Bát nháo xe hợp đồng trá hình ở Quảng Bình: Biết nhưng chưa xử lý được?

23/04/2024 08:34 GMT+7

Dù các nhà xe hợp đồng trá hình ở Quảng Bình hoạt động công khai, nhưng theo nhiều cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình, phần vì lực lượng mỏng, phần vì các nhà xe tìm mọi cách "đối phó" nên vẫn chưa xử lý được tình trạng bát nháo.

SAI PHẠM 'RÕ NHƯ BAN NGÀY'

Sau nhiều ngày theo dõi hoạt động của các nhà xe hợp đồng trá hìnhQuảng Bình, PV Thanh Niên ghi nhận những sai phạm khá rõ của các nhà xe. Trong đó, khách đặt vé xe hết sức dễ dàng, chỉ cần khai tên và CMND hoặc CCCD. Việc đậu, đỗ xe rất tùy tiện, thậm chí đậu, đỗ ngay biển cấm, ở trên cầu. Việc dừng đón dọc đường đi cũng rất phổ biến, nhiều xe chạy vào đường làng để đón khách, chở hàng… Những hành vi này của các nhà xe, ngoài vi phạm các quy định, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông, mất an toàn trật tự xã hội.

Bát nháo xe hợp đồng trá hình ở Quảng Bình: Biết nhưng chưa xử lý được?- Ảnh 1.

Nhà xe tấp vào lề đón khách như... “xe đò” (ảnh chụp đêm 25.2)

Nghị định số 10/2020 đã quy định rõ ràng về "kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng" và "kinh doanh vận tải khách du lịch bằng xe ô tô", thể hiện ở khoản 2, 3 điều 7 và khoản 2, 3 điều 8.

Bát nháo xe khách hợp đồng trá hình ở Quảng Bình

Cụ thể, hợp đồng vận chuyển (hoặc hợp đồng lữ hành) phải được đàm phán và ký kết trước khi thực hiện vận chuyển giữa đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe (bao gồm cả thuê người lái xe). Chỉ được đón, trả khách theo đúng địa điểm trong hợp đồng vận chuyển đã ký kết; không được gom khách, đón khách ngoài danh sách đính kèm theo hợp đồng đã ký do đơn vị kinh doanh vận tải cung cấp; không được xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe, không được bán vé hoặc thu tiền đối với từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức; không được đón, trả khách thường xuyên lặp đi lặp lại hằng ngày tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc tại một địa điểm cố định khác do đơn vị kinh doanh vận tải thuê, hợp tác kinh doanh.

Bát nháo xe hợp đồng trá hình ở Quảng Bình: Biết nhưng chưa xử lý được?- Ảnh 2.

Nhà xe Thuận Béo đón khách ở ngã ba chợ Lý Hòa (H.Bố Trạch, Quảng Bình) đêm 10.4

Trong thời gian 1 tháng, mỗi ô tô không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có điểm đầu trùng lặp và điểm cuối trùng lặp, phạm vi trùng lặp được tính tại một địa điểm hoặc tại nhiều địa điểm nằm trên cùng một tuyến phố (một tuyến đường), ngõ (hẻm) trong đô thị…

Vì thế, sai phạm của các nhà xe Hưng Long, Hoàng Linh, Thành Chung, Thuận Béo... mà Thanh Niên đã phản ánh cho thấy vi phạm rất rõ.

Chưa hết, với việc xe hợp đồng trá hình ngày càng được mở rộng, xe không vào bến bãi còn đặt ra vấn đề thất thu thuế.

Theo Quyết định 41/2023/QĐ-UBND ngày 6.12.2023 của UBND tỉnh Quảng Bình quy định giá dịch vụ xe ra vào bến ô tô trên địa bàn tỉnh, mức thu bình quân mỗi chuyến xe xuất bến là 283.000 đồng/chuyến.

Như vậy, nếu tạm lấy con số 30 xe khách hợp đồng tuyến cố định Quảng Bình - Hà Nội mỗi ngày (như cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình ghi nhận), mỗi tháng địa phương thất thu khoảng 254 triệu đồng. Nếu tính thêm các khoản thu dịch vụ hỗ trợ khác như hoa hồng bán vé, dịch vụ vệ sinh, nghỉ qua đêm… khoảng 135.000 đồng/chuyến, khoản thất thu sẽ cộng thêm 121 triệu đồng/tháng. Vị chi mỗi tháng thất thu khoảng 375 triệu đồng.

'XỬ LÝ MỌI MẶT TRONG THÁNG 4'

Theo số liệu của Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Sở GTVT tỉnh Quảng Bình), toàn tỉnh có tổng cộng 51 đơn vị (469 phương tiện) hoạt động xe hợp đồng và xe du lịch. Hầu hết các đơn vị, phương tiện đều chấp hành tốt các quy định của pháp luật hiện hành, nhưng trong danh sách thống kê này không thấy liệt kê những nhà xe hợp đồng trá hình như Hưng Long, Hoàng Linh, Thuận Béo, Thuận Hiền, Thành Chung, Đức Đạt, Cố Hương…

Nhiều nhà xe hợp đồng trá hình chạy vào đường làng của xã Cảnh Dương (H.Quảng Trạch, Quảng Bình) đêm 10.4 để đón khách, lấy hàng

Nhiều nhà xe hợp đồng trá hình chạy vào đường làng của xã Cảnh Dương (H.Quảng Trạch, Quảng Bình) đêm 10.4 để đón khách, lấy hàng

"Các nhà xe hợp đồng trá hình đều không đăng ký hoạt động với Sở GTVT mà đăng ký tại các địa phương khác, chủ yếu là với TP.Hà Nội, nên chúng tôi không kiểm tra được. Chúng tôi đã có văn bản gửi sở GTVT các tỉnh, thành liên quan để phối hợp kiểm tra", ông Hoàng Ngọc Dũng, Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, nói.

Nhiều nhà xe hợp đồng trá hình chạy vào đường làng của xã Cảnh Dương (H.Quảng Trạch, Quảng Bình) đêm 10.4 để đón khách, lấy hàng

Nhiều nhà xe hợp đồng trá hình chạy vào đường làng của xã Cảnh Dương (H.Quảng Trạch, Quảng Bình) đêm 10.4 để đón khách, lấy hàng

Ông Dũng cho biết, với thiết bị giám sát hành trình (hộp đen) gắn trên xe thì hoàn toàn có thể biết được quãng đường, thời gian, tốc độ, điểm dừng đỗ của các xe này. Nhưng vì không thuộc quyền quản lý nên Sở GTVT tỉnh Quảng Bình gặp khó. "Có nhiều thời gian chúng tôi đã tổ chức đoàn kiểm tra rất "rát" với xe hợp đồng trá hình, kéo dài 1 tuần đến nửa tháng, cũng xử phạt được không ít trường hợp. Nhưng khi chúng tôi rút đi thì đâu lại vào đó", ông Dũng nói.

Nhà xe Hoàng Linh, Thành Chung chạy vào đường làng của xã Cảnh Dương (H.Quảng Trạch, Quảng Bình) đêm 10.4, dừng đỗ rất lâu để lấy hàng và đón khách

Nhà xe Hoàng Linh, Thành Chung chạy vào đường làng của xã Cảnh Dương (H.Quảng Trạch, Quảng Bình) đêm 10.4, dừng đỗ rất lâu để lấy hàng và đón khách

Trưởng phòng Hoàng Ngọc Dũng cũng thừa nhận việc xe khách trá hình tràn lan gây thất thu lớn thuế của Nhà nước, tuy nhiên để "bắt quả tang" hành vi này là không dễ.

"Nhà xe dù nhận khách riêng lẻ nhưng đều chuẩn bị hợp đồng sẵn, có đầy đủ tên tuổi, CMND, CCCD của hành khách, đóng dấu đỏ các bên liên quan. Mình kiểm tra hợp đồng thì họ có hết. Muốn bắt được phải mật phục, theo dõi trên tuyến, ghi hình…; nhưng như vậy thì lực lượng đâu mà làm nổi?", ông Dũng nói.

Trong khi đó, thượng tá Đinh Cao Quang, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Bình, cho biết việc xe hợp đồng trá hình hoạt động trên địa bàn Quảng Bình là có thật và xảy ra nhiều năm. Theo thượng tá Quang, phần gốc của vấn đề là Sở GTVT phải quản lý cho được những nhà xe này. Còn khâu kiểm tra, kiểm soát, xử phạt các hành vi đậu đỗ sai quy định, đón trả khách sai quy định… của lực lượng CSGT chỉ giải quyết phần ngọn. "Chúng tôi chỉ kiểm soát trên đường, nhưng nhà xe xuất trình đầy đủ giấy tờ, có ký hợp đồng, có tên tuổi, CMND của hành khách thì không làm gì được", thượng tá Quang nói.

Nhà xe Hoàng Linh, Thành Chung chạy vào đường làng của xã Cảnh Dương (H.Quảng Trạch, Quảng Bình) đêm 10.4, dừng đỗ rất lâu để lấy hàng và đón khách

Nhà xe Hoàng Linh, Thành Chung chạy vào đường làng của xã Cảnh Dương (H.Quảng Trạch, Quảng Bình) đêm 10.4, dừng đỗ rất lâu để lấy hàng và đón khách

T.L

Thượng tá Quang cũng nêu quan điểm, nếu muốn đưa các nhà xe vào khuôn khổ, tức là vào bến xe, thì cần phải lưu ý cơ sở hạ tầng của các bến xe trên địa bàn liệu có đủ để đón số lượng xe khá lớn này vào bến không.

"Vừa qua, tại kỳ họp HĐND tỉnh Quảng Bình, có cử tri nêu nhiều ý kiến bức xúc về xe hợp đồng trá hình. Công an tỉnh đang giao Phòng CSGT, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP.Đồng Hới… xây dựng kế hoạch và thực hiện tăng cường kiểm soát, xử lý về mọi mặt của xe hợp đồng trá hình ngay trong tháng 4 này", thượng tá Quang nói.

Trả lời Thanh Niên hồi đầu năm 2024, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN, cho rằng một phần nguyên nhân khiến xe hợp đồng trá hình hoạt động như xe khách tuyến cố định gia tăng nhanh là do quản lý xe tuyến cố định quá chặt chẽ, còn với xe hợp đồng lại lỏng lẻo. Theo ông Quyền, Cục Đường bộ VN cần sớm cải tiến phần mềm dữ liệu giám sát hành trình, camera gắn trên xe khách để tăng hiệu quả sử dụng dữ liệu, phục vụ quản lý, xử lý vi phạm, đặc biệt với xe hợp đồng.

Bình luận (1)

avatar-user
ĐỨC MẪU

Trá hình loại này ko hại chết ai chứ cái loại làm quan trá hình hại dân hại hại nước mới sợ!

Trả lời 1 9 tháng trước
avatar-user
aajqhmkE7xGWagBQVraSnA

Chuẩn luôn!

Trả lời 9 tháng trước
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.