Bất ngờ với vẻ xinh đẹp mới lạ của chai thủy tinh bỏ đi

15/05/2022 15:32 GMT+7

Với mục đích tái chế những vỏ chai thủy tinh để không bị vứt bỏ ra môi trường, những bạn trẻ đã cùng nhau vẽ những 'chiếc áo mới' vô cùng xinh đẹp cho các chai thủy tinh đã cũ.

Buổi workshop “Vẽ chai thủy tinh” thu hút rất nhiều bạn trẻ tham gia

Bảo hạo

Buổi hội thảo (workshop) “Vẽ chai thủy tinh” là hoạt động trải nghiệm miễn phí dành cho tất cả mọi người với hy vọng đem lại vòng đời mới cho thủy tinh. Workshop diễn ra vào ngày 14.5 tại trung tâm thương mại SC VivoCity (Q.7, TP.HCM).

Ngồi tỉ mỉ từng nét cọ trên chiếc chai thủy tinh khá lớn, Vũ Nguyễn Quỳnh (20 tuổi) chia sẻ: “Mình chỉ tình cờ biết được workshop khi đến đây, nghe tên khá lạ nên mình quyết định vào thử. Lần đầu cầm cọ vẽ lên thủy tinh rất thú vị, hình vẽ ra sẽ đọng lại trên chai rất đẹp, những chai lọ được vẽ xong có thể dùng để trang trí, tặng cho bạn bè hoặc giữ lại làm kỷ niệm”.

Nhưng Quỳnh cũng cho biết vẽ lên thủy tinh rất khó vì dễ bị loang màu, nên đôi lúc hình vẽ ra sẽ không giống ý muốn ban đầu. Cũng gặp khó khăn khi vẽ, Ông Thị Diễm Trinh, sinh viên Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, bày tỏ: “Dù ban đầu vẽ hơi khó do bề mặt trơn không giống như giấy vẽ bình thường và màu cũng dễ lem khi tô lên nhưng đối với nhiều người trẻ như mình, vẽ tranh trên thủy tinh lại đem đến cảm giác rất mới. Theo mình, vẽ tranh trên chai thủy tinh có ý nghĩa vừa bảo vệ môi trường, vừa có thể làm quà tặng hay trưng bày để chai lọ không bị vứt đi lãng phí”.

Chị Minh Quyên hướng dẫn các bạn nhỏ vẽ tranh trên thủy tinh

Bảo hạo

Sự kiện “Vẽ chai thủy tinh” chỉ tổ chức với 4 không gian trải nghiệm, số lượng ghế rất vừa đủ, nhưng lại thu hút sự tham gia rất lớn, đặc biệt là người trẻ. Từ lúc 15 giờ, không gian của sự kiện đã chật kín chỗ ngồi với rất nhiều chai lọ thủy tinh và dụng cụ vẽ trên bàn.

Một số tác phẩm vẽ trên chai thủy tinh đã hoàn thành

Bảo hạo

Những chiếc chai, lọ thủy tinh cũ được dùng vẽ tại workshop đều được chị Hứa Minh Quyên, nhà sáng lập Mắt Vạn Hoa, thu gom từ những hàng quán, khu phế liệu…

“Ý tưởng vẽ lên chai bắt nguồn khi tôi vô tình đi đổ rác thì thấy người ta vứt đầy các chai thủy tinh, không có ai gom hết, người bán ve chai nói là chỉ thu gom phế liệu thôi chứ mấy cái vỏ chai đó họ không bán được, không có tác dụng gì hết. Nên những chiếc vỏ chai đó sẽ bị trộn lẫn với rác và rất dễ bị vỡ ra vừa ô nhiễm môi trường, vừa gây nguy hiểm. Nên tôi liền nghĩ cách làm sao để có thể tái chế được chúng”, chị Minh Quyên kể lại.

Thế là sẵn có niềm yêu thích hội họa, chị Quyên thu nhặt những chai thủy tinh bị vứt đi, rửa sạch và vẽ lên những hình ảnh đẹp mắt. Sau khi chia sẻ các tác phẩm của mình lên mạng xã hội và nhận được nhiều phản hồi tích cực nên chị quyết định tổ chức workshop để cho mọi người cùng trải nghiệm với hy vọng những cái việc nhỏ của mình tác động đến nhiều người hơn, cải thiện cho lượng rác thải xung quanh.

Chai, lọ thủy tinh có được vòng đời mới

Bảo hạo

“Tôi mong mọi người khi có những chai, lọ đã qua sử dụng thì có thể rửa và tái chế lại để dùng, cố gắng đừng vứt ra ngoài môi trường. Tôi mong mọi người hiểu hơn về tác hại của chai lọ thủy tinh khi độ phân hủy của nó cũng không thua gì rác thải nhựa. Trong khi đó, thủy tinh lại là nguồn tài nguyên rất tốt, rất dồi dào”, chị Minh Quyên cho biết.

Workshop “Vẽ chai thủy tinh” là sân chơi cho tất cả mọi người vừa cùng nhau trổ tài vẽ tranh vừa lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường trước tác hại của rác thải thủy tinh. Có rất nhiều tác phẩm đẹp mắt của người tham gia càng khiến cho hoạt động thêm ý nghĩa với những chiếc vỏ chai thủy tinh cũ đã được “tái sinh” thành những món đồ hữu ích.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.