'Bát nháo' ở phiên tòa

Phan Thương
Phan Thương
10/09/2018 08:00 GMT+7

Thời gian qua, tại nhiều phiên tòa đã xảy ra tình trạng gây rối, cự cãi, thậm chí đương sự đánh HĐXX, kiểm sát viên, gây cảnh 'bát nháo' nơi pháp đình.

Theo lãnh đạo TAND TP.HCM, hằng năm đều xảy ra tình trạng đương sự gây rối trật tự, vi phạm nội quy phiên tòa.
Ảnh hưởng tính tôn nghiêm của tòa án
Tháng 8 vừa qua, Công an H.Bình Chánh (TP.HCM) bắt tạm giam Nguyễn Văn Hiền để điều tra về 2 hành vi: “gây rối trật tự phiên tòa, phiên họp” và “chống người thi hành công vụ”; em ruột của Hiền là Nguyễn Văn Sang cũng bị khởi tố, tạm giam về hành vi “chống người thi hành công vụ”.
Trước đó, ngày 23.7.2018, TAND H.Bình Chánh xét xử sơ thẩm vụ tranh chấp lối đi chung giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Văn Nam kiện ông Nguyễn Văn Hiền và bà Trần Thị Em. Đến trưa 23.7, khi HĐXX vừa tuyên án, yêu cầu bị đơn không được phép chặn lối đi của hàng chục hộ dân ở hẻm 164B Tân Nhiễu, xã An Phú Tây (H.Bình Chánh), lập tức ông Hiền nhảy lên bục của HĐXX, kiểm sát viên (KSV) tấn công KSV Nguyễn Văn Lân (đại diện Viện KSND H.Bình Chánh giữ quyền công tố tại tòa) khiến ông Lân bị gãy kính, chảy máu mũi.
Tiếp đó, gia đình ông Hiền định tấn công HĐXX nhưng các thành viên HĐXX kịp thời tránh ra sau hội trường bằng lối đi riêng. Ngoài ra, ông Hiền và người nhà còn đánh vào vùng bụng, mặt một phóng viên đang tác nghiệp tại phiên tòa và một công an khu vực tại sân tòa.

Chủ tọa phiên tòa được luật trao quyền điều khiển phiên tòa để bảo đảm uy nghi của phiên xử. Khi chủ tọa tạo được uy nghi và nghiêm minh trong quá trình thụ lý vụ án đến khi xét xử thì tất cả các hành vi quá khích được giảm xuống hoặc bằng không

Nguyên thẩm phán TAND tối cao Phạm Công Hùng

Một vụ việc khác, tháng 5.2018, một nhóm đương sự khoảng 10 người đến TAND TP.HCM từ 8 giờ đến hơn 11 giờ, la hét (nhóm này trước đó nhiều lần đến tòa la lối, chửi bới - PV), yêu cầu gặp thẩm phán thụ lý vụ án của họ, yêu cầu được gặp chánh án. Khi nhóm người này xông vào khu vực nội bộ của tòa thì bị bảo vệ tòa ngăn lại. Trong lúc xô đẩy qua lại thì mặt kính cửa ngăn khu vực của tòa bị đập vỡ. Sự việc sau đó được công an phường lên làm việc, xử lý.
Trước đó (từ năm 2010 - 2017) cũng xảy ra hàng loạt vụ việc: đương sự ném mắm tôm, chửi bới thẩm phán, rượt đánh luật sư, đập phá/đạp đổ bàn ghế phòng xử.
Luật sư Hoàng Hải Hà (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, nội quy phiên tòa theo Thông tư 02/2017 đã nghiêm cấm hành vi mang vũ khí, hung khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, đồ vật cấm lưu hành, truyền đơn, khẩu hiệu và tài liệu, đồ vật khác ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của phiên tòa vào phòng xử án...
Chủ tọa phải nhạy bén nhận định vụ việc
Theo các chuyên gia pháp luật, khả năng phán đoán, bản lĩnh của chủ tọa chính là cách giảm thiểu các tình huống xấu, kích động trong phiên xử.
Nguyên thẩm phán TAND tối cao Phạm Công Hùng cho hay luật đã dự liệu mọi tình huống và có các chế tài nhằm bảo vệ HĐXX, KSV thì chính những người tiến hành tố tụng cũng phải làm tròn trách nhiệm của mình. “Chủ tọa phiên tòa được luật trao quyền điều khiển phiên tòa để bảo đảm uy nghi của phiên xử. Khi chủ tọa tạo được uy nghi và nghiêm minh trong quá trình thụ lý vụ án đến khi xét xử thì tất cả các hành vi quá khích được giảm xuống hoặc bằng không”, ông Hùng nói.
'Bát nháo' ở phiên tòa1
Cảnh sát hỗ trợ tư pháp tham gia giải quyết vụ đương sự đánh kiểm sát viên ở TAND H.Bình Chánh Ảnh: Lê Phong
Theo ông Hùng, tính nghiêm minh của chủ tọa thể hiện trong việc khi nghiên cứu hồ sơ, chủ tọa phải có khả năng phán đoán, dự liệu tình huống xấu có thể xảy ra ở phiên tòa. Rồi tại phiên tòa, qua thẩm vấn, chủ tọa cần nhận biết được nguy cơ xung đột có thể xảy ra không... Tiên liệu, nhận định, để nếu cần thiết thì hoãn phiên tòa để giảm thiểu sự bức xúc tức thời và để chuẩn bị lực lượng bảo vệ phiên tòa phù hợp cho buổi xét xử sau.
Đồng thời, chủ tọa phiên tòa phải thẩm tra chứng cứ minh bạch, đúng sai rõ ràng để không tạo ra bức xúc. “Những người tiến hành tố tụng khi đã thể hiện được phong thái chuẩn mực, có năng lực, bản lĩnh và khách quan trong xét xử thì tất yếu giảm thiểu sự bức xúc, hành vi gây rối. Đừng để cái sai của anh (KSV, HĐXX - PV) là nguyên nhân dẫn đến những cái sai khác”, ông Hùng nhấn mạnh.
“Để đảm bảo phiên tòa diễn ra có tôn nghiêm hay không thuộc về trách nhiệm của tòa án, mà cụ thể là chủ tọa phiên tòa. Phiên tòa diễn ra như thế nào, tất cả phụ thuộc vào sự nhạy bén, khả năng phán đoán của chủ tọa. Khi nghiên cứu hồ sơ, mời các bên làm việc, hòa giải..., chủ tọa phải nhận định vụ đó có cần lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp bảo vệ phiên xử hay không để làm đề xuất gửi lãnh đạo tòa án để TAND gửi công văn sang ngành công an yêu cầu lực lượng bảo vệ phiên tòa”, ông Đinh Văn Quế, nguyên Chánh tòa hình sự TAND tối cao, khẳng định.
Đại diện TAND Q.Gò Vấp (TP.HCM) chia sẻ: “Phía tòa luôn yêu cầu cán bộ, công chức nghiêm túc về cách ứng xử với đương sự. Bởi cách tiếp xúc, đặt câu hỏi đóng vai trò rất quan trọng. Cách hỏi, cách ứng xử của chủ tọa, KSV phải đúng chuẩn mực đối với đương sự để họ cảm thấy có sự khách quan. Bởi những đương sự đã có mâu thuẫn mới đến tòa nên họ rất nhạy cảm. Và khi cách ứng xử, hỏi không phù hợp, một bên cho rằng quyền lợi của họ không được bảo vệ sẽ dẫn đến căng thẳng là chửi bới, gây rối, phỉ báng những người tiến hành tố tụng”.
Luật sư Hải Hà nói: “Ngoài ra, với những hành vi gây rối tại tòa, HĐXX có thẩm quyền buộc người vi phạm rời khỏi phòng xử án, khu vực xét xử; yêu cầu tạm giữ người gây rối trật tự phiên tòa với sự hỗ trợ của cảnh sát hỗ trợ tư pháp (nếu có). Người gây rối tùy hành vi, mức độ, có thể bị xử phạt hành chính từ 2 - 3 triệu đồng theo Nghị định 167/2013 hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội gây rối trật tự phiên tòa, phiên họp”.
Kiểm sát viên đột ngột rời phòng xử
Ngày 10.8 vừa qua, một sự kiện hy hữu khác tại TAND tỉnh Gia Lai cũng gây “bát nháo” trong phiên xét xử. Trong khi phiên xét xử vụ án “cố ý gây thương tích” đang ở phần tranh luận, bất ngờ KSV Nguyễn Văn Thanh (KSV trung cấp Viện KSND tỉnh Gia Lai) - 1 trong 2 KSV giữ quyền công tố tại phiên tòa xách cặp ra khỏi phòng xử, không nói một lời trước sự ngỡ ngàng của cả khán phòng. Trong tình cảnh bất ngờ đó, nhiều người tham dự phiên tòa đã cùng ngăn cản KSV Thanh lên ô tô rời sân tòa.
Trước sự ngăn cản của nhiều người, ông Thanh đã phải xách cặp trở về ghế đại diện VKS của mình. Lúc này, một số luật sư bào chữa cho bị cáo đề nghị HĐXX lập biên bản sự việc nhưng HĐXX không đồng ý, cho rằng KSV chỉ ra ngoài một lát (!?). Không đồng tình, một luật sư đã lập “Biên bản về việc đại diện Viện KSND tỉnh Gia Lai là ông Nguyễn Văn Thanh tự ý bỏ phiên tòa ngày 10.8.2018”. Biên bản này sau đó được nhiều người dân chứng kiến cùng ký nhận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.