt hiệu quả, các chính sách về ngôn ngữ của nước này luôn có những thay đổi quan trọng. Chẳng hạn vào năm 1999, Malaysia áp dụng kiểm tra đầu vào tiếng Anh (Malaysia English University Language Test- MUET) đối với những HS muốn vào các trường ĐH công. 4 năm sau, vào năm 2003, Malaysia áp dụng dạy tiếng Anh với các môn toán và khoa học. Theo các nhà nghiên cứu, chính sách này thể hiện một quyết tâm mạnh mẽ để phát triển giáo dục song ngữ trong nhà trường. Tuy nhiên, chủ trương này không tồn tại lâu. Vào năm 2009, các giáo trình giảng dạy quay trở về viết bằng tiếng Bahasa Malaysia. N.A
Lo ngại về trình độ giáo viên
Nhiều GV cho rằng hiện tại VN không có nhiều GV toán có thể dạy toán bằng tiếng Anh. Thậm chí, nhiều GV tiếng Anh không thể giao tiếp bằng tiếng Anh nhưng vẫn tham gia giảng dạy. Do vậy, việc áp dụng dạy sách song ngữ sẽ gây nhiều tốn kém kinh phí đào tạo lại GV, mất thời gian và không có gì chắc chắn sẽ hiệu quả. Vì vậy cần phải đặt ra vấn đề đào tạo lại và tự đào tạo lại GV đạt chuẩn để tạo môi trường tiếng Anh tốt.
Trong khi đó, tiến sĩ Lê Thị Kiều Vân, giảng viên tiếng Anh Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết việc giảng dạy tiếng Anh song ngữ chỉ đạt hiệu quả nếu đội ngũ GV tham gia giảng dạy được đào tạo bài bản. Ngoài kiến thức chuyên môn, các GV này cần phải đáp ứng yêu cầu ngoại ngữ theo khung ngoại ngữ 6 bậc của VN. “Bản thân việc học toán bằng tiếng Việt đã rất vất vả, nên việc học môn này bằng tiếng Anh càng không dễ dàng. Do vậy, với điều kiện thực tế, việc dạy song ngữ môn toán cần thực hiện từng bước, có thể thí điểm với HS có nhu cầu hoặc dạy trong chương trình ngoại khóa”, tiến sĩ Vân cho biết.
Chia sẻ về việc đào tạo GV tiểu học hiện nay, tiến sĩ Hải cho biết các trường sư phạm từ trước đến giờ chỉ đào tạo để GV ra trường dạy chương trình tiếng Việt thông thường. Muốn dạy song ngữ, các GV tương lai này phải được học phần tiếng Anh chuyên ngành. Trên thực tế, hầu hết sinh viên ngành giáo dục tiểu học ở nhiều trường sư phạm mới chỉ được học chương trình tiếng Anh đại trà giống như sinh viên của các ngành khác. Tại Trường ĐH Sài Gòn, dự kiến bắt đầu từ năm học 2016 - 2017 sẽ đưa vào 1 - 2 học phần tiếng Anh chuyên ngành cho sinh viên giáo dục tiểu học. “Mặc dù ngôn ngữ tiếng Anh trong môn toán khá đơn giản, nhưng cũng phải có sự chuẩn bị. GV cũng phải được đào tạo, tập huấn bài bản. Nếu không, dạy song ngữ nhưng lại chủ yếu dùng tiếng Việt, thì vô nghĩa”, ông Hải nói.
Vừa kết thúc năm học, phụ huynh học sinh bậc tiểu học bất ngờ nghe thông báo năm học mới sẽ sử dụng sách giáo khoa khác, loại song ngữ Việt - Anh.
Ý kiến
Thực hiện sẽ đảo lộn việc dạy học
Không biết lãnh đạo ngành giáo dục có khảo sát trình độ tiếng Anh của GV hay không khi thực hiện chủ trương này. Nếu có, chắc chắn họ không thể đưa ra quyết định này vì trình độ tiếng Anh của GV toán và các môn khoa học hầu hết là yếu. Trừ một số trường hợp đặc biệt. Nếu cứ miễn cưỡng thực hiện, tôi nghĩ sẽ làm đảo lộn việc dạy và học như hiện tại. Mà hậu quả nghiêm trọng hơn có thể khiến GV và cả HS lâm vào cảnh hỗn loạn. (Lê Thị Yên, GV một trường tiểu học tại Q.1, TP.HCM).
Quy trình ngược
HS lớp 3 mới bắt buộc học tiếng Anh, nhưng sách song ngữ lại bắt đầu từ lớp 2. Vậy nếu trường triển khai thì HS sẽ đi theo quy trình ngược là chưa được học tiếng Anh cơ bản đã phải sử dụng tiếng Anh để học kiến thức. (Hồ An, GV tiểu học tại Q.12, TP.HCM)
Trình độ tiếng Anh của giáo viên chưa cao
Thực tế, trình độ tiếng Anh của GV dạy toán và một số môn khoa học không cao. Vì vậy, nếu muốn thay đổi cũng cần có lộ trình để các trường sư phạm thay đổi phương thức tuyển sinh và đào tạo. Sau đó, mới có thể áp dụng thì may ra sẽ đạt hiệu quả thật sự. (Phan Thùy Trang, GV Trường tiểu học T.H.Đ, Q.1, TP.HCM)
Đừng mang con tôi ra làm chuột bạch nữa
Trong xu hướng toàn cầu hóa, tiếng Anh rất cần thiết nhưng tôi thấy cách làm này của ngành giáo dục không khả thi. Cần xem xét thật kỹ nhiều yếu tố như khả năng giảng dạy của GV tới đâu? HS có thể tiếp nhận cách dạy đó hay không? Nếu việc triển khai bộ sách này thất bại ngành giáo dục có thể sửa sai, nhưng không thể bắt HS học lại được. Bởi vậy đừng mang con tôi ra làm chuột bạch nữa. (Hồ Thị Lam,phụ huynh tại Q.1, TP.HCM)
Nhiều học sinh sẽ không theo kịp
Việc này không chỉ nói là làm mà cần phải có sự chuẩn bị lâu dài. Điều lo ngại còn ở phía HS. Hiện tại ở các trường tiểu học, số lượng HS có khả năng nghe hiểu và học bằng tiếng Anh chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vậy nên việc dạy song ngữ có thể giúp các em hòa nhập hay sẽ tạo sự cách biệt? Khi miễn cưỡng thực hiện, nhiều HS sẽ không thể theo kịp. (Bùi Quốc Cường, GV một trường tiểu học tại Q.10, TP.HCM)
Nhiều kiến thức sẽ bị hạn chế
Nếu bây giờ yêu cầu chúng tôi dạy toán và các môn khoa học bằng tiếng Anh thì cũng không phải là không làm được nhưng có lẽ kiến thức sẽ bị giới hạn và việc tiếp nhận của HS cũng sẽ gặp khó khăn. (Lê Trung Kiên, GV Trường THCS Nguyễn Kiến, Vĩnh Phúc)
Bình luận (0)