Bất ổn leo thang ở Zimbabwe

21/11/2017 07:13 GMT+7

Tình hình Zimbabwe ngày càng khó lường sau khi Tổng thống Robert Mugabe vẫn im lặng sau thời hạn để từ chức do các đối thủ đưa ra.

Đảng cầm quyền Zanu-PF ra hạn chót để Tổng thống Mugabe phải từ chức là trước 12 giờ ngày 20.11 (tức 17 giờ, theo giờ VN). Tuy nhiên, ông Mugabe không đưa ra bất kỳ tuyên bố nào ngoài bài phát biểu “gây bão” vào đầu ngày.
Trước đó, dư luận trong nước và quốc tế đều cho rằng bài phát biểu được truyền hình trực tiếp sẽ là lời tuyên bố ra đi của vị tổng thống 93 tuổi, nhất là khi có tin ông đã chấp nhận các điều kiện để rời ghế. Không ngờ là Tổng thống Mugabe lại nhân dịp này để tái khẳng định mình là “lãnh đạo hợp pháp” của Zimbabwe, đồng thời kêu gọi giải quyết tình hình “trên tinh thần đồng chí”.
Đến tối qua, quân đội, lực lượng đã quản thúc ông Mugabe tại nhà riêng từ sau cuộc binh biến hôm 15.11, vẫn chưa đưa ra phản ứng nào. Trong khi đó, đảng Zanu-PF và đảng đối lập chính MDC-T đều có động thái chuẩn bị để trình quốc hội kiến nghị luận tội tổng thống trong hôm nay 21.11.
Reuters dẫn dự thảo kiến nghị của Zanu-PF cáo buộc ông Mugabe là “nguồn gốc gây bất ổn và khiến nền kinh tế tuột dốc không phanh trong 15 năm qua”. Mugabe lãnh đạo Zimbabwe trên cương vị thủ tướng rồi tổng thống từ khi nước này giành độc lập từ tay Anh năm 1980. Trong giai đoạn 2008 - 2009, Zimbabwe lâm vào tình trạng siêu lạm phát tới mức phải in tờ bạc 100 tỉ, thậm chí là 100.000 tỉ đô la Zimbabwe. Đến năm 2015, sau khi chính phủ ban bố chuyển hẳn sang dùng USD thì tình hình mới phần nào cải thiện.
Cũng trong hôm qua, hàng chục ngàn người, bao gồm cả sinh viên học sinh, xuống đường tại thủ đô Harare để yêu cầu Tổng thống Mugabe từ chức. Ông Chris Mutsvangwa, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh nước này, kêu gọi người biểu tình cố thủ trên đường phố cho đến khi ông Mugabe ra đi. Trong khi đó, đa phần người dân thủ đô đang trong tâm trạng hoang mang và hạn chế ra đường vì lo ngại bạo loạn có thể nổ ra bất cứ lúc nào.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.