Ảnh: Ngọc Thắng |
* Theo ông, tình trạng bát nháo trong liên kết đào tạo với các cơ sở giáo dục nước ngoài là do đâu?
Một số chương trình không có phép thì không nói làm gì vì đó là vi phạm pháp luật rồi, cần phải xử lý kiên quyết. Đó là những trường hợp lạm dụng hình thức liên kết đào tạo để có hành vi lừa đảo người học. Tuy nhiên, có những chương trình không đảm bảo uy tín, chất lượng mà vẫn được cấp phép thì rõ ràng việc thẩm định cấp phép là không nghiêm túc, trong đó trách nhiệm chủ yếu là của Bộ GD-ĐT.
* Vậy theo ông, trách nhiệm cụ thể của cơ quan quản lý về vấn đề này ra sao?
Đây là lĩnh vực đặc biệt nên cần sự quan tâm, quản lý đặc biệt. Chính những cơ quan kiểm định, cơ quan chuyên môn trong nước có trách nhiệm phải giúp người dân hiểu được chất lượng thực sự của những chương trình như vậy và xem nó có tương xứng với chi phí mà họ phải đóng góp hay không? Trước đây tôi làm việc ở ĐH Quốc gia Hà Nội, bao giờ cũng yêu cầu chương trình của trường đối tác phải nằm trong danh sách những chương trình đã được kiểm định bởi các tổ chức có uy tín trên thế giới. Việc cấp phép cho các chương trình liên kết đào tạo là một nhiệm vụ rất quan trọng, trách nhiệm trước hết là của Bộ GD-ĐT, của những cơ quan được giao thẩm quyền cấp phép trước nhân dân.
* Thưa ông, có những cơ sở đào tạo "chui" đến 8-9 năm nhưng cơ quan quản lý không hề có động tác xử lý gì, chỉ khi dư luận lên án mới lên tiếng rằng "chương trình đó chưa được cấp phép". Cơ quan quản lý thực sự đã không biết (trước khi dư luận phát hiện) hay có lý do nào khác?
Lẽ ra Bộ GD-ĐT phải xử lý trước khi người học lên tiếng. Bộ phải có trách nhiệm tìm hiểu và công khai tất cả những thông tin liên quan đến các chương trình đào tạo liên kết để người học biết và có trách nhiệm ngăn chặn, xử lý những sai phạm
|
|
Theo tôi, lẽ ra Bộ GD-ĐT phải xử lý trước khi người học lên tiếng. Bộ GD-ĐT phải có trách nhiệm nghiên cứu, tìm hiểu và công khai tất cả những thông tin liên quan đến các chương trình đào tạo liên kết để người học biết và có trách nhiệm ngăn chặn, xử lý những sai phạm.
* Trong vấn đề thu chi, làm sao người học có thể kiểm soát được là mức đóng góp của họ đã xứng đáng với chất lượng đào tạo mà họ nhận được, thưa ông?
Tất nhiên khi đã hoạt động có thu chi thì phải có nguyên tắc về quản lý tài chính và thu thế nào, chi ra sao phải được công khai trước khi tuyển sinh. Hiện nay, chưa có khung học phí đối với vấn đề liên kết đào tạo, khi thực hiện chương trình của nước ngoài thì chúng ta chỉ quản lý làm sao cho nó hoạt động nghiêm túc, không lừa đảo, không làm hại đến người dân.
Kiểm tra hoạt động liên kết đào tạo Ngày 11.11, Bộ GD-ĐT đã ban hành hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ thanh tra năm học 2010-2011 đối với các trường ĐH, CĐ, TCCN. Theo đó, trọng tâm năm học này là thanh tra, kiểm tra việc thực hiện cam kết trong đề án thành lập trường về cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo, chương trình, giáo trình nhằm bảo đảm và từng bước nâng cao chất lượng đào tạo. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra hoạt động liên kết đào tạo; các chương trình đào tạo theo hình thức vừa làm vừa học, từ xa, trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Vũ Thơ |
* Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chúng ta vẫn đang thiếu một hành lang pháp lý đầy đủ và chặt chẽ nên mới xảy ra hiện tượng các trường ĐH ngang nhiên đào tạo trái phép, không đảm bảo về chất lượng cũng như giá trị của văn bằng?
Thực ra khi sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục vừa qua chúng tôi cũng đã yêu cầu Bộ GD-ĐT phải tăng cường những điều khoản liên quan đến việc hợp tác quốc tế trong giáo dục. Nhưng thực ra cũng mới chỉ bổ sung được một số điều mang tính nguyên tắc vì chúng ta chưa đủ kinh nghiệm thực tế, chưa có sự chuẩn bị đầy đủ nên Bộ GD-ĐT cũng chưa đưa ra được những quy định chặt chẽ về vấn đề này.
Chính bởi vậy tôi cho rằng trong Luật Giáo dục ĐH đang xây dựng thì cơ quan soạn thảo phải đặt ra những quy định rõ ràng, cụ thể trong việc thực hiện các chương trình liên kết mang tính chất quốc tế ở VN về lĩnh vực giáo dục ĐH. Trong đó, phải nêu rõ những điều kiện nào cần và đủ, những tiêu chí cụ thể để có thể cấp phép cho một chương trình liên kết đào tạo.
* Cảm ơn ông!
Tuệ Nguyễn (thực hiện)
Bình luận (0)